Trầm cảm: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên toàn thế giới. Rối loạn trầm cảm khá nguy hiểm, tác động nhiều đến mặt tinh thần, thể chất, chức năng sống và cả niềm vui trong đời sống của bệnh nhân.

1. Nguyên nhân của trầm cảm

Trầm cảm có thể gây ra do những nguyên nhân riêng lẻ khác nhau hoặc sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân phổ biến bao gồm:

Nội dung

1. Nguyên nhân của trầm cảm

2. Triệu chứng của trầm cảm

3. Trầm cảm có lây không?

4. Phòng ngừa trầm cảm

5. Cách điều trị trầm cảm

Do yếu tố di truyền: Nếu có người thân trong gia đình từng bị trầm cảm thì bạn có thể có nhiều khả năng mắc bệnh hơn người bình thường.
Các chất hóa học trong não: Theo một số nghiên cứu, thành phần các chất hóa học trong não người mắc bệnh trầm cảm khác với người bình thường. Cả chất norepinephrine và serotonin đều được coi là nguyên nhân gây nên bệnh. Ban đầu, người ta đã nghĩ rằng sự giảm nồng độ của một trong 2 chất dẫn truyền thần kinh này có ảnh hưởng đến khí sắc. Ngày nay, quan niệm đơn giản này đã bị những dữ liệu gần đây phủ định. Có vẻ như khí sắc là kết quả của sự tương tác giữa serotonin và norepinephrine. Thậm chí nó có thể là kết quả của sự tương tác giữa hai chất này với các cơ quan khác của não.
Do Stress: Người thân yêu qua đời, những khó khăn trong mối quan hệ tình cảm hay bất cứ tình huống gây stress nào cũng có thể gây ra bệnh trầm cảm.
Do ảnh hưởng bởi một số bệnh: Các bệnh thực thể như sau chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não, sa sút trí tuệ… cũng sẽ là những nguyên nhân gây ra bệnh.
Mất ngủ thường xuyên: Bạn ngủ quá ít sẽ làm ảnh hưởng đến các triệu chứng của trầm cảm. Vì vậy, hãy quan tâm đến chu kỳ giấc ngủ, cần duy trì giờ ngủ và thức phù hợp, cả việc đi ngủ đúng giờ vào mỗi đêm.

Người bệnh trầm cảm thường người bệnh có cảm giác mệt mỏi mơ hồ, đau đầu (ảnh minh họa).

2. Triệu chứng của trầm cảm

Những biểu hiện ban đầu ở hầu hết các người bệnh trầm cảm thường người bệnh có cảm giác mệt mỏi mơ hồ, đau đầu, rối loạn giấc ngủ (ngủ không sâu, hay thức giấc nửa đêm) khó tập trung chú ý, hiệu suất lao động và học tập của người bệnh suy giảm rõ rệt, dần dần các dấu hiệu trên nặng dần và xuất hiện các triệu chứng của giai đoạn toàn phát.

Trong những trường hợp trầm cảm điển hình lâm sàng được biểu hiện các triệu chứng như sau:

Có 3 triệu chứng đặc trưng:

- Khí sắc trầm: nét mặt buồn rầu, ủ rũ, nặng nề…

- Mất hoặc giảm sự quan tâm, thích thú, người bệnh không quan tâm đến mọi người, mọi việc xung quanh, không còn các ham thích, kể cả vui chơi giải trí và sinh hoạt xã hội.

- Mất hoặc giảm năng lượng, giảm hoạt động, mệt mỏi, người bệnh có cảm giác không còn sức lực, thường ngồi hoặc nằm một chỗ.

Có 7 triệu chứng phổ biến khác:

- Giảm sút sự tập trung và sự chú ý.

- Giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin.

- Tự cho mình có tội, bị khuyết điểm, không xứng đáng.

- Nhìn tương lai ảm đạm, bi quan, đen tối.

- Có ý tưởng, hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát.

- Rối loạn giấc ngủ (ngủ không sâu, nhiều ác mộng).

- Ăn ít ngon miệng, hay chán ăn.

Khi rối loạn trầm cảm nặng, người bệnh có biểu hiện sút cân (giảm 5% trọng lượng cơ thể trong 4 tuần), giảm hoặc mất dục năng, mất ngủ hoàn toàn, nhiều biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật và các rối loạn về cơ thể. Có nhiều trường hợp có các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác, loạn cảm giác….

Đặc biệt, các triệu chứng trên của trầm cảm kéo dài và ít nhất là 02 tuần.

Người bị trầm cảm hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe (ảnh minh họa).

3. Trầm cảm có lây không?

Trầm cảm là bệnh rối loạn tâm trạng nên không phải là bệnh lây nhiễm và không thể lây.

4. Phòng ngừa trầm cảm

Trầm cảm là căn bệnh hoàn toàn có thể dự phòng được, thông qua việc tạo môi trường sống, học tập, làm việc lành mạnh và quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của gia đình, bè bạn, đồng nghiệp, cộng đồng là vô cùng quan trọng để dự phòng và kiểm soát trầm cảm.

