TP HCM: Món bánh đặc biệt chỉ bán dịp Tết Nguyên đán

Từ ngày 22 tháng Chạp trở đi, đường Phùng Hưng (quận 5, TP HCM) nhộn nhịp với chuỗi các sạp rực rỡ sắc màu bánh tài lộc.

Mọi người tụ tập về đây dựng sạp mỗi năm một lần để bày bán các loại bánh đặc trưng của người Hoa trong Tết Nguyên đán như bánh tổ, bánh mè... và đặc biệt là bánh lựu (bánh tài lộc). Người dân xếp hàng chờ mua tại một sạp bánh lựu, bánh tổ nằm trong chợ Thiếc (quận 11, TP HCM). Bánh sẽ được bán theo ký có giá 280.000 đồng/ký

Bánh tài lộc có nguồn gốc từ Quảng Châu (Trung Quốc), thường được mọi người mua về cúng ông Táo, cúng giao thừa và chưng hết một mùa Tết Nguyên đán. Bánh này có một cái tên rất phổ biến khác là bánh lựu, xuất phát từ hình dáng giống như trái lựu.

Bánh tài lộc còn được gọi là bánh túi tiền, bánh "chính túi" (theo tiếng Hoa là "kim đại", có nghĩa là chiếc túi đựng vàng) vì hình dáng của nó cũng giống một chiếc túi vải chứa đầy tiền, vàng. Do đó, bánh tài lộc còn được người Hoa cúng để mong cầu tiền tài, phước lộc đến với gia đình trong năm mới.

"Bắt đầu từ 21, 22 Âm lịch là bán loại bánh này đến hết ngày 30 Tết, chỉ bán vào những ngày này thôi. Bánh này chuyên dùng cúng Thần Tài, Thổ Địa, ông bà Tổ tiên dịp Tết Nguyên đán. Sạp bánh tôi có các loại bánh là bánh lựu, bánh tổ hấp. Bánh lựu có nhân là đậu phộng trộn cùng cốm và kẹo mạch nha, loại bánh này có rất nhiều kích cỡ từ nhỏ đến to. Mỗi chiếc bánh lựu, bánh tổ đều viết chữ Tài, chữ Lộc, chữ Phúc... với mong muốn một năm mới nhiều điều tốt lành" - anh Minh (ngụ quận 5) là thợ làm bánh lựu, cho biết.

Bánh lựu có nhân là đậu phộng trộn cùng cốm và kẹo mạch nha.

"Lúc đầu làm nhân trước, nhân gồm đậu phộng trộn cùng cốm và kẹo mạch nha, đợi nhân khô lại thì làm lớp vỏ và trang trí, sau cùng là chiên. Bánh này có lớp vỏ được làm từ bột mì, chiên lên khá cứng và không ăn được, cúng xong thì cắt bánh ra và ăn nhân ở trong. Tôi làm cả ngày, từ giờ tới 30 Tết. Bán từ ngày 22 âm lịch đến 30 Tết, ngày nào cũng bán xuyên đêm mới kịp" - người thợ làm bánh 45 năm chia sẻ.

Phổ biến không kém chính là món bánh tổ có màu vàng ươm, nhìn vào y hệt như một đồng xu khổng lồ. Sở dĩ món bánh tổ có hình dáng "mướt mắt" như vậy nhờ được làm từ bột nếp mịn pha với đường mật, trên có in chữ đỏ rồi hấp chín. Những ngày giáp Tết hay trong Tết, không khó để bắt gặp những chiếc bánh tổ vàng cam được bày bán. Bánh tổ thường để được rất lâu, có thể nửa tháng tới một tháng. Có thể ăn ngay hoặc ngon nhất là khi chiên với trứng gà.

Cạnh món bánh lựu và bánh tổ, những bánh đào làm từ đường cũng được bày bán có giá từ 30.000 đồng đến 250.000 đồng. Bánh đào này được người Hoa dùng để cúng giao thừa.

Mọi năm, những ngày cận Tết là thời điểm đông người đến các khu chợ người Hoa để mua bánh, nhiều gia đình còn mua hẳn vài cân bánh để dùng dần xuyên suốt cho đến rằm tháng Giêng. Những món bánh này được xem như một thứ quà mời khách đến nhà thay cho lời chúc bình an đầu năm.

Quỳnh Trâm - Hoàng Yến -

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-mon-banh-dac-biet-chi-ban-dip-tet-nguyen-dan-196240204171309322.htm