Tranh cãi chuyện giá xăng Việt Nam đắt hay rẻ

Giá xăng ở Việt Nam đắt hay rẻ so với thế giới vẫn là câu chuyện gây tranh cãi mà không có đáp áp rõ ràng. Cơ quan quản lý nhiều lần khẳng định, giá xăng ở Việt Nam đang ở mức thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực, song cũng có ý kiến cho rằng so với thu nhập bình quân đầu người thì mức giá này lại ở vị trí cao...

Theo số liệu bảng giá xăng dầu toàn cầu trên trang Global Petrol Prices (xếp theo thứ tự giá thấp nhất đến cao nhất), cập nhật đến ngày 14/8, giá xăng của Việt Nam đang ở vị trí thứ 38/168 nền kinh tế. Cụ thể, giá xăng Việt Nam đang ở mức 1,019 USD/lít, tương đương khoảng 24.380 đồng/lít, cao hơn 2 nước tại khu vực Đông Nam Á là Malaysia 0,444 đồng/lít và Indonesia là 0,871 đồng/lít.

Giá xăng Việt Nam rẻ hơn nhiều nước?

Đáng chú ý, giá xăng ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với Venezuela - quốc gia đang có giá xăng rẻ nhất thế giới với 0,004 USD/lít (gần 100 đồng/lít). Nhiều quốc gia có giá xăng đang đắt gấp đôi giá xăng tại Việt Nam thì đa số là các nước phát triển, nơi có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam 10 - 20 lần, như Singapore, Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Bỉ…

Giá xăng Việt Nam rẻ hay đắt so với thế giới vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong thời gian qua.

Thực tế câu chuyện giá xăng Việt Nam rẻ hay đắt so với thế giới vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong thời gian qua. Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời kiến nghị cử tri thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về thắc mắc liên quan đến thuế và lệ phí xăng dầu hiện còn cao.

Theo cơ quan này, về mức thuế, hiện tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu nhiều nước là 45-60%, trong khi ở Việt Nam là 10-11% đối với dầu và 20-21% đối với xăng. Qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu tại một số quốc gia, giá xăng nhiên liệu tại Việt Nam đang thấp hơn thế giới. Đặc biệt, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của giá xăng dầu của các nước trong khu vực, cũng như mức bình quân trên thế giới (30.649 đồng/lít).

"Giá xăng của Việt Nam cao nhất trong ngày 11/7 chỉ bằng 79% giá xăng tại Trung Quốc, bằng 65% giá xăng của Lào và chỉ bằng 78% giá xăng của Campuchia", Bộ Tài chính cho biết.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính nêu quan điểm: việc đặt vấn đề tiếp tục giảm thuế xăng dầu sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến số thu ngân sách, trong bối cảnh cân đối còn khó khăn. Hiện, nhu cầu chi ngân sách là rất lớn, phục vụ cho chính sách phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh, xóa đói giảm nghèo.

Tuy vậy, cũng có nhiều quan điểm cho rằng, để nói giá xăng đắt hay rẻ còn phụ thuộc vào thu nhập của mỗi một quốc gia. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho thấy, hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải chịu các loại thuế như: Giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (khoảng 10%), tiêu thụ đặc biệt (từ 8%-10%) và bảo vệ môi trường.

Ý kiến trái chiều

Theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm VESS, mặc dù giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng so với thu nhập bình quân đầu người thì mức giá này ở vị trí cao hơn so với một vài quốc gia phát triển hoặc có cùng điều kiện về kinh tế như Mỹ, Nga, Malaysia, Indonesia...

Việt Nam có thể đối mặt với lạm phát, thuế tăng, giá đầu vào tăng, khi giá xăng dầu ở mức cao do chi phí cho xăng dầu được coi là một trong các khoản chi phí đầu vào của sản xuất. Trước thực tế trên, VESS đề xuất chính sách thuế hiện tại có thể không còn phù hợp với bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động bất thường như hiện nay.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, rất khó so sánh giá xăng dầu Việt Nam cao hay thấp so với các nước trên thế giới, bởi mỗi một quốc gia có mô hình, cấu trúc kinh tế, thể chế chính trị, mức độ tiêu dùng của người dân hay thu nhập bình quân đầu người khác nhau. Do vậy, việc điều hành thị trường xăng dầu trong nước cũng cần linh hoạt.

