TP.HCM: Đường cát nhuộm màu tràn ngập các chợ

Tình trạng đường nhuộm hóa chất độc hại vẫn bày bán tràn lan tại TP.HCM, bất chấp sự nguy hại đến sức khỏe của người dùng. Làm sao để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng? Lời giải thuộc về các cơ quan chức năng.

Đường “nhuộm” độc hại tràn lan

Vừa qua, người tiêu dùng một phen giật mình khi báo chí đưa thông tin về sản phẩm đường phèn Xuân Hồng được bán trong các hệ thống siêu thị Co.op Mart được chủ công ty này mua lại từ một công ty đường khác, mà nơi sản xuất nằm cạnh bãi rác Phước Hiệp, Củ Chi. Số lượng “đặt hàng” mỗi tháng từ 15-20 tấn với giá… bèo nhưng sau khi được “thay áo” Xuân Hồng, có logo hàng Việt Nam chất lượng cao và đưa vào siêu thị Co.op Mart thì giá hơn 40 ngàn đồng/kg. Tại TP.HCM, ngoài thủ thuật “thay áo” cho đường, nhiều chủ sạp, chủ kinh doanh còn dùng chiêu nhuộm màu đường để bán cho người tiêu dùng. Những loại đường độc hại này được bày bán tràn lan tại chợ Bình Tây, đường Chu Văn An, chợ Xóm Vôi, đường Phan Văn Khỏe… thuộc quận 6 TP.HCM, và một số tỉnh thành khác. Có một thực tế là khi hỏi nguồn gốc của đường cát vàng, đa phần các tiểu thương đều… lắc đầu!?

Nhiều loại đường đủ màu sắc được bày bán tại chợ Bình Tây. Ảnh Cao Tuấn

Chiều 23/11, trong vai người có nhu cầu mua đường cát vàng với số lượng lớn, phóng viên (PV) đã có mặt tại khu bán sỉ đường trên đường Phan Văn Khỏe hỏi mua hàng, thấy “khách lạ”, nhiều tiểu thương vừa nhìn vừa hỏi với ánh mắt dè chừng. “Mua đường hả em? Muốn loại nào cũng có, bao nhiêu cũng có!” - một tiểu thương tên K. lên tiếng. “Đường này thường dùng làm gì vậy chị?” - PV hỏi. “Nấu chè hay làm gì cũng được em ạ, đường ngon và tiết kiệm lắm!”. “Vậy em muốn mua số lượng lớn để mở quán chè, giá cả sao?”, “240 ngàn đồng/ cây (12 kg) không bán lẻ! Đường chị bán bao ngon, an toàn!”. “Đường có màu thế này mình tự “sản xuất” hay sao mà em tìm ngoài thị trường không có chị nhỉ? Loại này đã kiểm định chưa?”.

Nghe hỏi vậy, chị này không trả lời mà chuyển sang chuyện khác: “Ở đây chị buôn bán mấy chục năm cũng xài loại này, chưa thấy ai bị sao cả! Em không mua thì đi chỗ khác, chị bỏ mối nhiều lắm”.

Tại đây không bán lẻ mà bán theo cây đường (loại 12kg) không bao bì nhãn mác, những hạt đường đủ màu sắc vàng, vàng chanh, đen, nổi lên màu óng ánh và luôn trong tình trạng ẩm ướt chứ không khô như các loại đường được bán trong những nhà máy, siêu thị… Ngoài sạp đường của K., nhiều sạp khác cũng bán đường tương tự, màu sắc óng ánh rất bắt mắt.

Cận cảnh hoạt động mua bán đường màu tại chợ Bình Tây. Ảnh: Cao Tuấn

Làm quen với một công nhân bốc vác tại đường Chu Văn An, quận 6, chúng tôi được anh này cho biết công đoạn “pha màu” hết sức đơn giản: Sau khi mua đường cát trắng thành phẩm từ các nhà máy, mỗi cơ sở kinh doanh lấy phẩm màu mua trôi nổi trên thị trường pha với nước lã, tạo thành hỗn hợp để phun vào đường cát trắng. Tiếp đó, họ dùng máy trộn đều. Muốn các màu khác nhau, thì quy trình như nhau, chỉ việc thay đổi màu thôi. Tuy nhiên, những chiếc thùng đựng màu để làm đẹp cho đường và những chiếc máng dùng để trộn đường, đều rất bẩn…

