TP Hồ Chí Minh triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông

ĐINH LA THĂNG Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh

Là một trong những đô thị lớn nhất Việt Nam, TP Hồ Chí Minh có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn, sôi động, nhộn nhịp suốt ngày đêm. Do đó, đối với TP Hồ Chí Minh, phát triển hạ tầng giao thông vận tải (GTVT), giảm ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lãnh đạo, các ban, ngành chức năng. Đồng thời, đây cũng là trách nhiệm của mỗi công dân thành phố.

Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị

Thực tế đã chứng minh, kết cấu hạ tầng GTVT, bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) là vấn đề có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Nhìn lại hơn 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 16-3-2011 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình giảm ùn tắc giao thông (UTGT) giai đoạn 2011-2015, cho thấy các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố đã xây dựng, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều kế hoạch, giải pháp và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Thành phố đã từng bước khắc phục và giảm dần số vụ UTGT, hằng năm liên tục kéo giảm TNGT trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn thành phố còn diễn biến phức tạp, TNGT dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, UTGT đô thị chưa được khắc phục hiệu quả và có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Trật tự ATGT đang là vấn đề gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển bền vững của thành phố.

Nguyên nhân của tình trạng trên do nguồn vốn đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH; hệ thống các cơ chế, chính sách quản lý và phát triển giao thông đô thị chưa đầy đủ, còn chồng chéo. Dịch vụ vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng yêu cầu; số lượng phương tiện giao thông cá nhân hằng năm tiếp tục tăng nhưng chưa có các chính sách kiềm chế; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự ATGT còn hạn chế. Cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan và quận, huyện chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, hiệu quả thấp; nhiều nhiệm vụ, giải pháp được chỉ đạo thực hiện chưa quyết liệt, thiếu sự phối hợp trong hướng dẫn, kiểm tra; việc giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa cho người tham gia giao thông chưa đáp ứng yêu cầu.

Phát huy các kết quả đạt được, rút kinh nghiệm những hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và khắc phục UTGT trên địa bàn thời gian qua, đáp ứng tình hình và mục tiêu phát triển KT-XH thời gian tới, Thành ủy xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về giảm ùn tắc và TNGT giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu được Thành ủy TP Hồ Chí Minh xác định là: Tập trung phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, bao gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa gắn với nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giao thông đô thị. Ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm, đường hướng tâm, đường trên cao, các tuyến đường sắt đô thị và các công trình giao thông tĩnh; kết nối tốt hệ thống giao thông thành phố với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, nhất là giao thông công cộng có sức chở lớn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè; giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc và giảm TNGT. Phấn đấu đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng mới và đưa vào sử dụng 272 km đường bộ, 76 cây cầu, mật độ đường giao thông đạt 2,2 km/km²; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất xây dựng đô thị; khối lượng vận tải hành khách công cộng đạt từ 15% đến 20% nhu cầu giao thông đô thị; kìm hãm và giảm dần số vụ UTGT; số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT hằng năm giảm 5% so với năm liền kề trước đó.

Những giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Thành ủy TP Hồ Chí Minh xác định một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách và bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đô thị. Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các quy hoạch tổng thể GTVT thành phố gắn với Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; tổ chức lập và thực hiện các quy hoạch chi tiết: các nút giao thông trọng điểm, các trục giao thông chính đô thị; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tĩnh; mạng lưới đường thủy và cảng, bến trong khu vực; mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức, liên thông trong nội đô và kết nối với các đô thị vệ tinh, các công trình đầu mối vận tải đối ngoại trọng yếu. Các cơ quan chức năng chủ động xây dựng, đề xuất và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về bảo đảm trật tự ATGT; các cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù trong việc huy động nguồn lực trong và ngoài nước, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng GTVT trên địa bàn; phát huy tốt vai trò của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước; xây dựng các cơ chế chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư; vừa thiết kế, vừa thi công; thực hiện giải phóng mặt bằng,... để thực hiện nhanh các dự án cấp bách; xây dựng và hoàn thiện các chính sách về công tác quản lý hoạt động vận tải. Thành phố đánh giá lại tình hình và củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị với chức năng, nhiệm vụ phù hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý đồng bộ và thống nhất đầu mối, khắc phục tình trạng “cắt khúc”, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cấp, ngành chức năng liên quan, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý đô thị thành phố văn minh, hiện đại; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các sở, ngành, quận, huyện, các lực lượng thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Hai là, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; trong đó, tập trung nâng cao năng lực quản lý và khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng GTVT hiện hữu; tiếp tục rà soát, tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý tại các khu vực có nguy cơ xảy ra UTGT. Ngay trong năm 2016, tiến hành rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ và các tiện ích phục vụ người đi bộ. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nhanh sự cố, bảo trì tốt kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, hệ thống giao thông nông thôn, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn; đẩy mạnh xã hội hóa quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Thành phố sẽ triển khai các chính sách để tăng thêm nguồn thu từ khai thác kết cấu hạ tầng giao thông vào nguồn kinh phí bảo trì hạ tầng và sử dụng hiệu quả nguồn này,...

