Trả lời bạn đọc

Bạn Minh Thu ở Sơn Tiến, Hương Sơn, Hà Tĩnh hỏi: Điều kiện tuyển sinh và yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo vừa học vừa làm?

Trả lời: Theo Thông tư số 06/2017/TT-BGDĐT ngày 15-3-2017 ban hành Quy chế đào tạo vừa làm vừa học trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì điều kiện tuyển sinh và yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình đào tạo vừa làm vừa học (VLVH) gồm: Cơ sở đào tạo được tuyển sinh, thực hiện chương trình đào tạo VLVH trình độ đại học đối với những ngành đã có quyết định cho phép mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ đại học và đã tổ chức đào tạo theo tín chỉ. Đã công bố công khai Thông báo tuyển sinh VLVH, trong đó nêu rõ phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, thời điểm tuyển sinh, địa điểm tổ chức tuyển sinh chậm nhất ba tháng trước ngày tuyển sinh. Đã xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo VLVH. Có đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm yêu cầu thực hiện đồng thời các chương trình đào tạo chính quy và các chương trình đào tạo VLVH. Đã ban hành Quy chế tuyển sinh VLVH, Quy chế đào tạo VLVH trình độ đại học của cơ sở đào tạo. Quy chế tuyển sinh VLVH của cơ sở đào tạo phải thể hiện đầy đủ các nội dung tương ứng với phương thức tuyển sinh quy định tại Điều 5, Quy chế này, không trái với các quy định của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định tại Quy chế này. Quy chế đào tạo VLVH của cơ sở đào tạo được xây dựng trên cơ sở quy chế đào tạo đại học hệ chính quy theo tín chỉ hiện hành của cơ sở đào tạo và các quy định tại Quy chế này.

* Bạn ĐInh Xuân Hòa ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội hỏi:Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn đối với nhà giáo được cử đi bồi dưỡng?

Trả lời: Thông tư số 06/2017/TT-BLĐTBXH ngày 8-3-2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về nhiệm vụ, quyền hạn đối với nhà giáo được cử đi bồi dưỡng: Nhà giáo được cử đi bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao (sau đây gọi chung là bồi dưỡng) phải thực hiện đầy đủ chương trình, kế hoạch học tập trong thời gian bồi dưỡng; chấp hành pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ sở bồi dưỡng; giữ gìn, bảo vệ tài sản của cơ sở bồi dưỡng. Nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được cử đi bồi dưỡng được hưởng nguyên lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia các lớp bồi dưỡng được hưởng quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật. Nhà giáo khi tham gia các khóa bồi dưỡng phải có cam kết về thời gian làm việc tại đơn vị chủ quản sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng theo quy định của pháp luật. Nhà giáo được cử đi bồi dưỡng, thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm lưu trữ và báo cáo đề cương, kết quả bồi dưỡng, thực tập.

Bạn Nguyễn Thu Trang ở phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội hỏi: Mức đóng và phương thức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp?

Trả lời: Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ quy định mức đóng và phương thức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 44 Luật An toàn, vệ sinh lao động với mức như sau: 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h
khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình; 0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng theo quy định; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, ba tháng hoặc sáu tháng một lần. Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1-1-2020.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/32742202-tra-loi-ban-doc.html