Trái tim ấm nóng xoa dịu nỗi đau của những bệnh nhân phong

30 năm gắn bó với bệnh nhân phong ở Trại phong Di Linh, bác sĩ K'Đỉu dùng kiến thức y học làm lành vết thương thể xác, dùng trái tim nhân hậu xoa dịu nỗi đau tinh thần cho họ...

Coi bệnh nhân phong như người nhà

Ngược thời gian, năm 1926 rong ruổi qua nhiều vùng đất miền Thượng (Tây Nguyên), trái tim của vị Linh mục - bác sĩ người Pháp Cassaigne (1895-1973) đã bật lên những khát vọng đậm tình bác ái là phải có cơ sở điều trị cho bệnh nhân phong. Bởi đã bao ngày, ông tận mắt thấy những thân phận tràn đầy mặc cảm, chân tay lở lói, cứ thấy người lạ là lùi vào rừng sâu như thể những nơi cô quạnh, hẻo lánh nhất mới là thế giới của họ.

Nhiều đêm không ngủ, Linh mục Cassaigne xuyên rừng cầm những bàn tay đang rỉ máu, những bàn chân rụng dần từng đốt của bệnh nhân phong để băng bó, chữa trị. Năm 1929, "Làng cùi" chính thức được ông Cassaigne khai sinh.

"Làng cùi" ngày đầu thành lập chỉ là một ngôi nhà nhỏ, rất đơn sơ giữa bạt ngàn cà phê và cây rừng xanh thẫm. Sau đó, số bệnh nhân tăng dần theo năm tháng, cơ sở cũng được cơi nới, xây thêm nhà. Chẳng mấy chốc, "Làng cùi" mang vóc dáng như một ngôi làng, một khu vực dành cho bệnh nhân đã lành vết thương sinh sống, một khu vực dành để điều trị bệnh.

Cuộc đời nọ nối tiếp cuộc đời kia ở "Làng cùi" nhớ từng câu trong lời tuyên bố của Cassaigne rằng, không chữa trị, những người bệnh phong sẽ cụt chân, cụt tay, sẽ gục ngã trong cô quạnh...

Người ở "Làng phong" đã tự tin vươn lên trong cuộc sống, bệnh nhân phong thì được chăm sóc tốt.

Năm 1973, trái tim bác sĩ Cassaigne ngừng đập vĩnh viễn, trọng trách chăm chút, điều hành "Làng cùi" được giao lại cho nữ tu, y tá Mai Thị Mậu. Không quản ngày đêm, sơ Mậu xem mỗi bệnh nhân như một người ruột thịt của mình.

Giai đoạn 1975 - 1980, "Làng cùi" được Sở Y tế tỉnh Lâm đồng tiếp quản và lấy tên Trại phong Di Linh (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh). Đến năm 2000, Trại phong Di Linh thuộc Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội, nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng (thuộc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng).

Từ tấm bé được nghe những câu chuyện xúc động về bác sĩ Cassaigne và sau này trực tiếp chứng kiến sự tận tụy của sơ Mai Thị Mậu nên K'Đỉu nuôi khát vọng trở thành thầy thuốc của bệnh nhân phong. Đặc biệt, chính người thân của K'Đỉu cũng là bệnh nhân phong nên khát vọng này càng cháy bỏng hơn.

Bác sĩ K'Đỉu tận tâm chăm sóc cho bệnh nhân phong.

Học xong y sĩ, bằng tất cả tình yêu thương, K'Đỉu chữa trị cho hàng loạt bệnh nhân phong nơi đây. Sau đó, ông tiếp tục học lên bác sĩ để có nhiều hơn kiến thức, chữa lành một cách tốt nhất vết thương trên thân thể lẫn tâm hồn của những người bệnh này. Phần lớn thời gian đều dành cho bệnh nhân nên từ lâu Trại phong Di Linh như ngôi nhà thứ hai của bác sĩ K'Đỉu.

Trong kí ức của bệnh nhân phong ở Di Linh, việc bác sĩ K'Đỉu cần mẫn, kiên trì xử lý từng vết thương lở loét, bốc lên mùi hôi nồng nặc từ những bàn chân đang bị "hủi" ăn mãi trở thành hình ảnh đáng trân trọng nhất với họ.

Nhiều bệnh nhân phong ở Trại phong Di Linh chung dòng xúc cảm, chia sẻ, tình thương của bác sĩ K'Đỉu và các thầy thuốc khác bao trùm cả trại phong này. Bác sĩ Đỉu nhớ tên, hiểu bệnh từng người. Chẳng những chăm lo sức khỏe, ông còn động viên đời sống tinh thần cho những cư dân bị phong nơi này.

