Trắng đêm cùng cát tặc 'lộng hành' trên sông Đà

Đêm 8.7.2017, chúng tôi đã thức trắng cùng bà con xã Khánh Thượng để điều tra về cát tặc hoành hành. Hóa trang xuống tàu hút cát, tâm sự với “thủy thủ” khi chúng tập kết ở bến sông Đà (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội). Khoảng 22h, các tàu đồng loạt ra quân “móc ruột sông Đà”. Hàng chục tàu quần thảo vùng sông Đà giáp ranh giữa ba tỉnh, thành Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình. 4h sáng ngày 9.7, các tàu ùn ùn hơn ba chục chiếc xuôi theo sông, đem theo lừng lững các thứ đồ gian tế.

Vượt qua thiên la địa võng của “chim lợn”

Sau khi nhận đơn kêu cứu của bà con ở Khánh Thượng, vài tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã vượt 80km, có mặt ở xã vào loại xa trung tâm nhất của Hà Nội. Chiếc xe biển số lạ ngay lập tức bị theo dõi và bà con bảo chúng tôi phải ra về tính kế khác. Hôm sau, chúng tôi hóa trang làm bà con của cán bộ thôn, đợi ở cầu Đồng Quang (bắc ngang sông Đà, giữa Phú Thọ và Hà Nội) để anh Hùng - Trưởng thôn Sơn Hà - ra đón. Ngủ nhà ông Khanh - Phó thôn, cứ ở lỳ đó, ăn uống tâm sự như người thân lâu ngày mới gặp. Dường như điều đó làm các “cú vọ” theo dõi hết nghi ngờ.

Sau này chúng tôi xác định rõ ràng cả một hệ thống canh gác “chim lợn” từng khúc sông Đà một, canh gác trên bộ, lại trên đường thủy, lại ở tầm xa và tầm gần. Ông Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng tiết lộ chuyện công an cấp trên đi hai ôtô về mật phục điều tra không hiệu quả, vì hệ thống cảnh giới rất tinh vi và “gấu biển” này.

Bà con bí mật đưa chúng tôi mật phục và quay phim, phía sau là các tàu khai thác cát sỏi đang đào bới tới 40m sâu dưới lòng sông.

Theo đơn kêu cứu của người dân và các đoàn thể thôn: Thôn Sơn Hà gồm 226 hộ gia đình sống dọc theo bờ sông Đà. Khoảng 1 tháng nay, cứ khoảng 18h hằng ngày, đều có khoảng 20 thuyền trọng tải từ 600 đến 1.000 tấn chạy lên neo đậu ở bãi cát dọc bờ sông. Đến khoảng 21-22h, tất cả các tàu đều đồng loạt hút cát. Ngoài ra còn có tàu cuốc chuyên dụng rất lớn, trong khoảng 2 giờ đồng hồ, chúng đã hút được hàng nghìn mét khối cát lên tàu, cát được moi lên từ đáy sông, ở độ sâu khoảng 40m.

Với tốc độ và quy mô khai thác cát lớn như hiện nay, đá bờ sông sẽ lở và sông ăn sâu vào đất liền nơi chúng tôi sinh sống. Trước tình hình quá bức xúc như hiện nay, lãnh đạo và nhân dân thôn Sơn Hà đã đề nghị với UBND xã Khánh Thượng, xã đề nghị lên UBND huyện và công an huyện, nhưng đến nay, tình trạng hút trộm cát với khối lượng cực lớn trên vẫn diễn ra hằng đêm…

Các cỗ máy khổng lồ tập kết ở bến sông lúc 16h, chuẩn bị vào chiến dịch hút cát đêm.

Khi bình minh ló rạng, hơn ba chục con tàu nối đuôi nhau, chở nhiều nghìn mét khối cát sỏi xuôi dòng, sông Đà lúc ban ngày lại yên ả cho đến khi trời tối.

Có trắng đêm ở thôn Sơn Hà, ven núi Chẹ huyền thoại ở vùng đất nổi tiếng sơn thủy hữu tình giáp ranh 3 tỉnh, thành ấy, mới thấy sức kinh động và sự đáng sợ của nạn hút cát trên sông Đà. Điều lạ lùng là họ chỉ làm ban tối, ngày thì yên ả vô cùng. Nước Đà giang lại trong leo lẻo, xa xa các dãy núi của Hòa Bình và Phú Thọ tạo thành hậu cảnh cho dòng sông tàu bè đi lại như con thoi. Nhưng, tất cả yên bình lãng mạn bỗng biến mất, khi màn đêm buông xuống.

