TP.HCM không làm trung tâm hành chính vì bài học Đà Nẵng

Chính quyền TP.HCM cân nhắc việc dừng dự án xây dựng trung tâm hành chính bởi quá tốn kém thay vào đó sẽ sử dụng hệ thống một cửa điện tử.

UBND TPHCM mới đây đã đề nghị Thường trực Thành ủy TPHCM cân nhắc việc dừng triển khai dự án xây dựng TTHC tập trung (đang hoàn thiện giai đoạn 1).

Theo lý giải của Sở Nội vụ TPHCM, qua chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm TTHC công tại Quảng Ninh và Đà Nẵng, UBND TPHCM thấy rằng, 2 TTHC đã giúp chính quyền hai địa phương này nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp nhưng cũng tốn kém không ít tiền ngân sách.

Phối cảnh tòa nhà làm việc của UBND TP.HCM mặt tiền đường Lê Thánh Tôn

Ví như tại Đà Nẵng với quy mô 17 tầng, 25.000 m2 sàn xây dựng đáp ứng 1.400 cán bộ nhân viên cần vốn 2.100 tỷ đồng nhưng mất khoản tiền lớn để duy trì vận hành hoạt động của bộ máy lớn lên tới 10 tỷ đồng.

Để xây dựng TTHC tập trung đủ diện tích cho 6.000 cán bộ nhân viên làm việc (tối thiểu 48.000 mét vuông diện tích phòng làm việc - bình quân 8 mét vuông/người - chưa tính phòng họp, chỗ đậu xe...), cần hàng ngàn tỉ đồng vốn đầu tư và phí vận hành.

Trong khi Trung ương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách của TPHCM từ 23% xuống chỉ còn 18% khiến nguồn vốn đầu tư cho TTHC tập trung sẽ gặp khó. Điều này đương nhiên ảnh hưởng lớn tới nguồn ngân sách của Thành phố.

Thêm nữa, việc tập trung toàn bộ bộ máy của chính quyền thành phố vào một tòa nhà, một khu vực thì vấn đề an ninh, an toàn cũng là một thách thức. Theo các nguyên tắc rủi ro tập trung trong kinh tế, đây là điều hết sức nguy hiểm và đối với chính trị, điều này càng được cẩn trọng hơn.

Chưa kể, Sở Nội vụ TPHCM còn cho hay, năm 2015, TTHC tập trung của Đà Nẵng giải quyết chưa đến 150.000 bộ hồ sơ hành chính mà hiện tượng quá tải giao thông tại khu vực đặt TTHC đã xảy ra. Với số lượng giải quyết mỗi năm cả chục triệu bộ hồ sơ như TPHCM (năm 2015 gần 10 triệu bộ hồ sơ), nếu xây dựng TTHC tập trung, thì việc giải bài toán ách tắc giao thông cho khu vực quả là quá khó.

Hiện trạng khu vực đang được xây dựng trung tâm hành chính TP.HCM. Nhà thầu đang thi công phần ngầm.

Nhằm đáp ứng các nhu cầu phục vụ công ngày càng lớn, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, các sở, ban ngành cần tìm giải pháp điện tử để đáp ứng tốt hơn.

Sở Nội vụ TPHCM cho biết, để phục vụ tốt nhất có thể cho người dân, chính quyền TPHCM đang triển khai chương trình một cửa liên thông điện tử kèm dịch vụ công trực tuyến tại từng sở, ngành. Theo đó, mỗi lĩnh vực (như đô thị, kinh tế, giáo dục...) sẽ có một sở tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả (sở đó phải liên thông với các đơn vị khác, không để người dân, doanh nghiệp cầm hồ sơ đi đến từng nơi).

Trước mắt, thành phố đã chọn Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường (phục trách bốn lĩnh vực nhạy cảm, bức xúc nhất) để triển khai liên thông điện tử trước.

Sở Xây dựng cho biết sở này đang xây dựng trung tâm tiếp nhận và giải quyết tất cả các hồ sơ liên quan đến cấp giấy phép xây dựng trên toàn thành phố. (Trung tâm này sẽ liên thông điện tử với tất cả các quận, huyện, sở ngành khác để xử lý tất cả các vấn đề về cấp phép xây dựng).

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc chính quyền TPHCM cân nhắc dừng dự án TTHC tập trung tại trung tâm quận 1 hiện nay là hợp lý (vì vị trí này không thích hợp).

Ông ủng hộ việc tiến tới xây dựng một chính quyền điện tử để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, theo ông, công việc đó đòi hỏi phải có thời gian, trong khi một TTHC tập trung cho TPHCM hiện nay là rất cần thiết. Vì thực tế trụ sở làm việc của các sở, ngành hiện nay đã quá tải, cải tạo lắt nhắt còn tốn hơn...

KTS. Ngô Viết Nam Sơn đề xuất chuyển dự án TTHC tập trung tại quận 1 hiện nay sang khu vực Thủ Thiêm để giảm chi phí đầu tư (đất rẻ hơn); đồng thời quy hoạch lại TTHC sẽ gồm một số tòa nhà xen kẽ trong một khu vực (chứ không phải trong một khu đất) có thương mại, dịch vụ ăn uống, khách sạn... (miễn đáp ứng được yêu cầu cán bộ nhân viên các sở ban ngành có thể đi bộ để gặp nhau, trao đổi công việc) và tất cả các tuyến metro đều phải kết nối với khu vực này để giải quyết bài toán giao thông.

Lược theo TBKTSG

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-khong-lam-trung-tam-hanh-chinh-vi-bai-hoc-da-nang-3324328/