'Trái ngọt' vùng biên cương

Những năm qua, thực hiện Dự án 'Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) đến công tác tại các khu Kinh tế-Quốc phòng (KTQP)' đã giúp người dân nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi tập quán canh tác manh mún, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, qua đó tạo nên sự khởi sắc chung cho các thôn, bản vùng biên cương Đông Bắc Tổ quốc.

Có được thành quả này, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Quân đội, cùng sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc, có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng TTTTN thuộc Đoàn KTQP 327 (Quân khu 3).

Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả

Đến công tác tại huyện biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) trong những ngày đầu tháng 7, theo chân các đội viên TTTTN Lâm trường 155 (Đoàn KTQP 327, Quân khu 3), chúng tôi đến với xã Đồng Văn, xã vùng biên của huyện, cảm nhận rõ nhất chính là những đổi thay của xã nghèo nhất huyện. Trước đây (thời điểm năm 2016-2018), xã có 9 thôn, bản, với hơn 700 hộ dân, chiếm hơn 96% người dân tộc thiểu số, trong đó cứ 10 hộ dân thì có 7 đến 8 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, thậm chí hộ đói. Giờ đây, xã đã thay da đổi thịt, trường học, trạm y tế được tu bổ, làm mới, những ngôi nhà ngói đỏ được xây mới, nhiều con đường bê tông kiên cố được đổ đến tận các thôn, bản.

Cùng các đội viên TTTTN xuống gia đình bà Nông Thị Chương (dân tộc Tày), ở bản Cốc Lỷ (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) để tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả, kết hợp phát triển chăn nuôi gia cầm; đây là hộ gia đình tiêu biểu trong phát triển mô hình trang trại VCR (vườn, chuồng, rừng) đã phát huy hiệu quả cao, giúp gia đình bà Chương từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Các đội viên trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 42 hướng dẫn đồng bào cách chăm sóc bò giống.

Đưa chúng tôi đi tham quan vườn cây kết hợp với nuôi gia cầm, bà Nông Thị Chương cởi mở chia sẻ: “Vài năm về trước, gia đình tôi thuộc hộ nghèo trong bản, nhờ được sự hỗ trợ giống vốn của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ, hướng dẫn về kỹ thuật của đội viên TTTTN Lâm trường 155, đến nay gia đình tôi đã nắm được cơ bản các kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Hằng năm, nhờ có nguồn thu nhập từ bán gia cầm, gia đình tôi có của ăn, của để, vươn lên thoát nghèo, mua sắm được nhiều phương tiện sinh hoạt tiện nghi”.

Được biết, giai đoạn (2010-2020), lực lượng TTTTN cùng cán bộ, nhân viên đơn vị tham gia quản lý, hướng dẫn kỹ thuật trong triển khai các dự án KTQP như: Quản lý 22 lớp dạy nghề cho 770 lao động nông thôn theo Đề án 1956 dạy nghề cho lao động nông thôn của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn (2010-2020); quản lý 21 lớp tập huấn khuyến lâm cho 735 lao động nông thôn; 20 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho trên 700 lượt y tá thôn bản trong vùng dự án KTQP; tập huấn nghiệp vụ về công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình cho cán bộ y tế, phụ nữ, đoàn thanh niên địa phương được 162 buổi với 12.735 lượt người; khảo sát và triển khai cho 1928 hộ dân tham gia Dự án giảm nghèo và nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, ổn định dân cư; xây dựng 208 mô hình bền vững VAC-VACR; trên 200 mô hình trồng rau sạch, mô hình trồng cây dong riềng, khoai tây, xạ đen, mít thái, cây cam đường, ngô lai; xây dựng được 10 mô hình thôn, bản điểm kiểu mẫu của người dân tộc Dao như: thôn Khe O, xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu); thôn Lục Chắn, xóm Họ Đặng (xã Hải Sơn, TP Móng Cái); Bản văn hóa người Dao tại Sông Moóc B (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu),...

Từ các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả do đội viên TTTTN tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật đã giúp nhiều gia đình vùng biên giới thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả trong thôn, bản được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Đồng chí Lô Ngọc Hòe, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) cho biết: “Các mô hình do đội viên TTTTN tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cho bà con rất phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng hộ gia đình, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác manh mún của người dân; đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Một số hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững”.

Các đội viên trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 42 tổ chức tuyên truyền về các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con nhân dân thôn Lục Phủ (xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh).

