Trả lại ý nghĩa nguyên thủy cho các lễ hội phồn thực

Dù đã diễn ra từ rất lâu đời, nhưng vài năm trở lại đây, dư luận xã hội mới chú ý nhiều đến tín ngưỡng phồn thực thông qua các trò diễn trong lễ hội. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Trong đó không ít quan điểm đánh giá các nghi thức, trò chơi xuất hiện trong các lễ hội này là phản văn hóa. Nhìn lại hành trình của tín ngưỡng phồn thực suốt chiều dài lịch sử cả ngàn năm của dân tộc Việt Nam, chúng ta sẽ có câu trả lời cho thắc mắc: Tín ngưỡng phồn thực rốt cuộc là văn hóa hay phản văn hóa?

Hoang dại như Chí Phèo - thị Nở

Thời xa xưa, người Việt chỉ dùng tư duy mông muội để giải thích các hiện tượng tự nhiên. Xuất phát từ chính sự bất lực trong việc giải thích các hiện tượng tự nhiên, con người bắt đầu đặt niềm tin vào các vị thần được cho là có mối quan hệ mật thiết đến đời sống sinh hoạt của họ: thần mưa, thần lúa, thần sấm sét… Khi đó, cuộc sống của các cư dân lúa nước phụ thuộc hoàn toàn vào mùa vụ và sức lao động của con người. Vì thế, họ sùng bái sự sinh sôi, đầy đủ. Tín ngưỡng phồn thực cũng bắt đầu hình thành từ đó.

Theo quan niệm dân gian, phồn là nhiều, thực là nảy nở. Tín ngưỡng phồn thực cũng được người Việt thực hành thông qua việc thờ cơ quan sinh dục của cả nam và nữ cũng như coi trọng hành vi giao phối với quan niệm âm dương giao hòa thì sự vật sẽ sinh sôi, nảy nở.

Trong lễ hội, những hành động giao hợp “thực” của các cặp đôi cũng được diễn ra tại không gian thiêng liêng của núi rừng. Những đứa trẻ ra đời từ hành vi tính giao trong lễ hội được chấp nhận và được nhận sự nuôi nấng hết lòng của cả dân làng.

Việc nam nữ giao hợp trong không gian tự do dễ khiến người ta liên tưởng đến cuộc tình Chí Phèo - Thị Nở. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sâu xa ngòi bút của văn hào Nam Cao có thể thấy câu chuyện Chí - Nở không đơn thuần nói về bản năng gốc của con người. Cũng giống như quan niệm sơ khai của người Việt về hành vi giao phối, Nam Cao dường như đã “làm đẹp” cho tình yêu hoang dại của Chí - Nở qua ngòi bút sắc lạnh của ông.

Trao đổi về vấn đề này, Ths Nguyễn Thành Nam - Giảng viên Khoa Văn hóa học, Đại học Văn Hóa Hà Nội - cho rằng: Tín ngưỡng phồn thực nói chung và các trò diễn trong các lễ hội nói riêng đều xuất phát từ mong ước vạn vật sinh sôi nảy nở của cư dân nông nghiệp. Nhìn dưới góc độ tính giao giữa nam và nữ có thể thấy tư duy của cha ông ta từ cả mấy ngàn năm trước đã rất thoáng và gần như tương đồng với xã hội hiện đại. Người Việt chịu ảnh hưởng nhiều từ tư duy phong kiến, trong đó coi các hành vi này là xấu xa, đồi trụy. Nếu nhìn từ góc nhìn văn hóa có thể thấy tín ngưỡng phồn thực không có gì là phản cảm!?

Tư duy “nửa vời” khiến các lễ hội bị “oan ức”?

Có thể nói, trải qua hơn cả ngàn năm phong kiến cùng với chiều dài của cuộc cách mạng văn hóa giai đoạn đầu xây dựng đất nước, các tín ngưỡng dân gian đã phần nào bị hiểu sai lệch, bị áp đặt các giáo lý mang tính cực đoan, nên đã bị mai một và biến mất trong thời gian dài. Đến nay vẫn nhiều ý kiến cho rằng: Việc thờ các sinh thực khí của cả nam và nữ là điều phản cảm, chưa kể các hành vi tự do luyến ái trong lễ hội đều mang tính chất bầy đàn, man rợ và không phù hợp với xã hội hiện đại.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi nhìn ra thế giới, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất còn lưu giữ các lễ hội phồn thực như vậy. Đơn cử như Nhật Bản, hàng năm, lễ hội Shinto vẫn được diễn ra vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 4. Hiện nay, lễ hội “rước của quý” táo bạo của Nhật Bản vẫn thu hút đông đảo người dân Nhật Bản cũng như du khách quốc tế tham gia. Tại lễ hội, người ta còn bầy bán cả những đồ lưu niệm hình sinh thực khí của cả hai giới.

Người Nhật cho rằng: Tính cởi mở của lễ hội đều lành mạnh và có ý nghĩa trong việc tôn vinh sự nảy nở, sinh sôi. Tại Việt Nam, những hiểu biết có phần sai lệnh về văn hóa truyền thống cùng tư duy chưa thực sự cởi mở mà các lễ hội phồn thực bị “oan ức” ít nhiều.

Trong khi đó, những tín ngưỡng lâu đời của cha ông ta không chỉ thế hiện quan điểm của con người thời ấy trong cách nhìn nhận về thế giới mà trong xã hội hiện đại vẫn mang tính thời sự rất nhân văn. Đó là tiếng nói của tự do luyến ái, tự do về cơ thể đã bị vùi lấp sau thời gian dài bị áp đặt và loại trừ.

Phạm Trang

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-lich-su/tra-lai-y-nghia-nguyen-thuy-cho-cac-le-hoi-phon-thuc