TPHCM cân nhắc kỹ trong thu hút dự án FDI

Các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch từ hình thức đầu tư 100% vốn sang hình thức liên doanh, góp vốn, mua cổ phần dự án sẵn có khi đầu tư vào TPHCM. Trong khi đó, chính quyền thành phố cũng bắt đầu cân nhắc kỹ hơn, lựa chọn để tránh những dự án có công nghệ thấp, sử dụng nhiều diện tích đất.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Sử Ngọc Anh trao đối với báo chí ngày 2-12 - Ảnh: Văn Nam

Theo thông tin từ ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cung cấp cho báo chí ngày 2-12 vừa qua, tổng vốn đầu tư xã hội của thành phố 2016 là 310.000 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm 17%, vốn ngân sách chiếm 8%, vốn doanh nghiệp nhà nước chiếm 11%, còn lại là vốn trong dân.

Từ số liệu trên cho thấy phần đóng góp của vốn FDI rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của thành phố. Nếu như năm 2010 vốn FDI trong nền kinh tế chỉ 15% thì sau hơn 5 năm phần vốn FDI nâng lên 17% và có cả phần đóng góp về công nghệ sản xuất.

Phân tích sâu hơn, ông Sử Ngọc Anh cho biết xu hướng vốn FDI vào thành phố vài năm gần đây đang có sự chuyển dịch, từ hình thức 100% vốn nước ngoài dần chuyển dịch sang liên doanh, hợp tác kinh doanh, đến giờ thêm hình thức nữa là góp vốn vào dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Hình thức hợp tác kinh doanh ít được lựa chọn bởi không hiệu quả và thay vào đó nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần.

Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang chọn lựa hình thức đầu tư nào họ thấy hợp lý, thuận lợi và hiệu quả để nhà đầu tư không phải thực hiện các khâu như bồi thường giải tỏa mặt bằng, xây nhà xưởng… mà chỉ chọn đối tác trong nước có sẵn dự án hoàn chỉnh mới góp vốn vào.

Trong khi đó, đối với chính sách thu hút vốn đầu tư FDI, vị giám đốc ngành kế hoạch và đầu tư thành phố cho rằng hiện TPHCM đang cân nhắc, không thu hút theo bề rộng nữa, mà có lựa chọn kỹ lưỡng. Nếu dự án nhiều tiền nhưng sử dụng công nghệ thấp, cần nhiều đất, không đảm bảo môi trường thì Thành phố sẽ hạn chế, đặc biệt là chọn lựa kỹ những dự án vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

“Chẳng hạn như vừa qua có dự án lớn vốn FDI nhưng yêu cầu thành phố cung cấp gần 200 héc ta đất, dự án dạng này cũng đặt ra bài toán lớn đối với thành phố trong lúc này bởi một khi để có được miếng đất đó đồng nghĩa với việc giải tỏa mặt bằng rất lớn”, ông Sử Ngọc Anh nói.

Giải pháp được thành phố đặt ra cho việc thu hút vốn FDI sắp tới, ông Sử Ngọc Anh cho hay các khu công nghiệp đang chuẩn bị đất để đón các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc sử dụng nhà xưởng diện tích nhỏ, cao tầng nhưng áp dụng công nghệ cao. Đối với khoảng 6.500 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư gần 41 tỉ đô la Mỹ thì thành phố tiếp tục rà soát các dự án còn 5-10 năm nữa hết hạn thì tiếp tục xúc tiến, mở rộng mặt bằng, mở rộng quy hoạch tại chỗ. Song song đó, các quận huyện cũng sẽ lên danh mục dự án cần thu hút đầu tư vào địa phương để mời chào các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong năm 2016 thành phố dự ước cấp phép 713 dự án vốn FDI với tổng vốn 1,3 tỉ đô la Mỹ và có 174 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm 465 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, thành phố cũng chấp thuận cho 1.900 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp thành phố với tổng vốn góp đăng ký ước đạt 1,9 tỉ đô la Mỹ.

Với xu hướng đầu tư mới của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài như vậy thì tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước thì ước cả năm 2016 TPHCM thu hút được 3,7 tỉ đô la Mỹ.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154554/tphcm-can-nhac-ky-trong-thu-hut-du-an-fdi.html/