TP.HCM: Yêu cầu cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà về PCCC

Thực hiện Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 (Công điện số 220) của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa yêu cầu các sở ban ngành, chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về PCCC, đồng thời phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu Công an Thành phố cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. Phân loại cụ thể cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau đợt tổng kiểm tra, rà soát; giải đáp, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể, chi tiết các quy định và giải pháp để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu, khắc phục vi phạm, thiếu sót về PCCC của công trình, phục vụ hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là những quy định, giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác PCCC để người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Vụ cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương làm chết 32 người là hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn về PCCC. Ảnh: Thành Đồng.

Vụ cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương làm chết 32 người là hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn về PCCC. Ảnh: Thành Đồng.

Đối với Sở Xây dựng, UBND TP.HCM yêu cầu kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc về PCCC trong đầu tư xây dựng nhà, công trình hoạt động sản xuất kinh doanh; đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi ngay những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo phù hợp với thực tiễn của Thành phố; nghiên cứu kiến nghị cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về PCCC.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu UBND các quận huyện, thành phố Thủ Đức xử lý ngay những hạn chế, bất cập, cản trở trong quản lý nhà nước về PCCC thuộc lĩnh vực, địa bàn mình quản lý; có giải pháp cụ thể, chi tiết để xử lý dứt điểm những vi phạm về PCCC trong đầu tư xây dựng theo thẩm quyền.

Trong báo cáo gửi Bộ Công an về thực hiện Luật PCCC mới đây, UBND TP.HCM cho biết: Hiện nay trên địa bàn Thành phố có 3 khu chế xuất, 19 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 22 cụm công nghiệp, trên 500.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ. Hiện nay, bên cạnh những khu đô thị, khu dân cư hiện đại vẫn còn tồn tại nhiều khu dân cư với những căn hộ làm bằng vật liệu tạm bợ, dễ cháy trong các hẻm sâu hoặc các chung cư cũ kỹ, xuống cấp.

Trong 10 năm qua (2013 - 6/2023) trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 12.191 vụ liên quan đến cháy nổ, sự cố, tai nạn, trong đó có 5.443 vụ cháy làm chết 146 người, bị thương 349 người, gây thiệt hại hơn 970 tỷ đồng. Ngoài ra trên địa bàn Thành phố xảy ra 4.860 vụ cháy thuộc diện không phải thống kê theo quy định tại Thông tư 14/2019/TT-BCA của Bộ Công an.

Vụ cháy chung cư Carina quận 8 làm chết 13 người là bài học xương máu về công tác đảm bảo an toàn PCCC. Ảnh: TTXVN

Vụ cháy chung cư Carina quận 8 làm chết 13 người là bài học xương máu về công tác đảm bảo an toàn PCCC. Ảnh: TTXVN

Địa bàn xảy ra cháy tập trung chủ yếu các khu vực quận, huyện ngoại thành xa trung tâm như thành phố Thủ Đức, Tân Bình, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Về loại hình, đối tượng xảy ra cháy ở nhà đơn lẻ chiếm 38,64%, công ty - doanh nghiệp chiếm 14,02%, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm 4,59%, nhà chung cư - nhà cao tầng chiếm 2,3%... Nguyên nhân xảy ra cháy do sự cố điện chiếm 68,64%, do sơ suất bất cẩn trong quá trình sinh hoạt sản xuất chiếm 27,2%...

Về công tác kiểm tra, trong 10 năm qua, toàn thành phố có 727.269 lượt cơ sở bị kiểm tra về PCCC qua đó phát hiện gần 52.000 hành vi vi phạm về PCCC, ra quyết định xử phạt vi phạm gần 51.300 cơ sở, tạm đình chỉ 327 cơ sở và đình chỉ hoạt động 88 cơ sở.

TP.HCM chỉ ra 9 tồn tại về công tác PCCC

Từ thực tiễn thực hiện Luật PCCC, UBND TP.HCM đã chỉ ra 9 tồn tại về PCCC gồm tồn tại trong tổ chức thực hiện các quy định về PCCC của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở; tồn tại trong công tác tham mưu của lực lượng công an cho cơ quan các cấp có thẩm quyền trong việc hướng dẫn, chỉ đạo về công tác PCCC. Tồn tại trong công tác nghiệp vụ của lực lượng công an; tồn tại trong công tác tuyên truyền, huấn luyện về PCCC; tồn tại trong công tác xử lý vi phạm quy định về PCCC. Tồn tại trong công tác kiểm định; tồn tại trong công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy; tồn tại trong công tác triển khai các văn bản cấp trên; tồn tại về kiểm tra an toàn về PCCCC đối với địa bàn, cơ sở.

Đáng chú ý, tồn tại về kiểm tra an toàn PCCC đối với địa bàn, cơ sở, UBND TP.HCM thẳng thắn chỉ rõ hạn chế, thiếu sót, bất cập như tinh thần trách nhiệm một số cán bộ kiểm tra chưa cao, năng lực, trình độ chuyên môn không đồng đều dẫn tới chất lượng kiểm tra cơ sở còn hời hợt. Công tác quản lý địa bàn, cơ sở, hướng dẫn tại một số đơn vị còn bộc lộ nhiều yếu kém, cán bộ chưa thực hiện hết trách nhiệm, còn bỏ sót địa bàn, nội dung kiểm tra sơ sài, thiếu cương quyết trong xử lý.

* Trong phiên thảo luận tại Kỳ họp Thứ 5, Quốc hội Khóa XV, một số đại biểu đã đề cập và đề nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện quy định về PCCC trước thực trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do phải tuân thủ các điều kiện PCCC mới, dẫn tới đình trệ trong sản xuất kinh doanh, nhất là vào thời điểm “hậu Covid-19”.

Thủ tướng ra Công điện tháo gỡ khó khăn về PCCC

Trước đó ngày 5/4/2023 Thủ tướng Chính phủ có Công điện 220 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC. Để bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về PCCC, đồng thời phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội. Phân loại cụ thể theo nhóm các công trình, cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành, địa phương cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về PCCC. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xử lý ngay những hạn chế, bất cập, cản trở trong quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn mình quản lý; chỉ đạo có giải pháp cụ thể, chi tiết để xử lý dứt điểm những vi phạm về PCCC trong đầu tư xây dựng.

Xuân Tình - Thành Đồng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-yeu-cau-cat-giam-thu-tuc-hanh-chinh-ruom-ra-ve-pccc-156740.html