TP.HCM thành đặc khu như Thượng Hải: Cái khó của ông Thăng

Các hiệu ứng tốt ban đầu về uy tín người lãnh đạo mới thường mang tính thăm dò, phong trào. Sự chuyển biến thật sự phải thấm dần.

Đó là nhận định của TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông khi trao đổi về quyết tâm xây dựng TP.HCM thành đặc khu kinh tế như Thượng Hải của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và những khó khăn để thực hiện mục tiêu này.

PV: - Tại hội nghị lần thứ 4 BCH Đảng bộ TP.HCM khóa X, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề xuất TP.HCM phải trở thành một đặc khu kinh tế như Thượng Hải với những cơ chế đặc biệt để phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình. Ông có suy nghĩ gì trước đề xuất này của Bí thư Đinh La Thăng và theo ông, nó có gì khác với đề xuất gần đây của lãnh đạo TP.HCM về việc thành lập đặc khu kinh tế ở huyện Nhà Bè, Cần Giờ, quận 7 và Bình Chánh?

TS Phạm Sanh: - Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người dân Thành phố rất mừng khi đón nhận thông tin này và ủng hộ đề xuất của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.

Bí thư Đinh La Thăng quyết xây dựng TP.HCM thành đặc khu như Thượng Hải

Bí thư Đinh La Thăng quyết xây dựng TP.HCM thành đặc khu như Thượng Hải

Cách đây hàng thế kỷ, Sài Gòn thường được phương Tây gọi với cái tên “Hòn ngọc Viễn Đông”, cùng lúc thế giới họ gọi Thượng Hải là “Hòn ngọc phương Đông”. Lịch sử vị trí địa lý kinh tế, đúng ra là địa chính trị, 2 thành phố kết nghĩa này cũng có nhiều nét giống nhau, quá trình phát triển thành phố cũng có những lúc thăng trầm tương tự. Có thời gian, Thượng Hải phát triển trì trệ hơn cả Thẩm Quyến, Hàng Châu và nhiều thành phố khác của Trung Quốc, nhưng đến 1992 nhờ quyết tâm người đứng đầu (ông Chu Dung Cơ) và những tháo gỡ của Trung ương về mặt cơ chế, Thượng Hải đã nhanh chóng lấy lại vị trí số 1 kinh tế của mình.

Mới đây không lâu lắm, vào tháng 10/2015, lãnh đạo TP.HCM cũng có đề xuất việc thành lập đặc khu kinh tế phía Nam ( gồm huyện Nhà Bè, quận 7, Cần Giờ và một phần Bình Chánh) có thể xem như đặc khu trong thành phố. Còn đề xuất của Bí thư Đinh La Thăng có thể hiểu là thành phố đặc khu, phạm vi rộng hơn, mục tiêu, kết quả, giải pháp cũng lớn và khác hơn nhiều.

PV: - Nếu trở thành đặc khu kinh tế, TP.HCM sẽ phải có những thay đổi mạnh mẽ về thể chế, được chủ động về luật, điều hành và quản trị... Thưa ông, Việt Nam đã sẵn sàng cho sự bứt phá này của TP.HCM hay chưa? Khó khăn ở đây là gì? Và với sự quyết tâm cũng như tầm ảnh hưởng của Bí thư Thăng, những khó khăn nói trên có dễ dàng được thu xếp hay không? Xin ông phân tích cụ thể.

TS Phạm Sanh: - Nói đặc khu hay chính quyền đô thị gì đó, thì cái chính mà TP.HCM cần, đó là Thành phố được đồng ý chủ động có các cơ chế chính sách việc làm mang tính bứt phá đột phá nhằm tạo ra các thay đổi lớn về tư duy lãnh đạo điều hành, tạo ra động cơ bền vững nhằm huy động các nguồn lực đủ lớn để xây dựng phát triển Thành phố.

Người ta ưa nói những thay đổi mạnh mẽ về thể chế, về quy trình thủ tục hành chính, về các mối quan hệ trên – dưới, về vận dụng luật “linh động” hơn, tự chủ nhiều hơn… Nhiều lắm, phải nhận dạng cho được tồn tại lâu nay, những cái nào là chính, giải quyết đột phá từ khâu nào, lĩnh vực gì?

Việt Nam đã sẵn sàng cho sự bứt phá này của TP.HCM hay chưa? Câu trả lời không khó lắm. Thành phố đang là đầu tàu kinh tế cả nước, sự bứt phá dẫn đến thành công ngoạn mục của Thành phố cũng chính là thành công và niềm tự hào chung của 63 tỉnh thành cả nước, thậm chí lan tỏa khu vực và thế giới vì cái tên TP.HCM hay Sài Gòn trước đây không hề xa lạ.

Thể hiện rõ nhất cho sự sẵn sàng chính là văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12, là hai Nghị quyết 20 và 16 của Bộ Chính trị, và cụ thể hơn chính là việc phân công ông Đinh La Thăng vào vị trì Bí thư Thành ủy.

Khó khăn ở đây là những lực cản sức ỳ về mặt tư tưởng, về tư duy lẫn thói quen cách làm bao cấp trì trệ vẫn còn tồn tại.TPHCM phải có cách làm, nhiều khi phải thuyết phục, sao cho các Bộ, ngành Trung ương thấy không “qua mặt”, sao cho các địa phương khác thấy không bị thiệt hại, thậm chí còn được nhiều mối lợi, khi TPHCM bứt phá.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ công chức Thành phố phải thực sự tài giỏi toàn tâm toàn ý vì lợi ích người dân và vì sự phát triển ổn định của Thành phố, sớm tỉnh giấc ngủ dài chờ chỉ đạo chờ vốn.

Thứ ba, dứt khoát không còn dấu hiệu lợi ích nhóm, phe phái thân quen, cát cứ vùng miền, các đối xử phân biệt mơ hồ lỗi thời… để có thể tập hợp ý chí sức mạnh tổng lực tiềm tàng trong dân.

Thư tư, vấn đề sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả của Thành phố trong các dự án đầu tư công hoặc dự án PPP, BOT, BT.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/tphcm-thanh-dac-khu-nhu-thuong-hai-cai-kho-cua-ong-thang-3304455/