TP.HCM: Bệnh viện Nhân dân 115 lập trung tâm phát triển trí tuệ nhân tạo

Ngoài việc đào tạo, huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật y tế chuyên sâu cho các cơ sở y tế khác, trung tâm còn là nơi phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo có giá trị.

Sáng 20.7, Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) chính thức được đưa vào hoạt động. Đây là nơi đẩy mạnh các hoạt động phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực sức khỏe, các sản phẩm về khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) có giá trị, ứng dụng AI trong nghiên cứu, phát triển, quản lý cơ sở dữ liệu; nghiên cứu các phần mềm ứng dụng của bệnh viện để phục vụ người bệnh; tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu trong và ngoài nước; đào tạo, huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật y tế chuyên sâu cho các cơ sở y tế khác góp phần kết nối phát triển mạng lưới y tế vùng, y tế khu vực; tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học chuyên sâu mang tầm quốc tế.

Lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện nhân dân 115 và các đơn vị trong buổi lễ khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) - Ảnh: PV

TS.BS Vũ Đình Thắng – Trưởng Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết hiện nay, Trung tâm nghiên cứu và phát triển (gọi tắt R&D) gần như chưa có ở các bệnh viện công. Ở các nơi khác chỉ có nghiên cứu và đào tạo, chứ chưa có nghiên cứu và phát triển.

“R&D được hiểu đúng nghĩa là sự nỗ lực không ngừng để cải thiện sản phẩm và dịch vụ, thường do các nhà khoa học có tay nghề cao thực hiện. Tóm lại, R&D là nghiên cứu tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, hoặc cải tiến quy trình, dịch vụ hiện có để phục vụ cho nhu cầu khách hàng và thị trường. Lợi ích của R&D là tạo ra sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm hiện có, cải tiến quy trình, tăng khả năng ứng phó với những thay đổi, tăng tính sáng tạo, tăng khả năng thu hút tài năng và tối ưu hóa tài nguyên hiện có cũng như xây dựng thương hiệu”, bác sĩ Thắng chia sẻ.

Các mô hình tự động tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: PV

Phân tích của bác sĩ Thắng cho thấy, R&D tiêu biểu gồm: nghiên cứu cơ bản và giúp nhiều vấn đề cơ bản nhưng ít ứng dụng; nghiên cứu ứng dụng; phát triển tạo ra những sản phẩm tốt. Các mảng công việc của R&D là nghiên cứu phát triển: sản phẩm, bao bì, công nghệ và nghiên cứu phát triển quá trình.

“Bệnh viện Nhân dân 115 luôn xem R&D là nền tảng cho sự phát triển bền vững, nơi cung cấp nguồn lực chất lượng cho bệnh viện về con người, chất xám, cuộc cách mạng trong tư duy và hành động, đặc biệt là lực lượng tiên phong của nền y học 4.0 trong khu vực và quốc tế”, bác sĩ Thắng nhấn mạnh.

Các bác sĩ thực hiện đặt nội khí quản trên mô hình tự động - Ảnh: PV

Theo TS.BS Phan Văn Báu – Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, lợi ích lớn nhất mà Trung tâm nghiên cứu và phát triển mang lại chính là nghiên cứu robot, truyền thông sức khỏe; cung cấp nguồn để phục vụ cho việc nghiên cứu học tập; ứng dụng AI…

“Với AI, rất đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng. Trước đây, những trường hợp bị đột quỵ qua 6 giờ là không thể can thiệp, nếu can thiệp thì cũng tử vong hoặc tàn phế, nhưng từ khi ứng dụng phần mềm AI RAPID cho phép can thiệp đến 24 giờ. Sau khi sử dụng phần mềm này có đến 50% người đột quỵ được cứu sống sau 6 đến 24 giờ”, bác sĩ Báu nói.

Bác sĩ Báu cho biết thêm, có những chuyên khoa bác sĩ chẩn đoán chỉ chính xác 92%, nhưng có thêm AI thì mức độ chính xác lên đến 98%.

“Trung tâm nghiên cứu và phát triển này sẽ là nguồn dự trữ số liệu (Big data), xử lý số liệu và đặc biệt là nơi để phát triển AI”, bác sĩ Báu nhấn mạnh.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-benh-vien-nhan-dan-115-lap-trung-tam-phat-trien-tri-tue-nhan-tao-202409.html