Tránh bẫy lừa khi đi lao động ở châu Âu

Hội thảo Nâng cao kỹ năng của lao động Việt Nam, đáp ứng thị trường châu Âu do Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam phối hợp cùng Trường CĐ Viễn Đông tổ chức hôm 10-10.

Sinh viên Trường CĐ Viễn Đông theo dõi thông tin về thị trường việc làm châu Âu

Sinh viên Trường CĐ Viễn Đông theo dõi thông tin về thị trường việc làm châu Âu

Ông Phan Sỹ Nghĩa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, cho biết hiện có hơn 712.000 người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác này, ngoài việc tiếp tục duy trì và mở rộng các thị trường truyền thống thì cần đẩy mạnh phát triển các thị trường mới, trong đó ưu tiên thị trường châu Âu. Đây là thị trường khó tiếp cận nhưng có điều kiện tiếp nhận cao.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về ưu điểm của hệ thống giáo dục nghề nghiệp kép tại Đức mà Việt Nam có thể vận dụng đó là đào tạo lý thuyết tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thực hành tại doanh nghiệp... Chính sách thu hút lao động nước ngoài của chính phủ Đức cũng được đề cập.

Đại diện đến từ Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp đề cập đến một số hạn chế liên quan đến việc đưa lao động đi làm việc tại thị trường châu Âu đó là tính kết nối giữa thị trường lao động châu Âu với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam chưa cao, kỹ năng mềm của người học còn hạn chế…

Theo các đại biểu, để đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động châu Âu, cần xác định được nhu cầu lao động nước ngoài của các nước châu Âu, nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề cho người học.

Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho rằng làm việc tại Đức đang được nhiều bạn trẻ quan tâm. Thấy được nhu cầu đó, nhiều đơn vị tư vấn tuyên truyền khắp trên mạng xã hội và các kênh truyền thông mà không có chức năng hợp pháp của ngành lao động, giáo dục và đào tạo; đủ giá cả về thông tin chi phí học tập tiếng Đức, hồ sơ, mức lương... làm người học không biết đơn vị nào là chính thống. Các trung tâm dạy ngoại ngữ không giấy phép, không ai kiểm tra chất lượng; đưa du học sinh qua Đức nhưng không kết nối Tổng lãnh sự quán hay Đại sứ quán để thực hiện bảo hộ công dân; hiện tượng phá hợp đồng xảy ra từ 2 phía không có ai giải quyết… Ông đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc để người có nhu cầu học tập, làm việc tại Đức tránh rơi vào bẫy lừa.

Tin, ảnh: Huy Lân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tranh-bay-lua-khi-di-lao-dong-o-chau-au-20231010163150026.htm