Trái ngọt sau 15 năm sáp nhập ở xã miền núi Đông Xuân

Từ một xã miền núi của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, xã Đông Xuân (nay thuộc huyện Quốc Oai) đã có sự khởi sắc, chuyển mình vượt bậc; đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao.

Đội biểu diễn cồng chiêng của xã Đông Xuân, Quốc Oai. Ảnh: Phương Nga

Về tới xã Đông Xuân, đi đến đâu người dân cũng phấn khởi khi được làm công dân Thủ đô.

Nhận nguồn lực đầu tư lớn

Cuối tháng 5/2008, Quốc hội thông qua Nghị quyết 15 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô. Ngày 1/8/2008, Hà Nội chính thức mở rộng và xã Đông Xuân từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) được chuyển về huyện Quốc Oai (Hà Nội). Nhớ về những ngày đầu sáp nhập, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Rằng Nguyễn Văn Hiện cho biết, trước đây Đông Xuân là một trong những địa phương xa huyện lỵ nhất của huyện Lương Sơn.

Toàn bộ đường liên thôn là đường đất, đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa đường lầy lội, trơn trượt. Về sản xuất, đại đa số người dân chỉ sản xuất tự cung tự cấp, không giao thương buôn bán với bên ngoài được. “Lúc đó chúng tôi không bao giờ dám mơ về những con đường liên thôn, liên tỉnh, chứ chưa nói đến việc sử dụng điện một cách thoải mái hay có internet” – ông Hiện tâm sự.

Cũng phấn khởi, hạnh phúc khi được thụ hưởng những chính sách của TP và huyện, bà Đinh Thị Dương, người dân thôn Đồng Rằng cho hay: “Trước đây đồng ruộng manh mún, đường đi nhỏ hẹp, thiếu nước sản xuất nên lao động vất vả quanh năm cũng không đủ ăn. Nhưng ngày nay, sản xuất nông nghiệp đã cơ giới hóa đồng bộ, đường nội đồng được cứng hóa khang trang, người nông dân đi làm mà thảnh thơi như đi chơi, đời sống vì thế cũng được nâng cao”.

Với nguồn lực đầu tư lớn từ T.Ư, TP và huyện, hệ thống hạ tầng trên địa bàn xã Đông Xuân được đầu tư đồng bộ, khang trang. Trong đó, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất như kênh mương, giao thông nội đồng được cứng hóa, đã góp phần tạo thuận lợi cho Nhân dân sản xuất nông nghiệp. Các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh như điện sinh hoạt, trạm y tế, trường học... được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ tốt hơn đời sống Nhân dân; đã góp phần vào việc thực hiện chủ trương giảm nghèo, tạo điều kiện cho sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, 90% diện tích lúa nước được tưới bằng hệ thống thủy lợi; 100% số thôn đã có đường bê tông xi măng hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; trên 95% đường liên thôn, đường trục chính của thôn, đường ngõ xóm đã được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia. Hệ thống nước sạch sông Đà được đầu tư đến trung tâm xã.

Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Tiến Linh chia sẻ, sau 15 năm ngày sáp nhập, từ một mảnh đất bán sơn địa nổi tiếng vì đói nghèo và lạc hậu, nay Đông Xuân trở thành một trong những địa phương tiêu biểu cho công cuộc đổi mới. Công cuộc mở rộng Thủ đô đã mang đến cho mảnh đất này một hệ thống điện, đường, trường, trạm không hề thua kém những địa phương khác.

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy sự thay đổi diện mạo mới, tình hình an ninh - trật tự trên địa bàn xã luôn được đảm bảo giữ vững và ổn định.

Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng vượt bậc, nếu năm 2008 ước đạt 6.000.000 đồng/người/năm, thì đến năm 2023 thu nhập bình quân đầu người ước đạt 61,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã cuối năm 2008 là 33 hộ (chiếm 3,1%) đến nay chỉ còn 2 hộ, chiếm tỷ lệ 0,13%. Từ địa phương dựa chủ yếu vào nông lâm nghiệp, nay trong cơ cấu kinh tế xã, ngành này chỉ còn dưới 50%. Nhà nhà đều có điện, có xe máy, ti vi, internet.

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Bên cạnh phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở Đông Xuân cũng được nâng lên. Trên địa bàn xã, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tiếp tục được phát triển. Bản sắc văn hóa dân tộc Mường được bảo tồn và phát huy ngày càng phát triển sâu rộng.

Sau khi đưa đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện Quốc Oai vào thực tiễn, huyện đã mở các lớp tập huấn cồng chiêng cho người dân tộc Mường, các thôn đều được trang bị 1 bộ cồng chiêng, có câu lạc bộ cồng chiêng và dân ca riêng.

Trưởng thôn Đồng Bèn Bùi Văn Quyền cho biết, trước đây vì đói nghèo, hầu như người dân không mấy mặn mà với việc lưu giữ những nét văn hóa của địa phương. Cả xã 7 thôn nhưng chỉ có 3 nhà văn hóa xuống cấp, chật chội. Mấy năm gần đây, bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở địa phương được TP và huyện đặc biệt quan tâm.

Cả 7/7 thôn đều được đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Người dân đã biết trân trọng, phát huy bản sắc văn hóa của mình hơn. “Đội cồng chiêng của thôn chúng tôi thu hút đông đảo lứa tuổi từ người già, thanh niên, phụ nữ, đến trẻ em tham gia. Hàng năm, chúng tôi thường xuyên được đi giao lưu, biểu diễn tại huyện và các địa phương khác. Qua đó, giúp chúng tôi thêm tự hào về bản sắc của dân tộc mình” – ông Quyền chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Tiến Linh, UBND xã phối hợp Ủy ban MTTQ xã Đông Xuân đã thực hiện tốt 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” theo tiêu chí mới, kết quả, số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa năm sau luôn cao hơn năm trước.

Cụ thể, năm 2008 có 588/1.050 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 56%, đến năm 2023 có 1.187/1.232 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 96,3%. Năm 2008 trên địa bàn xã có 1 khu dân cư văn hóa, 1 khu dân cư tiên tiến, đến năm 2023 trên địa bàn xã có 7/7 thôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa và 5/5 cơ quan đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa. 7/7 thôn đều có nhà văn hóa.

Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Trên địa bàn xã có 4 trường học, 3 trường công lập, 1 trường tư thục. Chất lượng dạy và học ở các trường được đảm bảo, hàng năm tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp đạt cao từ 95% trở lên. Năm 2008 xã chưa có trường đạt chuẩn quốc gia nhưng đến năm 2023 có 2 trường đạt chuẩn quốc gia (THCS, Tiểu học). Xã đang tiếp tục phấn đấu xây dựng trường mầm non của xã đạt chuẩn quốc gia.

Có thể thấy, sự phát triển vượt bậc của xã Đông Xuân trong 15 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Việc phát triển kinh tế song hành với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đã và đang được huyện Quốc Oai tập trung triển khai để đạt được kết quả cao nhất trong việc hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đông Xuân vinh dự được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 (giai đoạn 2016 – 2020). Hiện nay xã đang thi đua đẩy mạnh về đích nông thôn mới nâng cao, tập trung xây dựng các hạng mục công trình nông thôn mới, củng cố xây dựng và phát huy các tiêu chí đã đạt và tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tiêu chí cơ bản đạt.
Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Tiến Linh

Kiều Doãn Lực - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quốc Oai

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trai-ngot-sau-15-nam-sap-nhap-o-xa-mien-nui-dong-xuan.html