TP.HCM: Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà máy giết mổ gia súc tập trung

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) vừa yêu cầu các sở ngành, đơn vị liên quan có giải pháp hỗ trợ để các chủ đầu tư nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp nâng công suất hoạt động.

Theo đó, đối với nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, UBND TP.HCM giao các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Xây dựng, UBND huyện Củ Chi (nơi đặt trụ sở hoạt động) có ý kiến để hoàn thiện các hạng mục về thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật, dây chuyền, quy trình kiểm soát giết mổ công nghiệp, nghiệm thu các hạng mục công trình hoàn thành bàn giao…

Đối với nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (huyện Củ Chi), UBND TP.HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) xem xét, giải quyết kiến nghị liên quan đến việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất còn lại của dự án.

Trong khi đó, đối với dự án nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn được hoạt động nhà xưởng số 1 để tiếp nhận số lượng heo (khoảng 1.500 con) giết mổ thủ công chuyển tiếp từ nhà xưởng số 2 trong thời gian công ty này khắc phục, hoàn chỉnh đảm bảo tính đồng bộ của dây chuyền giết mổ công nghiệp

Từ năm 2023 công suất các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp tại TP.HCM sẽ đạt từ 80 - 100%. Ảnh:Chinhphu.vn

Trước đó UBND TP.HCM yêu cầu các sở ngành, đơn vị, quận huyện tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trên địa bàn. UBND Thành phố chỉ đạo Sở NNPTNT đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án, nhằm nâng dần công suất giết mổ công nghiệp, đảm bảo từ năm 2023 các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp phải hoạt động đạt từ 80 - 100% công suất theo thiết kế. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh, giết mổ động vật trái phép trên địa bàn quản lý.

UBND Thành phố chỉ đạo Ban Quản lý An toàn thực phẩm tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, cơ sở sản xuất, cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật về quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu nhập, bao bì, tem nhãn và điều kiện hoạt động của cơ sở; Sở Y tế thường xuyên giám sát phát hiện sớm những trường hợp nhiễm, nghi nhiễm bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh truyền qua thực phẩm có nguồn gốc động vật, chủ động giám sát tại cộng đồng.

Theo báo cáo của Sở NTPTNT TP.HCM, hiện trên địa bàn Thành phố có 5 công ty đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp tập trung. Cụ thể, Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn xây dựng nhà máy quy mô 2 nhà xưởng với công suất giết mổ 4.000 con/ngày. Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ đầu tư nhà máy với 6 dây chuyền, công suất giết mổ gia súc 3.240 con/ngày, chủ yếu tiếp nhận toàn bộ lượng heo từ Cơ sở Xuyên Á (khoảng 1.500 con) chuyển về. Nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV có 1 dây chuyền với công suất giết mổ thiết kế 240 con/giờ. Hiện nay nhà máy đang thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500

Nhà máy của Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) có 3 dây chuyền giết mổ heo công nghiệp với công suất 360 con/giờ đáp ứng nhu cầu giết mổ từ 1.500 - 1.800 con/ngày và 2 dây chuyền với công suất 60 con/giờ đáp ứng nhu cầu giết mổ khoảng 210 con/ngày. Hiện tại, Công ty này đang giết mổ gia súc với công suất giết mổ bình quân khoảng 470 con/ngày. Trong khi đó, Công ty TNHH Thực phẩm Lộc An đầu tư nhà máy giết mổ có 4 dây chuyền với công suất thiết kế là 120 con/chuyền/giờ (2.000 con/ngày). Hiện tại, Công ty này đang hoạt động giết mổ gia súc công nghiệp có công suất khoảng 800 con/ngày.

Chấm dứt giết mổ gia súc tại cơ sở thủ công

Từ ngày 31/3/2023 TP.HCM chấm dứt giết mổ gia súc, gia cầm tại cơ sở thủ công, chuyển sang nhà máy công nghiệp đối với 8 cơ sở giết mổ gia súc thủ công gồm Trung tâm Bình Tân (quận Bình Tân), Phước Kiển (huyện Nhà Bè), Tân Phú Trung, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông, Xuyên Á (huyện Củ Chi) và khu vực giết mổ thủ công của Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn).

Các chủ cơ sở này cũng đã ký cam kết việc ngưng nhập động vật và ngưng hoạt động giết mổ tại cơ sở sau ngày 31/3. Các đơn vị chức năng của TP.HCM đã và đang tăng cường kiểm tra, chốt chặn, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh, giết mổ động vật trái phép, nhất là các khu vực giáp ranh, khu vực có cơ sở giết mổ gia súc thủ công sau khi hết thời gian gia hạn hoạt động theo quy định.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-ho-tro-doanh-nghiep-dau-tu-nha-may-giet-mo-gia-suc-tap-trung-154462.html