TP Hồ Chí Minh ra mắt phần mềm lắng nghe mạng xã hội

Ngày 27/2, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh ra mắt phần mềm lắng nghe mạng xã hội (Social Beat).

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện có khoảng 10 triệu dân với hơn 22 triệu tài khoản mạng xã hội hoạt động thường xuyên. Cùng với hệ thống 200 cơ quan báo chí, thành phố đang quản lý 355 trang mạng xã hội và hơn 1.000 trang thông tin điện tử đang cung cấp một lượng thông tin khổng lồ cho người dân, cũng như tiếp nhận ý kiến đóng góp thông qua tương tác hai chiều.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương có số lượng người sáng tạo nội dung lớn nhất cả nước. Đây là nguồn thông tin khổng lồ có giá trị to lớn trong việc xây dựng dữ liệu, cơ sở đối chiếu để hiểu rõ hơn về cuộc sống của người dân. Qua đó, đánh giá và tham mưu cho công tác hoạch định và thực thi các chủ trương, chính sách của thành phố.

Sự ra mắt của Phần mềm lắng nghe mạng xã hội được xem như một sản phẩm cụ thể, khởi động mạnh mẽ cho Năm chủ đề chuyển đổi số 2024 của thành phố.

Đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Đoàn Luật sư và Hiệp hội Doanh nghiệp hành phố ký kết biên bản ghi nhớ về phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Phần mềm lắng nghe mạng xã hội của thành phố có khả năng thu thập dữ liệu từ một loạt các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và nhiều nền tảng online khác.

Bên cạnh đó, phần mềm được tăng cường mở rộng với công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và học máy để phân tích dữ liệu mạng xã hội một cách thông minh và hiệu quả theo từng nhóm chủ đề, tứng ngành, lĩnh vực và vùng quản lý. Ngoài ra, phần mềm cũng cho phép người dùng tạo ra các báo cáo linh hoạt và đa dạng dựa trên dữ liệu thu thập được theo nhiều cơ chế khác nhau, từ các báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ hoặc tổng hợp, phân tích báo cáo chuyên sâu.

Phần mềm được sử dụng để giúp các cơ quan quản lý nhà nước chủ động trong việc tiếp nhận và hiểu rõ hơn về ý kiến và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp về các hoạt động, các ý kiến đánh giá, đóng góp cho các chủ trương, chính sách và văn bản pháp luật khi triển khai trên thực tế; đồng thời, đây cũng là kênh để nắm bắt các phản ánh của người dân về những vấn đề trên địa bàn... để từ đó xây dựng chính sách quản lý, phát triển xã hội hiệu quả hơn.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/tp-ho-chi-minh-ra-mat-phan-mem-lang-nghe-mang-xa-hoi--i723751/