Trạm y tế xuống cấp: Bác sĩ buồn lòng, người dân ngại đến khám

Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Quy Đạt tâm sự, nghe người dân đánh giá về tình trạng xuống cấp của trạm chúng tôi cũng buồn lắm. Nhiều người không biết còn nghĩ trạm đã bỏ hoang. Tình trạng xuống cấp khiến người dân ngại đến khám, nhân viên y tế trong trạm thì lo lắng về sự an toàn.

Đi vào hoạt động từ nhiều năm nay nhưng chưa được quan tâm sửa chữa, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị đã khiến nhiều trạm y tế các địa phương ở Huế và Quảng Bình xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng này gây khó khăn trong việc khám bệnh ban đầu cho nhân dân.

Trạm y tế thấm dột, mùa mưa phải dồn phòng để hoạt động

Dù đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, tuy nhiên từ rất lâu không được duy tu, sửa chữa đã dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở y tế ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) xuống cấp nghiêm trọng.

Nam Đông, huyện miền núi nằm cách trung tâm TP Huế chừng 50km. Với đặc thù địa hình đồi núi, nằm xa trung tâm thế nên đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật mặc dù được chính quyền quan tâm đầu tư, xây dựng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, ngành y tế cũng không phải là ngoại lệ.

Trạm y tế xã Hương Phú, huyện Nam Đông thấm dột vào mùa mưa gây khó khăn cho đội ngũ y, bác sĩ trong các hoạt động chuyên môn.

Chuyển về công tác tại Trạm y tế xã Hương Phú (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) hơn 1 năm nay, y sĩ Vũ Phương Nam đã quá quen với việc cứ mỗi lúc trời mưa là anh em phải tất tả "chạy mưa" di chuyển đồ đạc, tài liệu. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng tại trạm y tế đã xuống cấp, trần nhà thấm dột nghiêm trọng, thời gian dài chưa được sửa chữa.

Y sĩ Nam cho biết, trạm y tế bề ngoài nhìn kiên cố là vậy, nhưng mỗi lúc trời mưa lại thấm dột rất mạnh. Mỗi khi mưa, tại tầng 2, nhân viên y tế không thể làm gì hơn, chúng tôi thường phải ôm sổ sách, giấy tờ ra chỗ khô ráo để làm việc.

Theo quan sát của phóng viên, Trạm y tế xã Hương Phú gồm dãy nhà 2 tầng được sơn màu vàng nhưng đã phủ đầy rêu xanh. Bên trong các phòng làm việc ở tầng 2, mái trần mốc đen vì mưa làm thấm dột lâu ngày. Phòng trực của trạm cũng xuống cấp, ẩm mốc và chật chội. Một số phòng vệ sinh đã xuống cấp nghiêm trọng không thể sử dụng.

Bác sĩ Dương Thị Thanh Thủy - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Phú cho biết, trạm được xây dựng vào năm 2000 gồm 8 phòng chức năng, theo thời gian đã xuống cấp nhiều hạng mục, đặc biệt là dãy nhà tầng 2. Với 6 nhân viên y tế thì các phòng làm việc như vậy là đảm bảo cho hoạt động. Tuy nhiên, do xuống cấp, thấm dột nên về mùa mưa chúng tôi buộc phải dồn tất cả xuống tầng 1 để làm việc.

"Tình trạng thấm dột đã diễn ra 2 năm nay, chúng tôi đã đề xuất nhiều lần tới các cấp chính quyền. UBND huyện cũng đã tiến hành khảo sát nhưng vì kinh phí không đủ nên đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được. Mong rằng các cơ quan, ban ngành quan tâm bố trí kinh phí để tu sửa lại trạm, giúp cho các y, bác sĩ yên tâm công tác, giúp cho dân có chỗ khám bệnh tử tế", bác sĩ Thủy bày tỏ.

Cơ sở hạ tầng tại Trung tâm y tế huyện Nam Đông còn thiếu thốn, một số phòng đã xuống cấp.

