TPHCM tái cấu trúc kinh tế: Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu, tăng tính cạnh tranh

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế được xem là một trong những giải pháp hàng đầu để TPHCM chủ động hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2010. Đây cũng là chìa khóa để TPHCM nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, thể hiện vai trò đầu tàu kinh tế cả nước.

Chuyển dịch đúng định hướng Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng những nhóm ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao trong cơ cấu sản phẩm đã được TPHCM đề ra và thực hiện trong 10 năm qua. Trong đó, TP đã định hướng 4 nhóm ngành công nghiệp (gồm cơ khí; điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; hóa chất - nhựa - cao su; chế biến tinh lương thực - thực phẩm) và 9 nhóm ngành dịch vụ (gồm tài chính - ngân hàng - tín dụng - bảo hiểm; thương mại; vận tải, dịch vụ cảng - kho bãi; bưu chính - viễn thông; công nghệ thông tin; kinh doanh tài sản, bất động sản; tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế, giáo dục và đào tạo) để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân của các nhóm hàng hóa khác. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế là nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh, để kinh tế TPHCM thể hiện được vai trò một đầu tàu kinh tế của cả nước. Theo nhận định của Sở KH-ĐT TPHCM, qua 5 năm triển khai thực hiện, chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế TP phát triển theo hướng tích cực; đã có sự chuyển biến theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ, giảm dần tỷ trọng các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, dần đưa TP trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, công nghiệp - công nghệ cao của cả nước. Nội bộ các ngành kinh tế cũng đã có sự chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao; giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, dần hình thành các loại hình dịch vụ chất lượng cao. Trong 4 nhóm ngành công nghiệp, tỷ trọng đã nâng lên từ 45% lên gần 60% tổng giá trị sản phẩm công nghiệp toàn TP. Bất chấp suy giảm kinh tế giai đoạn 2008 - 2009, dịch vụ thương mại vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của TPHCM với 54,5%, dự kiến năm 2010 sẽ tiếp tục tăng và chiếm 55,2% GDP. Điều này cho thấy chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung và cơ cấu các ngành dịch vụ, công nghiệp tiếp tục theo đúng định hướng của thành phố. Cần tạo bước đột phá Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ nêu trên, tại hội thảo “Đánh giá tác động 3 năm gia nhập WTO và tái cấu trúc kinh tế TPHCM” do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, đã chỉ ra rằng, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp và các lĩnh vực dịch vụ chưa cao. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ban hành chưa đủ mạnh, chưa tạo được sự đột phá; chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn chậm. Trong từng lĩnh vực tuy đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, nhưng nhiều nhiệm vụ trọng tâm vẫn chưa được hoàn thành. Theo nhận định của TS Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: “Những kết quả đạt được cũng như việc chuyển dịch kinh tế này là do quá trình tự nhiên phù hợp với lợi thế của TPHCM, chứ không phải do chính sách thúc đẩy”. Cùng quan điểm trên, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng, 10 năm qua TPHCM đã thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu để tạo giá trị gia tăng cao, nhưng thực chất các ngành công nghiệp vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn. Công nghiệp điện tử, viễn thông chưa thực sự phát triển. Tỷ trọng các doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác, các máy công cụ chuyên dùng, các loại trang thiết bị điện tử sử dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật cao chưa nhiều. Hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các DN chưa thực sự được đầu tư đúng mức. Các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may đã có chuyển dịch dần ra các tỉnh, nhưng vẫn chưa phát triển theo chiều sâu, như khâu thiết kế-tạo mẫu, xây dựng thương hiệu thời trang,… Giải pháp đồng bộ và sự đồng thuận Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2011-2015, TPHCM xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh phù hợp với vai trò, vị trí của TP đối với khu vực phía Nam và cả nước. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng; trong đó lấy chất lượng để định hướng cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với đặc điểm của một nền kinh tế đô thị lớn. Đối với cơ cấu ngành, tiếp tục thực hiện chuyển dịch theo hướng ngành dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ để TPHCM trở thành trung tâm về dịch vụ - thương mại - tài chính lớn của cả nước và của khu vực. Tiếp tục tập trung vào 9 ngành dịch vụ đã được xác định từ Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII (gồm tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục - đào tạo). Trong lĩnh vực công nghiệp, tiếp tục tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, đồng thời lựa chọn một số công đoạn có giá trị gia tăng cao trong các ngành công nghiệp truyền thống để đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu... Trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao, hiện đại, bền vững gắn với du lịch sinh thái. Với chương trình này, TPHCM kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 11%/năm, trong đó khu vực dịch vụ sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt bình quân 12,3%/năm; công nghiệp và xây dựng tăng 9,6%/năm; nông lâm ngư nghiệp tăng 4,0%/năm. Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một chương trình mang tính tổng hợp. Để thực hiện hiệu quả phải có sự giúp đỡ của các bộ ngành trung ương trong triển khai đề án cạnh tranh quốc gia, trong quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế vùng và sự hỗ trợ của các địa phương trong khu vực. Thúy Hải

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kinhte/2010/10/239111/