Ở một góc nhìn khác, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chia sẻ với VnBusiness, giá xăng dầu Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới, nhập vào theo giá thế giới. Vấn đề còn lại vấn đề thuế, phí bao nhiêu, mà bao nhiêu còn phụ thuộc vào kế hoạch thu ngân sách của Nhà nước.

Ông Bảo nêu quan điểm, không nên so sánh giá một mặt hàng với mức thu nhập bình quân của người dân, bởi như câu chuyện Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng giá ô tô rất cao, một phần do bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì vậy, với mặt hàng xăng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là bình thường, bởi Nhà nước định vị mặt hàng này không khuyến khích sử dụng nhiều, giúp người dân chuyển sang dùng phương tiện công cộng.

“Chúng ta luôn nhìn nhận xăng là phục vụ nhu cầu thiết yếu, phải rẻ vì lương người lao động còn thấp nhưng nếu đứng về góc độ giao thông vận tải, an toàn đô thị thì Nhà nước không khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân”, ông Bảo nói.

Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhìn nhận, mức thuế, phí khoảng 30% với mặt hàng xăng như vậy là hợp lý: “Tôi ủng hộ với mặt hàng xăng là phải có thuế tiêu thụ đặc biệt, tất nhiên ở mức độ nào phù hợp để người dân thấy rằng không phải trả quá nhiều tiền cho loại thuế này”.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh thuế, phí thì minh bạch thị trường xăng dầu cũng sẽ giúp giá xăng mang tính thị trường và cạnh tranh hơn. Cách tính giá xăng dầu chưa phù hợp thị trường cũng được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu lên khi thẩm tra báo cáo bổ sung kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Theo đó, cách tính giá bán lẻ xăng dầu chưa phù hợp với biến động thị trường, không có tính cạnh tranh và chưa đủ bù đắp chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ. Cách tính này còn ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng khi giá xăng cơ sở cao hơn so với giá xăng dầu thực tế trong nước.

Ông Phạm Ngọc Hùng

Chuyên gia ngành xăng dầu

Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ những hạn chế, bất cập và đang được nghiên cứu sửa đổi. Bên cạnh đó, tôi đề nghị thành lập sàn giao dịch xăng dầu để xác định giá cơ sở trên cơ sở giá trúng đấu giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Việc lập sàn đấu giá xăng dầu cũng giải quyết được các khó khăn về kho dự trữ xăng dầu. Vì các doanh nghiệp muốn tham gia sàn thì phải có kho cung ứng trực tiếp, doanh nghiệp nào cung ứng nhanh, hậu mãi tốt, dịch vụ tốt thì chiếm lĩnh được thị trường. Thêm vào đó, sàn giao dịch cũng giải quyết được vấn đề minh bạch về giá, tránh độc quyền.

Ông Đỗ Huy Trung

Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam

Cần rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu, bởi thời gian điều hành/công bố giá rất quan trọng trong điều kiện diễn biến giá cả xăng dầu thay đổi liên tục do chịu tác động của biến động giá cả trên thế giới. Thời gian công bố giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng và gắn với trách nhiệm của cơ quan quản lý có thẩm quyền công bố giá. Thời gian công bố giá càng ngắn thì bảo đảm tính chính xác, giá sát thị trường càng cao, càng minh bạch. Nếu tăng cường sự đầu tư (con người, phương tiện…) của cơ quan quản lý có thẩm quyền thì thời gian công bố giá một tuần 2 lần là tốt nhất.

PGS.TS. Phạm Thế Anh

Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Nếu so sánh về mức thu nhập sẽ thấy rằng giá xăng Việt Nam ở mức trung bình cao của thế giới và cao hơn nhiều các quốc gia có khai thác dầu mỏ như Việt Nam, bởi một phần thu nhập của người dân sẽ dùng để chi trả chi phí mua nguyên liệu, giá nguyên liệu cũng được tính trong cơ cấu giá hàng hóa khác. Vì vậy, cơ quan quản lý có thể cân nhắc để cắt giảm các loại thuế như bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt… để giảm áp lực cho người dân và doanh nghiệp trong lúc này.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tranh-cai-chuyen-gia-xang-viet-nam-dat-hay-re-1094679.html