Tại huyện Nam Đông, có 10 trạm y tế thì hầu hết đều đã xuống cấp theo thời gian. Hiện tại có 1 trạm vừa được sửa chữa, 3 trạm đang được triển khai còn 6 trạm đang trong tình trạng "đợi" chính quyền vào cuộc.

Không chỉ các trạm y tế, mà cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Trung tâm y tế huyện Nam Đông cũng đang thiếu thốn, nhiều chỗ đã xuống cấp.

Trung tâm y tế huyện Nam Đông có công suất 50 giường bệnh với 2 dãy nhà. Tuy nhiên, do không có khu nhà hành chính làm việc cho cán bộ, nhân viên nên hiện nay đơn vị này đang phải bố trí các phòng làm việc xen lẫn cùng các phòng khám bệnh dẫn đến nhiều bất cập, khó khăn.

Không những vậy, việc các dãy nhà đã được đầu tư, xây dựng từ lâu nên đến nay theo thời gian một số phòng đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, ẩm mốc. Trước tình trạng này, đơn vị buộc phải gộp, tranh thủ những khoảng không gian trống như góc cầu thang để bố trí đặt các đồ đạc, tủ bàn...

Bác sĩ Võ Phi Long – Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nam Đông cho biết, hiện nay giai đoạn 2 xây dựng cơ sở hạ tầng của trung tâm bao gồm các hạng mục khu nhà làm việc, khoa bệnh truyền nhiễm và khu giặt là vẫn chưa được triển khai do khó khăn về nguồn vốn xây dựng.

Theo bác sĩ Long, thời gian qua, huyện cũng luôn quan tâm, chia sẻ, động viên và trăn trở về nơi làm việc của cán bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế trên địa bàn. Tuy nhiên, do đặc thù là huyện miền núi, còn nhiều khó khăn nên việc nâng cấp, sửa chữa trụ sở cho các đơn vị y tế trên địa bàn rất khó.

"Chúng tôi mong rằng, các cấp có thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ để nâng cấp các cơ sở y tế đang xuống cấp để cán bộ, y bác sĩ có nơi làm việc ổn định, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn ngày một tốt hơn", bác sĩ Long bày tỏ.

Người dân miền biên viễn thấp thỏm khi khám, chữa bệnh

Trạm Y tế Y Leeng, nằm trên địa bàn xã miền núi vùng biên Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Cư dân phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống nơi đây còn nhiều khó khăn nên công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được chính quyền chú trọng. Nhưng sau thời gian dài sử dụng, cơ sở vật chất của trạm y tế xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh.

Cơ sở vật chất của Trạm Y tế Y Leeng xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh.

Bác sĩ Cao Xuân Tiêm, Trạm trưởng Trạm Y tế Y Leeng (Trạm Y tế Dân Hóa) cho biết, trạm được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2005. Với 2 tầng và 12 phòng chức năng, sau hơn 17 năm, nhiều hạng mục của trạm đã xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa.

"Trạm Y Leeng có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bà con của 11 bản của xã Dân Hóa. Bà con nơi đây chủ yếu là đồng bào người Bru – Vân Kiều, người Chứt. Là địa bàn miền núi nên đời sống bà con còn khó khăn. Bà con phải vất vả để đi từ các bản sâu trong rừng tới trạm khám, chữa bệnh", Trạm trưởng Trạm Y tế Dân Hóa thông tin.

Theo quan sát, khu vực tường của trạm rêu phong phủ kín. Nhiều khu vực, đặc biệt là phần móng xuất hiện tình trạng sụt lún, có nhiều vết nứt kéo dài. Nhiều phòng chức năng có tình trạng thấm nước, nấm mốc bám loang lổ. Mặt sàn tầng 2 của trạm đã nứt nẻ, bong tróc một diện tích khá lớn. Hệ thống điện hư hỏng một số phần, phải chắp vá để sử dụng một cách cầm chừng.

"Tôi thấy mệt trong người nên đến trạm khám. Trạm y tế giờ xuống cấp quá, nhiều nơi nứt nẻ, sụt lún nên chúng tôi đến khám cũng lo lắng lắm. Có bệnh thì phải đến, bà con muốn có cái trạm đẹp hơn, an toàn hơn khi đến khám bệnh", ông Hồ Chui, trú bản Y Leeng, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết.