Tạo nguồn những “hạt giống đỏ” cho địa phương

Trong chuyến công tác về Ban CHQS huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), khi trò chuyện với cán bộ đơn vị và địa phương để tìm hiểu về hiệu quả của Dự án 174, chúng tôi thấy các cán bộ ở đây rất khen ngợi, cho rằng đó là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, hiệu quả. Thực hiện dự án này, lực lượng TTTTN ngoài làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật thâm canh lúa nước cho bà con thì lực lượng TTTTN còn tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn, duy trì có nền nếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; tập hợp, giáo dục thanh thiếu niên; bồi dưỡng, tạo nguồn, phát triển đảng viên mới; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể ở địa phương.

Minh chứng cho những kết quả đó, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Trợ lý Ban Chính trị (Ban CHQS huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) giới thiệu với chúng tôi một số cán bộ tiêu biểu từng tham gia lực lượng TTTTN, về địa phương trở thành những cán bộ cốt cán của các xã, thị trấn. Tiêu biểu là đồng chí Hoàng Xuân Hiệp, ở khu Bình Đẳng (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu). Năm 2006 anh Hiệp tham gia TTTTN tại Lâm trường 155, trong quá trình công tác với sự nỗ lực của mình, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng; trở về địa phương với tinh thần nhiệt huyết, cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương, anh tích cực tham gia và đi đầu trong các hoạt động của địa phương. Được sự tín nhiệm, tin tưởng của cấp trên và nhân dân, anh được bầu giữ các chức vụ Phó bí thư, Bí thư Đoàn thị trấn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn và hiện nay anh Hiệp đang là Phó bí thư Đảng ủy Thị trấn Bình Liêu.

Các đội viên trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 155 tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng ở huyện Bình Liêu xây dựng nếp sống văn minh, gia đình hạnh phúc.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Huy, Chính ủy Đoàn KTQP 327 (Quân khu 3) cho biết: “Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Tỉnh đoàn, các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trong địa bàn Quân khu, đặc biệt là Tỉnh đoàn Quảng Ninh và các Huyện đoàn trong 2 khu KTQP trong việc tuyên truyền, triển khai, đăng ký tổ chức tuyển chọn, bảo đảm đủ tiêu chuẩn về sức khỏe với chuyên ngành phù hợp nhu cầu nhiệm vụ đơn vị. Trong đó chú trọng ưu tiên TTTTN là người trong vùng dự án, nhất là đồng bào các dân tộc thuộc tỉnh Quảng Ninh, bởi họ hiểu rõ được tiếng nói, phong tục tập quán, tín ngưỡng đồng bào các dân tộc, thuận lợi trong tuyên truyền vận động nhân dân”. Ngoài ra, Đoàn thường xuyên quan tâm tạo điều kiện để đội viên TTTTN tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu trở thành Đảng viên, tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Giai đoạn từ 2010-2020, đơn vị tiếp nhận, quản lý 5 đợt với hơn 200 đội viên TTTTN về công tác tại các lâm trường, 100% đội viên được học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, trong đó có 76 đội viên ưu tú vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Từ hiệu quả của Dự án “Tăng cường TTTTN đến công tác tại các khu KTQP giai đoạn 2010-2020”, Chính phủ quyết định tiếp tục kéo dài Dự án 174 đến hết năm 2030. Triển khai thực hiện đợt 1 giai đoạn 2021-2030, Đoàn KTQP 327 tiếp nhận, quản lý 23 đội viên TTTTN; trong đó có 11 đội viên là dân tộc thiểu số (dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ) chiếm 47,8%; có 21 đội viên thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh chiếm hơn 90%, 17 đội viên cư trú trong vùng dự án Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái và Bắc Hải Sơn chiếm 73,9%; có 3 đội viên là đảng viên chiếm 13%, số còn lại là đoàn viên; họ sẽ là nguồn cán bộ bổ sung kịp thời cho các địa phương.

Đánh giá về những đóng góp của lực lượng TTTTN trong quá trình tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu khẳng định: “Hầu hết đội viên TTTTN có trình độ đại học, cao đẳng với các chuyên ngành như y tế, nông lâm, quản lý đất đai, văn hóa, xã hội nên khi được tăng cường xuống cơ sở trực tiếp kiêm nhiệm chức danh trong bộ máy chính quyền, đoàn thể chính trị, xã hội của địa phương họ sẽ là người cụ thể hóa, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân như Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Đề án 196 của tỉnh Quảng Ninh, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh”.

Được rèn luyện, thử thách trong môi trường Quân đội, nhiều đội viên TTTTN ở Đoàn KTQP 327 (Quân khu 3) đã trưởng thành hơn, chững chạc hơn và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương các đội viên TTTTN tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm; bằng vốn kiến thức, trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn công tác, họ sẽ trở thành những “hạt giống đỏ” cho các địa phương, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, góp phần xây dựng mảnh đất biên cương vùng Đông Bắc Tổ quốc ngày càng ổn định về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/trai-ngot-vung-bien-cuong-738534