Để dự phòng trầm cảm, ngành y tế khuyến cáo:

- Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kì ai cũng có thể mắc trầm cảm.

- Hãy trò chuyện với mọi người bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và điều trị trầm cảm.

- Nếu có nghĩ mình bị trầm cảm: Hãy tích cực giao tiếp với mọi người, hãy chia sẻ với ai đó mà tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình. Hãy tiếp tục làm việc, tích cực tập luyện thể dục thể thao, đồng thời tránh sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện.

- Khi cần trợ giúp chuyên môn: Hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe.

Gia đình làm gì để giúp bệnh nhân phòng tránh bệnh trầm cảm

- Giám sát chặt chẽ tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

- Quan tâm chia sẻ động viên người bệnh, không kỳ thị xa lánh hắt hủi bệnh nhân, khuyến khích sự năng động, hoạt bát, tránh thu mình.

- Luôn theo dõi sát thay đổi tâm lý và hành động của người bệnh.

- Tránh xung đột, cãi vã thường xuyên.

- Động viên khuyến khích bệnh nhân tham gia các hoạt động theo hướng dẫn các hoạt động vui chơi giải trí.

- Giúp người bệnh lưu trữ tất cả các tài liệu liên quan đến điều trị.

- Theo dõi các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc giúp người bệnh vượt qua các tác dụng phụ của thuốc.

- Phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo tái phát đưa người bệnh đến cơ sở y tế.

5. Cách điều trị trầm cảm

Nguyên tắc phải phát hiện sớm, chính xác trạng thái trầm cảm. Xác định được mức độ trầm cảm đang có ở người bệnh (là nhẹ, vừa, nặng). Tìm được nguyên nhân của trầm cảm (là trầm cảm, nội sinh hay trầm cảm sau các sang chấn tâm lý, bệnh lý cơ thể khác).

Tùy từng nguyên nhân, trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ có phương án điều trị thích hợp.

Một số thuốc cụ thể:

Nếu trầm cảm có kích động vật vã, lo âu, mất ngủ hoặc biểu hiện nhiều triệu chứng cơ thể, thực vật nội tạng nên chọn nhóm thuốc chống trầm cảm êm dịu như: Amitriptylin, Effexor, Remeron, Stablon….
Trầm cảm ức chế, chậm chạp, ám ảnh nên chọn nhóm thuốc chống trầm cảm giải ức chế như Imipramin, Anafranil.
Việc lựa chọn thuốc chống trầm cảm cần căn cứ vào các tiêu chí sau:

- Biểu hiện lâm sàng của trầm cảm.

- Thuốc chống trầm cảm đã được bệnh nhân dùng có hiệu quả trước đó.

- Căn cứ vào hiệu quả của thuốc và khả năng cung cấp thuốc của y tế hiện có.

- Căn cứ vào nguyên nhân phát sinh của trầm cảm và bệnh lý cơ thể kèm theo để chọn thuốc ít tai biến ít tác dụng phụ.

Các trường hợp cần nhập viện điều trị nội trú.

- Trầm cảm nặng có hoang tưởng, ảo giác, kích động vật vã.

- Trầm cảm có ý tưởng và hành vi tự sát.

- Trầm cảm từ chối không ăn, suy kiệt thể lực.

Các liệu pháp điều trị trầm cảm

Liệu pháp tâm lý: chia sẻ, cảm thông, gần gũi người bệnh.
Sốc điện
Kích thích từ trường xuyên sọ (Transcranial Magnetic Stimulation – TMS) là kỹ thuật sử dụng tác dụng của điện từ xuyên qua xương sọ, tác động đến các tế bào thần kinh ở vỏ não với mục đích tăng cường hoạt động điện sinh lý của tế bào thần kinh, tái tạo đường liên hệ giữa các vùng chức năng của vỏ não.

Lưu ý, do thuốc có một số tác dụng phụ có thể gặp: Khô miệng, đắng miệng, chóng mặt, mệt mỏi hồi hộp, buồn nôn, nôn, giảm khả năng tình dục, mạch nhanh, táo bón. Vì vậy, khi có biểu hiện trên cần dừng thuốc và báo cáo bác sĩ điều trị. Không quá lo lăng để tránh làm tăng bệnh.

Người bệnh cần có chế độ ăn uống phù hợp, người bệnh nên ăn uống đủ chất để giúp cơ thể có đủ dinh dưỡng, nhanh chóng phục hồi sức khỏe, làm tăng hiệu quả điều trị.

Nên ăn đủ 4 nhóm thức ăn mỗi ngày như chất đạm ( thịt, cá, trứng) chất bột và đường ( gạo và ngũ cốc) rau và trái cây ( vitamim) chất béo ( thực vật, mỡ).

Chọn thức ăn dễ tiêu giúp cho hệ tiêu hóa hấp thu tốt hơn.
Tăng cường ăn nhiều rau xanh
Uống nhiều nước hơn bình thường

Không nên: Không uống rượu bia và các đồ uống có cồn; Hạn chế thức ăn có nhiều mỡ và lượng đường cao, các chất kích thích.

TS. BS. Nguyễn Thanh Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tram-cam-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169240511094024482.htm