Ba là, ưu tiên phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. Trên cơ sở quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch GTVT thành phố, xác định cụ thể danh mục các công trình giao thông trọng điểm cần triển khai xây dựng và hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020. Thành phố đẩy mạnh việc thu hút, tạo nguồn vốn từ nhiều nguồn lực như đối tác công - tư (PPP), vốn ODA, trái phiếu…, trong đó ưu tiên nguồn vốn thông qua việc khai thác, đấu giá quỹ đất công để xây dựng, hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm theo danh mục được xác định. Đối với các dự án sử dụng ngân sách, phải bảo đảm ưu tiên bố trí đủ vốn để thực hiện; xác định cụ thể kế hoạch, tiến độ từng công trình khởi công và hoàn thành. Trong giải phóng mặt bằng và tái định cư, quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị chậm trễ, làm ảnh hưởng tiến độ các dự án trọng điểm; chấm dứt tình trạng chậm tiến độ các công trình giao thông theo kế hoạch được duyệt. Chương trình giảm ùn tắc và TNGT phải kết hợp chặt chẽ với các Chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, nhất là Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị; Chương trình giảm ngập nước; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường.

Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa; quản lý nhu cầu giao thông cá nhân. Thành phố rà soát, sắp xếp hợp lý nhất mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn; đầu tư đổi mới xe buýt theo đề án đã được phê duyệt và xây dựng cơ chế, chính sách để tiếp tục đầu tư xe buýt mới đến năm 2020 phù hợp đặc tính đô thị và thân thiện môi trường; áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; phát triển loại hình xe buýt đưa đón học sinh, sinh viên. Tiếp tục cải thiện, đổi mới mô hình quản lý của các hợp tác xã vận tải xe buýt hướng đến việc phát triển DN vận tải theo mô hình quản lý tập trung, quản lý tốt hoạt động của các DN và nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt. Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình vận tải hành khách công cộng bằng ta-xi; tập trung phát triển vận tải khách công cộng bằng đường thủy nội địa. Khai thác hiệu quả hoạt động vận tải thông qua việc kết nối liên thông các loại hình bằng đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, nhằm giảm bớt áp lực cho đường bộ. Phát triển các hình thức trung chuyển hàng hóa giữa thành phố và các tỉnh lân cận; xây dựng mối liên kết giao thông và hỗ trợ hữu hiệu giữa đường bộ và đường thủy nội địa thông qua hệ thống cảng với các khu công nghiệp và khu đô thị mới.

Năm là, ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin hiện đại, tiên tiến trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành GTVT phù hợp với đặc thù đô thị. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý cơ sở dữ liệu và tổ chức khai thác hạ tầng giao thông trên địa bàn. Thành phố ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách để đẩy nhanh kết nối hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông, ca-mê-ra giám sát giao thông hiện hữu, sớm phát hiện điểm UTGT và khắc phục ngay các sự cố, giảm thời gian ùn tắc; phát hiện vi phạm trật tự ATGT, tăng cường xử phạt vi phạm qua hình ảnh.

Sáu là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT. Thành phố huy động cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, văn hóa giao thông và mỹ quan đô thị; đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm phát huy hiệu quả sâu rộng đến từng đối tượng cụ thể. Các cơ quan báo chí thành phố mở chuyên trang, chuyên mục về trật tự ATGT định kỳ để tuyên truyền, định hướng, giáo dục ý thức và trách nhiệm công dân trong công tác này. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự ATGT; tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy quản lý ngành hiệu quả, khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, xác định rõ đầu mối trách nhiệm, quản lý thông suốt, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông. Nâng cao trách nhiệm, đạo đức của lực lượng thực thi công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu khi thi hành nhiệm vụ. Các lực lượng chức năng từ thành phố đến cơ sở huy động lực lượng điều hòa giao thông vào các giờ cao điểm nhằm hạn chế ùn tắc tại các nút giao thông chính; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.

Thành phố sẽ xây dựng các phương án để lấy ý kiến của nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, kiên quyết thực hiện lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lấn chiếm và tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, đấu nối trái phép vào đường bộ đang khai thác; triển khai quy hoạch, sắp xếp lại các khu vực, các tuyến đường được phép kinh doanh và cơ chế thực hiện nhằm giải quyết căn cơ tình trạng này; xử lý quyết liệt, triệt để tình trạng bến bãi hoạt động vận tải trái phép và xử lý dứt điểm tình trạng mất an ninh trật tự trước cổng các bệnh viện, trường học. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, chắc chắn TP Hồ Chí Minh sẽ giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc và TNGT.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31143002-tp-ho-chi-minh-trien-khai-quyet-liet-dong-bo-nhieu-giai-phap-giam-un-tac-va-tai-nan-giao-thong.html