Anh này còn cho biết thêm, bình quân mỗi tấn đường sau khi pha trộn, cơ sở lời từ 2-3 triệu đồng. Theo ước tính, sau khi trộn xong, trọng lượng của 50 kg đường trước đó sẽ tăng thêm 5 kg. Theo giá hiện nay, thì sau khoảng 10 phút, chủ cơ sở đã thu được 5 kg, tương đương với 125 ngàn đồng. Mỗi ngày cơ sở này “phù phép” cả tấn đường, và dĩ nhiên, con số lợi nhuận là rất lớn. Anh này khẳng định: “Anh muốn mua bao nhiêu cũng có”. Khu vực này từ lâu đã “hô biến” đường cát trắng tinh thành đường hóa chất độc hại, rồi tuồn đi bỏ mối cho nhiều đại lý tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Tây.

Kinh doanh bất chấp sức khỏe người tiêu dùng

Chúng tôi tới nơi bán hóa chất để “làm đẹp” đường tại chợ Kim Biên. Có hai loại hóa chất để tẩy trắng đường ở dạng bột và dạng nước. Dạng bột có mùi hôi, giá bán từ 30.000-40.000 đồng/kg, dạng nước từ 50.000-60.000 đồng/kg. Còn các phẩm màu (màu vàng chanh, xanh, vàng, màu đỏ tổng hợp, màu đỏ son) để nhuộm đường, giá dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg.

Đường có màu vàng óng ánh rất đẹp. Ảnh Cao Tuấn

Theo nhiều chuyên gia thực phẩm, hiện nay trên thị trường, các loại đường nhiều màu sắc được người tiêu dùng ưa thích và sử dụng mạnh. Đường cát màu kem, vàng được người tiêu dùng (nhất là dân tại vùng nông thôn) ưa thích và sử dụng rất nhiều vì cho rằng đường chưa được tẩy trắng nên ít độc hại, vả lại, nó có độ ngọt “đậm đà” hơn so với đường cát trắng do các nhà máy lớn sản xuất. Từ đó, nhiều chủ sạp đã nghĩ ra cách để làm thay đổi màu của đường.

Về cách nhận biết đường có chứa axít photphoric, nhiều chuyên gia cho biết, quá trình vàng hóa của đường trắng sang đường vàng khi sử dụng axít photphoric là sự thủy phân phần trên bề mặt tinh thể đường. Màu đường lúc này sẽ hơi vàng, có sự óng ánh rất bắt mắt. Vì vậy, khi mua, người tiêu dùng không nên chọn hạt đường có màu vàng sáng óng ánh, bởi nguy cơ loại này đã bị nhuộm màu. Đường tốt có hương vị mật mía, thơm, hơi đục, chứ không trong veo, óng ánh. Khi pha nước, loại đường có axít độc hại, không có mùi thơm mà khét. Còn loại đường nhuộm màu sẽ có mùi hăng hắc, luôn trong tình trạng ẩm ướt và tan chảy do bị phun nước, khi ngâm vào nước, lớp màu nhuộm bên ngoài sẽ nhanh chóng tan ra, để lại hạt đường. Cũng có thể để đường ở ngoài nắng, nếu thấy đường óng ánh một cách bất thường, có nghĩa là đường có chứa nhiều axít photphoric. Còn đường được xử lý, loại bỏ hết dung lượng hóa chất, thì thường không óng ánh.

Tình trạng nhiều sạp bán đường nhuộm hóa chất độc hại vẫn còn tràn lan tại TP.HCM, bất chấp sự nguy hại đến sức khỏe của người dùng. Làm sao để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng? Lời giải thuộc về các cơ quan chức năng. Để tránh nguy hại cho sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng không nên chọn những sản phẩm không có nguồn gốc, mà nên sử dụng những loại đường có nhãn mác, với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để an tâm về chất lượng.

Cao Tuấn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tphcm-duong-cat-nhuom-mau-tran-ngap-cac-cho-d50529.html