Trà my quyến rũ

Năm ấy, người bạn là kỹ sư nông nghiệp đem đến nhà tặng tôi một cây trà my nhỏ xinh, được trồng trong chậu đất. Trân quý tình bạn, tôi đem cây trồng ở mảnh đất nhỏ trước hiên nhà.

Chỉ vài ba năm sau, nhờ được chăm sóc tỉ mẩn, cây trà my lớn nhanh như thổi, năm nào cũng ra hoa rực đỏ cả góc vườn khiến ai đi ngang cũng trầm trồ nhìn ngắm.

Tôi nhớ trong Truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du có câu thơ nhắc đến loài hoa này: “Tiếc thay một đóa trà my/Con ong đã tỏ đường đi lối về…”. Khoan nói đến ý tại ngôn ngoại của câu thơ trên mà tác giả muốn đề cập. Ở đây, tôi thấy mối quan hệ giữa hai thực thể tự nhiên, một bên là đóa hoa trà my xinh đẹp và bên kia là con ong đi tìm mật đã khiến người ta thương tiếc cho cánh hoa tàn. Có lẽ vì vậy mà người đời sau bao giờ cũng nhìn hoa trà my bằng tấm lòng thương cảm, nâng niu hơn.

Minh họa: Huyền Trang

Hoa trà my thường nở vào cuối xuân đầu hạ, nhiều màu rất đẹp lại dễ rụng, thường ví với người con gái đẹp xuân thì. Khi mùa xuân cạn ngày, trăm hoa ngoảnh mặt, rụng rơi, chỉ còn lại những đóa trà my rực rỡ giữa nắng hạ chói chang.

Có lẽ cũng vì đời hoa trà my gắn với thân phận nàng Kiều mà tôi luôn yêu quý, chăm sóc đặc biệt hơn những loài hoa khác. Cây lúc nào cũng tươi tốt, hoa nở ngào ngạt suốt mùa. Năm kia, một buổi sáng nọ, cầm kéo ra cắt tỉa bớt cành, tôi ngạc nhiên thấy đàn ong ruồi về làm tổ trên nhánh cây. Tổ ong tròn trịa thõng xuống như cái bánh dầu. Hàng trăm con ong nhỏ màu vàng nâu bám đầy quanh tổ. Thi thoảng, những con ong đi tìm mật hoa lại bay về nhập đàn. Tôi biết, đây là loài ong mật tự nhiên.

Ở quê tôi, người ta hay đi tìm loài ong này trên các gò đồi vào cuối xuân đầu hạ để lấy mật. Ong ruồi thường làm tổ nhỏ, ít con và nọc không độc. Mỗi tổ đến kỳ khai thác chỉ lấy được khoảng 1 lít mật trở lại. Loại mật ong ruồi tự nhiên này rất quý, bổ dưỡng. Năm ấy, tôi cũng thu được nửa lít mật ong ruồi trên cây hoa trà my. Tôi đóng chai cất kỹ để dành dùng dần. Điều bất ngờ hơn, đầu tháng 3 năm nay, khi đi xa trở về, cây trà my trước hiên nhà cũng đến mùa đơm bông, tôi lại phát hiện một tổ ong ruồi mới hình thành trên cây. Thường thường khi ong bị ai đó phá tổ để lấy mật, chúng ít khi trở về nơi cũ để làm lại tổ mới. Nhưng ở cây trà my nhà tôi, đàn ong ruồi lại tiếp tục trở về chốn cũ. Tự nhiên, tôi thấy thương đàn ong!

Người ta cho rằng, loài ong ruồi thường kén nơi làm tổ, chúng chỉ chọn vùng nào có cây cối, bụi rậm và loài hoa thích hợp, môi trường trong lành mới xây tổ kết mật. Đằng này, nhà tôi ở giữa phố, đường sá, người xe đi lại tấp nập ngày đêm. Tôi nghĩ, có lẽ chính vẻ đẹp riêng có của những đóa trà my đã níu kéo đàn ong thêm một lần trở lại, khiến chúng thành kẻ “đa tình”!

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tra-my-quyen-ru-post271577.html