Ông Hùng - Trưởng thôn Sơn Hà - cùng chúng tôi ra sông lúc 4h30 sáng 9 tháng 7 năm 2017, ông khẳng định, mỗi tàu chở tới 800m3 cát và họ xóa biển số để tránh bị tố cáo.

Bà cụ 80 đến “biểu tình” trước cổng nhà trưởng thôn

22h đêm 8.7.2017, các tàu bắt đầu lần lượt di chuyển ra giữa sông Đà, lợi dụng đêm tối và tính nhập nhằng của vùng đất giáp ranh 3 tỉnh, thành, họ bắt đầu khai thác cát, có thể còn bới quặng chở đi để đãi vàng sa khoáng như tố cáo của bà con nữa.

Nếu đúng như tố cáo của bà con, họ móc cát dưới độ sâu 40m của lòng sông, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, chỉ ít ngày nữa tai họa sẽ ập đến kinh hoàng. Khi các tàu khai thác cát bắt đầu hoạt động, trời đổ mưa, trời và sông cùng đen kịt. Ngoài giữa sông, ánh đèn hắt ra từ các tàu hút cát le lói như ma trơi. Chúng tôi đếm, 5, 6 rồi hơn 10 và nhiều hơn nữa con tàu cùng hoạt động.

Càng khuya chúng càng đông. Các tàu cá chúng tôi thuê đều... từ chối đưa người lạ ra. Cán bộ thôn đều ái ngại, vì họ lo cho tính mạng chúng tôi. Ngư phủ bày cho chúng tôi cách nằm dưới các tấm ván ọp ẹp và thấp tè ở đáy thuyền để tránh kiểm soát của các “cú vọ” bảo kê để đến gần các tàu hút cát.

Lúc 4h30 phút sáng, mỗi tàu tải trọng khoảng 800m3 cát sỏi ùn ùn rời khỏi khu vực sông Đà bị móc ruột

Cụ Nguyễn Thị Tân, ngoài 80 tuổi, ở thôn Sơn Hà cứ kêu trời chạy đến cổng nhà anh Hùng - Trưởng thôn mà xin cán bộ hãy cứu lấy mảnh đất thân yêu này. Nó chạy máy phành phạch cả đêm thế. Nó hút cát ùn ùn hàng mấy chục ngày qua thế, sông nào “sống” nổi. “Tôi từng chứng kiến các trận lở đất khủng khiếp ngay tại cái thôn này. Phải trồng cây, xây kè, phải cứu từng thước đất của cha ông. Vậy mà bây giờ tàu cuốc, tàu hút cát nó hoành hành ghê gớm thế, chắc chắn sẽ là thảm họa, tiền tỉ sẽ trôi sông!” - cụ Tân nói.

Tiết lộ động trời của một “cú vọ”

Qua mối quan hệ quen, X nhận lời dẫn chúng tôi ra tiếp cận, tìm hiểu về các tàu hút cát đang rầm rầm ngoài sông tối, cách bờ của thôn Sơn Hà mấy trăm mét. Còn trẻ, “cú vọ” này nổi tiếng trong vùng xã Khánh Thượng (Ba Vì, Hà Nội). Nhiệm vụ của cậu là cảnh giới dưới nước, phối hợp với lực lượng canh gác trên bờ để “bảo vệ an toàn” cho các ông chủ. Các ông chủ cũng “dích” (tố cáo) nhau để người kia “chết” mà tranh giành lãnh địa, tranh giành các xới bán cát lậu được giá hơn, vì thế X càng trở nên có giá.

Cuộc trò chuyện với chúng tôi diễn ra trong đêm, khi X đi làm công việc của cú vọ kiếm tiền sống qua ngày. Với sự thận trọng của mình, thông tin X cung cấp cho chúng tôi (có băng ghi âm) chỉ là một bằng chứng xem xét chúng tôi muốn gửi đến cơ quan hữu trách để kiểm chứng và tìm cách xử lý các sai phạm.