Cùng với đó hệ thống cấp nước sạch được xây dựng nhưng không có nước bị "bỏ không" có nhiều hư hại. Vậy nên, cán bộ của trạm phải tự đầu tư vòi để dẫn nguồn nước từ khe suối gần đó về sử dụng.

Tình trạng xuống cấp, hư hại khiến hình ảnh của đơn vị y tế không được đẹp trong mắt người bệnh. Cùng với đó, gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh, nguy cơ mất an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ và người dân.

"Trạm sau thời gian dài sử dụng giờ xuống cấp nhiều quá. Tình trạng xuống cấp ảnh hưởng nhiều đến công tác khám, chữa bệnh cho bà con. Đặc biệt trong những ngày mưa, tường thấm dột, nước chảy cả vào phòng gây ẩm mốc, trơn trượt. Nhiều chỗ nứt nẻ, sụt lún nên anh em ai cũng lo lỡ có sập", Trạm trưởng Trạm Y tế Y Leeng cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa (Quảng Bình) cho biết, Trạm Y tế xã Dân Hóa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho khoảng 5000 người dân trên địa bàn, với hơn 80% là đồng bào dân tộc.

"Trạm Y tế xã Dân Hóa sau thời gian dài sử dụng hiện đã xuống cấp nặng. Hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con và cán bộ trạm, chính quyền xã cũng đã có những đề xuất lên cấp trên. Mong muốn trong thời gian tới Trạm Y tế Dân Hóa sẽ được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe người dân", Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết.

Trạm Y tế thị trấn Quy Đạt đang xuống cấp nghiêm trọng.

Cũng tại huyện miền núi Minh Hóa, ít ai có thể tưởng tượng cảnh xuống cấp của trạm y tế thị trấn vùng trung tâm huyện. Bác sĩ Đinh Thị Châu, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Quy Đạt cho biết, sau hơn 12 năm đưa vào sử dụng, ít duy tu, trạm đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nhìn từ ngoài, hầu như toàn bộ mặt sơn của trạm đã phai màu, bong tróc. Hệ thống cửa hư hỏng được chằng chống tạm bợ bằng các loại dây thép, dây dù. Chân móng, tường nhà, lan can có nhiều vết nứt. Hệ thống điện ngầm hư hỏng, trạm phải bỏ kinh phí bắt hệ thống điện tạm để hoạt động. Một số phòng chức năng phải đóng cửa im lìm vì không đảm bảo chất lượng để sử dụng. Hệ thống tường rào bao quanh được làm tạm bợ bằng cách dây thép gai.

"Những lần nghe người dân đánh giá về tình trạng xuống cấp của trạm chúng tôi cũng buồn lắm. Nhiều người không biết còn nghĩ trạm đã bỏ hoang. Tình trạng xuống cấp khiến người dân ái ngại khi đến thăm khám, chị em trong trạm thì lo lắng về sự an toàn. Cửa nẻo hư hỏng, tường nứt nẻ... nên cũng không an tâm khi làm việc. Đặc biệt là trực vào mùa mưa bão, chị em phải nhờ cả người nhà đến để cùng chằng chống cửa và hỗ trợ khi có vấn đề gì", BS. Đinh Thị Châu chia sẻ.

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa cho biết, sau thời gian dài đưa vào sử dụng, phần lớn trạm y tế tại các xã đã xuống cấp nặng, gây ảnh hưởng tới công tác khám, chữa bệnh.

"Nhiều trạm khu vực biên giới như Dân Hóa, Thượng Hóa rồi trạm của thị trấn cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Một số trạm như Tân Hóa, Trọng Hóa đã được khảo sát và sớm thực hiện xây dựng, sửa chữa. Trung tâm cũng đã báo cáo và xin nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa các trạm xuống cấp còn lại nhưng hiện chưa có", Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa cho hay.

Nhiều khó khăn tại các cơ sở y tế ở huyện miền núi Thừa Thiên Huế

Hoàng Dũng - Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tram-y-te-xuong-cap-bac-si-buon-long-nguoi-dan-ngai-den-kham-169230407073658232.htm