TP Hồ Chí Minh: Triều cường gây ngập nặng, phố biến thành 'sông'

Tối 7-11, triều cường dâng cao gây ngập lụt cục bộ nhiều tuyến đường, khu phố ở các địa bàn ven sông, kênh, rạch… tại TP Hồ Chí Minh.

Những khu vực bị ngập nặng nhất thuộc địa bàn TP Thủ Đức và quận 7. Ảnh hưởng của ngập lụt do triều cường đã khiến hàng loạt hàng quán phải đóng cửa, nhiều nhà dân bị ngập, phương tiện giao thông chết máy, cuộc sống của hàng trăm hộ dân gặp rất nhiều khó khăn…

Vào khoảng thời gian từ 19 giờ đến 21 giờ ngày 7-11, chúng tôi có mặt tại các tuyến đường bị ngập nặng do triều cường dâng cao, như: Trần Xuân Soạn, Nguyễn Thị Thập, Lâm Văn Bền… (quận 7), Lương Định Của (TP Thủ Đức).

Đây là những tuyến đường có độ cao thấp, nằm gần các tuyến kênh lớn, từng là những “điểm nóng” về tình trạng ngập lụt do mưa lớn và triều cường trong những năm gần đây.

Nước trên các tuyến kênh ở quận 7 dâng cao trong buổi tối 7-11.

Mặc dù những ngày này, TP Hồ Chí Minh nắng nóng gay gắt, nhưng triều cường lại dâng cao bất thường.

Đường Trần Xuân Soạn, nằm ven kênh Tàu Hủ bị ngập nặng nhất, mức ngập phổ biến khoảng 0,5 mét, nhiều đoạn ngập sâu khoảng 0,7-0,8 mét, khiến hàng loạt phương tiện giao thông bị chết máy.

Đường Trần Xuân Soạn, quận 7 biến thành “sông”.

Đường Lương Định Của (TP Thủ Đức) chỉ bị ngập một đoạn dài khoảng 200m, nhưng mực nước dâng khá cao khiến nhiều xe máy, ô tô bị chết máy khi lưu thông qua đây.

Nhiều khu dân cư ở phường Tây Quy, quận 7 cũng bị ngập nặng khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề.

“Cả gia đình tôi 5 nhân khẩu, chỉ sống trong căn nhà chưa tới 30m2. Biết triều cường dâng cao sẽ gây ngập nhà, hư hỏng đồ đạc, nhưng lực bất tòng tâm vì không biết phải đem đồ đạc đi đâu. Cả khu phố này nhà ai cũng vậy”, bà Năm Hương, ngụ đường Lâm Văn Bền, phường Tân Quy, quận 7 than thở.

Triều cường gây ngập một khu phố trên đường Lâm Văn Bền, quận 7, khiến hàng chục hộ gia đình bị ngập lụt.

Quan sát từ cầu Nguyễn Văn Cừ, chúng tôi thấy, kênh Tàu Hủ và đường Trần Xuân Soạn đều mênh mông một màu nước như nhau, không phân biệt được đâu là kênh, đâu là đường.

“Thành phố vừa cho phép kinh doanh trở lại, quán hàng mới mở được vài bữa thì lại dính triều cường, kinh doanh ế ẩm quá, thiệt là khổ quá xá. Nghe đài báo nói, Thành phố đang triển khai đại dự án ngăn triều với tổng mức đầu tư 10 nghìn tỷ đồng, nhưng không hiểu sao cứ mưa xuống hoặc triều dâng là ngập lại hoàn ngập”, ông Ba Hoàng, chủ quán ăn, giải khát trên đường Trần Xuân Soạn chia sẻ.

Rất nhiều phương tiện giao thông bị chết máy trên đường Trần Xuân Soạn.

Dự án công trình chống ngập do triều cường mà ông Ba Hoàng vừa nhắc đến do Tập đoàn Trung Nam đầu tư với tổng kinh phí lên đến hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Theo thiết kế, dự án có 6 cống ngăn triều, gồm: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và đê kè ven sông Sài Gòn, kéo từ Vàm Thuật đến sông Kinh.

Bên cạnh đó là hệ thống các cống nhỏ bảo vệ những khu vực xung yếu.

Tình trạng ngập lụt do triều cường khiến hàng loạt quán hàng phải đóng cửa, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngoài “đại dự án” này, TP Hồ Chí Minh còn triển khai hàng loạt dự án, công trình chống ngập. Tuy nhiên, mặc dù đã khởi công từ nhiều năm nay nhưng các dự án lớn đến nay vẫn còn dang dở.

Các giải pháp chống ngập cục bộ thì chống được chỗ này lại ngập chỗ khác, vì vậy nên chỉ cần một trận mưa hoặc đến chu kỳ triều cường dâng cao thì các khu vực thường xuyên bị ngập lại tái diễn điệp khúc “đường phố biến thành sông”.

Cả khu phố ven kênh Tàu Hủ mênh mông nước.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đỉnh triều tại trạm Phú An vào tối 7-11 là 1,65m và tại trạm Nhà Bè là 1,67m.

Trong những ngày tới, triều cường tiếp tục dâng cao, nhất là vào buổi chiều tối và ban đêm nên những khu vực có nguy cơ ngập nặng sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng ngập lụt do triều cường.

Bài và ảnh: ĐỨC GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/tp-ho-chi-minh-trieu-cuong-gay-ngap-nang-pho-bien-thanh-song-676735