Suốt thời tuổi trẻ cho đến nay, bác sĩ luôn giữ nguyên vẹn sự tận tâm, tận lực với bệnh nhân phong. Sau mỗi ngày làm việc cật lực, điều bác sĩ K'Đỉu trăn trở nhất vẫn là cuộc sống của các bệnh nhân phong đã tốt hơn chưa.

30 năm gắn bó với bệnh nhân phong, bác sĩ K'Đỉu (người đứng, mặc áo Blouse) luôn xem chăm sóc bệnh nhân là niềm hạnh phúc của mình.

Bác sĩ K'Đỉu tâm tình rằng, nhìn lại quãng thời gian 30 đã trôi qua, khó khăn, gian khổ kể không hết, nhưng đọng lại sâu đậm nhất là niềm hạnh phúc được từng ngày chăm chút cho những thân phận bấy bớt, không vẹn nguyên thân thể. Một ngày không cận kề bệnh nhân là thấy nhớ. Suốt gần thế kỷ đã trôi qua, bao đổi thay kỳ diệu ùa đến, hiện hữu trên Trại phong Di Linh như một hành trình của san sẻ, yêu thương. Để từ đó, thôi thúc tinh thần vượt bệnh tật của bệnh nhân phong ngày càng vững vàng hơn.

Vượt qua tất cả bằng lòng nhân ái

Một trong những đổi thay kỳ diệu nhất mà bác sĩ K'Đỉu và những thầy thuốc tiền bối cùng các đồng nghiệp của ông đã làm được là đưa bệnh nhân phong hòa nhập với cuộc sống bình thường, không còn ai tự ti, mặc cảm.

Sau mỗi bậc cửa, những đôi tay, đôi chân của lớp trẻ sinh ra ở Trại phong Di Linh lành lặn, khỏe mạnh. Lớn lên, các em đã tự biết chăm chút, tu bổ căn nhà của mình. Những cụ già ngồi nhẩm đếm tháng ngày đi qua, biến cố nhường lại cho niềm tin. Với những người từng chống chọi với bệnh phong, họ đều gọi nôm na Trại phong Di Linh là "Làng phong".

Nhiều cư dân "Làng phong" cho biết, chúng tôi sống như một đại gia đình, nỗi buồn nhà này cũng là của nhà khác. Không ganh ghét, đố kỵ nhau gì cả. Tiếng "làng" rất đặc biệt với tất cả mấy chục gia đình nơi đây. Xuất thân từ đâu không còn quan trọng, bị hắt hủi từ vùng đất nào dạt tới đây thì tất cả giờ thành làng với nhau rồi, xem đây là quê hương. Người khỏe mạnh sẵn lòng chia sẻ buồn vui với người đang mang bệnh.

Chung khát vọng như bác sĩ K'Đỉu, nhiều người con khác của "Làng phong" sau khi học hành thành thầy thuốc cũng quay về gắn bó với bệnh nhân phong để lòng nhân ái không ngừng được nhân lên.

Trẻ em ở "Làng phong" sinh ra lành lặn và có đời sống ngày càng tốt hơn.

Điển hình như bác sĩ K'Brình. Anh là con của ông K'Bràng bà Ka Mách (đều là bệnh nhân phong). Thế nên sau khi học xong ngành y, bác sĩ K'Brình khoác ba lô về lại "Làng phong" lao vào chăm sóc sức khỏe cho người thân lẫn người làng mà từ ấu thơ anh đã xem như thân thuộc.

Ông Mao Văn Chức, một bệnh nhân phong tự tin, một ngày không xa, căn bệnh phong chỉ còn trong dĩ vãng. Hiện nay, với sự tận tâm của các y, bác sĩ, việc điều trị bệnh tiến triển rất tốt. Người trẻ sinh ra hầu như không còn dính bệnh phong nữa.

Theo Sở Y tế Lâm Đồng, suốt nhiều năm nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền... cùng với các phương pháp điều trị mới, tiến bộ của y học nên công tác khám, phát hiện, điều trị, chăm sóc và phòng ngừa tàn tật cho bệnh nhân phong ở Trại phong Di Linh ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, sự kỳ thị với người "Làng phong" dần được xóa bỏ, con cháu bệnh nhân phong được đến trường giống như bao trẻ em khác, nhiều em vươn lên thành tài và có nghề nghiệp ổn định, tự tin hòa nhập với xã hội. Từ đó, đời sống ngày càng tươi đẹp hơn...

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trai-tim-am-nong-xoa-diu-noi-dau-cua-nhung-benh-nhan-phong-169230927075132648.htm