X: Mình chỉ đứng trông (canh gác) thôi. Một ngày 500.000 đồng tiền công nếu 2 người cùng canh gác thì 800.000 đồng. Sông này, không phải chỉ riêng chỗ này có tàu hút cát mà họ làm ở cả nhiều khúc. Dưới kia một người đứng ra bảo kê, trên này một người đứng ra bảo kê, dưới nữa lại có một người khác đứng ra bảo kê.

PV: Thế tức là nó chia ra từng khúc mà lấy cát?

X: Đúng rồi, có những hôm người ở khúc dưới gọi lực lượng kiểm tra xử lý đến chơi đểu người khúc trên, người khúc giữa gọi cán bộ đến chơi đểu người khúc sau. Nghĩa là lúc nào cũng có phải có người cảnh giác. Thứ nhất là nuôi “các ông” ở (...) rồi, thứ 2 là phải cảnh giới lẫn nhau vì sợ bị chơi đểu. Chính em là người đã từng dẫn cán bộ... đi bắt cát tặc, em biết mà. Cho nên ở tổ nào cũng thế, chỗ nào cũng thế, cũng có rất đông người cảnh giới.

PV: Cán bộ đến đã bắt được tàu nào chưa?

X: Cán bộ phải nằm trên tàu của chúng tôi, tàu chở ép sát vào tàu hút cát thì họ mới nhảy sang mà bắt được. Không là chịu thua chúng nó đấy. Chốt ác lắm, thậm chí cán bộ công an đi tuần tra là họ báo cáo rõ, có bao nhiêu người đến, người ta đã đi đến đâu rồi. Biết thế, xong là các tàu vào bờ nằm. Cán bộ đi khỏi là ra làm (hút cát sỏi) như bình thường. Chốt như này của em chỉ là chốt các điểm tàu với nhau để tránh các điểm chơi đểu nhau. Chẳng hạn ông đoạn này nuôi ông (người bảo kê) này lại bị ông ở đoạn dưới lấy ông khác ra... đập (bắt giữ). Mỗi đoạn một ông bảo kê và các ông không chơi với nhau vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhau mà.

PV: Mỗi tàu, mỗi ngày phải “cống nộp” bao nhiêu tiền?

X: Bởi vì người ta tính khối lượng, 1m3 là 35.000 đồng. Chẳng hạn mỗi con tàu 300m3. Thì người ta phải chi phần trăm ra, công người hút là 15.000 - 20.000 đồng/m3 và nuôi bảo kê nữa. Cứ mỗi tàu hút cát là 10 triệu đồng.

PV: Thế 10 triệu đồng đấy đưa cho ai?

X: Cho người ở bến bảo kê trực tiếp thu. Cứ con nào hút thì thu con đấy. Ngày nào cũng có người đến thu. Anh muốn hút thì ảnh phải báo (để được cung cấp) lốt (khu vực), muốn có lốt thì phải báo và chi tiền ra thôi.

Rất mong muốn Bộ Công an, Công an địa phương nhanh chóng xử lý dứt điểm

Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Chủ tịch xã Khánh Thượng - cho PV Báo Lao Động biết: Họ toàn khai thác lúc 1-2h sáng thì địa phương rất khó để xử lý. Mà họ khai thác theo kiểu cát tặc với phương tiện hiện đại, thậm chí họ thuê cả “dân xã hội” can thiệp. Cho nên nhiều lúc bảo anh em ra thì nói thật là phải bảo anh em cẩn thận hoặc không được ra. Theo phản ánh của bà con thì có việc bảo kê cho cát tặc. Bà con nhân dân và công an huyện có phản ánh là có người thu tiền “đầu mối”, người nào thu thì mình không nắm được. Họ dùng các lực lượng khác để thu. Xã Khánh Thượng có 3 thôn, nằm dọc khu vực sạt lở sông Đà. Tuy được xử lý kè rồi nhưng với tình hình hút cát sâu dưới lòng sông với khối lượng lớn thế này chẳng mấy đâu sẽ lở hết các khu đã kè. Xã chúng tôi rất mong muốn Bộ Công an, Công an địa phương nhanh chóng xử lý dứt điểm trình trạng này.

TÂM AM - MẠNH NINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su-dieu-tra/trang-dem-cung-cat-tac-long-hanh-tren-song-da-511803.ldo