Trà Vinh tăng trưởng kinh tế đứng thứ hai khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Trong 2 ngày 3 và 4/1, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị lần thứ 16. Các đại biểu thống nhất cao với các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra của dự thảo nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Trà Vinh năm 2024.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ 16.

Theo Tỉnh ủy Trà Vinh, năm 2023, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh có sự phấn đấu quyết liệt trong thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã tổ chức thực hiện đạt và vượt 26/27 chỉ tiêu nghị quyết; trong đó có 11 chỉ tiêu vượt.

Năm 2023, tăng trưởng GRDP của Trà Vinh đạt 8,25%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, quy mô kinh tế của tỉnh đạt 83.375 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 81,75 triệu đồng. Công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 95% kế hoạch.

Thu ngân sách 17.175 tỷ đồng, đạt 133% dự toán. Hoạt động tín dụng tăng trưởng khá với tổng vốn 48.300 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay 43.550 tỷ đồng và nợ xấu dưới 3%.

Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thứ hạng các chỉ số phản ánh năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS được nâng cao. Trong đó, chỉ số PCI tăng 25 bậc; chỉ số PGI cấp tỉnh năm 2022 Trà Vinh đứng đầu cả nước.

Tỉnh triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách đối với người có công; dân tộc, tôn giáo và an sinh xã hội. Hộ nghèo giảm 0,69%, trong đó hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm 1,58%, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Trà Vinh duy trì 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phấn đấu Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025.

Khởi công dự án xây cầu Đại Ngãi, kết nối giao thông 2 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh các vấn đề: Kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững; xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số nội dung chưa đạt đúng thực chất; công tác chuẩn bị cho việc thu hút đầu tư chưa tốt do thiếu quỹ đất sạch, chưa tháo gỡ được điểm nghẽn hạ tầng giao thông; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt nhưng tính tự nguyện chưa cao; tình hình an ninh, trật tự, dân tộc, tôn giáo còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp...

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường yêu cầu, năm 2024, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ 11 đề ra.

Phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ, liên kết, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, các khu kinh tế, cụm công nghiệp, công nghệ thông tin, đô thị.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế biển, quyết liệt cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy nhanh chuyển đổi số, nhất là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Phát huy nội lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để tạo động lực mới phát triển bền vững. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào Khmer.

Lễ hội đua ghe ngo của đồng bào Khmer diễn ra tại sông Long Bình, thành phố Trà Vinh.

Tập trung lãnh đạo thực hiện phương châm hành động của Tỉnh ủy Trà Vinh “Đoàn kết, kỷ cương, hành động, sáng tạo, đột phá, phát triển” đi vào chiều sâu, hiệu quả. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tra-vinh-tang-truong-kinh-te-dung-thu-hai-khu-vuc-dong-bang-song-cuu-long-post790588.html