TP.HCM: Hàng tết tăng mạnh, giá không tăng

Sản lượng hàng hóa chuẩn bị để phục vụ cho dịp mua sắm Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp tới tại TP.HCM sẽ tăng từ 15%-35%, giá cả không biến động so với năm ngoái.

Nguồn cung dồi dào, giá không tăng

Đó là nhận định của bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM bên lề hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP.HCM với các tỉnh thành năm 2016 tổ chức tại TP.HCM vào sáng 25/11. Theo bà Trang, sản lượng hàng hóa tăng nhưng nhìn chung giá cả vẫn giữ mức ổn định so với năm ngoái.

Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cho biết, năm nay tết dương lịch và tết Nguyên đán sát nhau nên dự báo nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm. Bên cạnh công tác chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, ổn định giá cả thì các cơ quan chức năng trong còn tăng cường kiểm tra thực tế để kịp tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.

Các DN tại TP.HCM đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp tới

Hiện đã có nhiều doanh nghiệp (DN), hệ thống phân phối tham gia chương trình bình ổn thị trường lên kế hoạch chuẩn bị hàng phục vụ dịp tết nguyên đán sắp tới.

Đơn cử như Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) chuẩn bị nguồn hàng trị giá 1.405 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường chiếm 527 tỷ đồng. Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) có 105.000 tấn hàng hóa với hơn 3.000 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường chiếm 938 tỷ đồng. Các DN khác như Vissan, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt… cũng chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, đảm bảo giá cả ổn định.

Theo Sở Công thương TP.HCM, dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng mứt, bánh kẹo trên địa bàn lên tới 18.000 tấn, sản lượng tăng từ 10%-20%. Bia và nước giải khát dự báo tiêu thụ lần lượt là 40 và 45 triệu lít, tăng 30% so với tháng bình thường. Các nhà máy bia cam kết sẽ không tăng giá dịp tết và Sở Công thương sẽ theo dõi sát sao các mặt hàng tiêu thụ mạnh này.

Gần 1.000 DN tham gia kết nối cung - cầu

Chương trình kết nối cung – cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm nay ghi nhận có 954 DN tham gia. Trong đó có 631 DN sản xuất; 313 DN tiêu thụ đến từ miền Bắc, Trung và các tỉnh Trung và Đông – Tây Nam bộ; 10 ngân hàng tham gia tài trợ vốn.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, từ năm 2012 đến nay, chương trình thường niên này ghi nhận 1.349 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết, giao thương hai chiều đạt 22.132 tỷ đồng.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế như thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chưa được một số địa phương chú trọng; sản phẩm thế mạnh nhưng do DN quy mô nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công chưa đáp ứng được tiêu chí mẫu mã, bao bì, chứng nhận an toàn thực phẩm…

Từ năm 2012 đến nay có 187 hợp đồng nguyên tắc không thực hiện được vì DN nhỏ không đáp ứng nhu cầu hệ thống phân phối và tiêu thụ, có những sản phẩm mang tính chất thời vụ nên không duy trì được hợp đồng lâu dài.

Ngoài ra DN còn gặp khó vì tiêu chí, quy định ràng buộc hàng hóa cung ứng đưa vào hệ thống siêu thị, phân phối, trung tâm thương mại lớn…

Phương Anh Linh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tphcm-hang-tet-tang-manh-gia-khong-tang-post214589.info