TP.HCM: 4 cách để phát hiện người nhiễm COVID-19

Công an TP.HCM sẽ mở cao điểm phòng chống nhập cảnh trái phép, dự kiến triển khai từ ngày 1-1 đến tháng 4-2022.

Chiều 20-12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch trên địa bàn.

Đề xuất hỗ trợ tình nguyện viên hơn 4,4 triệu đồng/tháng

Tại buổi họp báo, trả lời về câu hỏi hiện nay TP.HCM phát hiện người nhiễm COVID-19 như thế nào, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đã đưa ra bốn cách chính để phát hiện F0.

Cách thứ nhất là người dân tự xét nghiệm khi xuất hiện triệu chứng như ho, sốt hoặc có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh. “Nếu kết quả dương tính thì thông báo cho lực lượng y tế địa phương” - ông Tâm nói.

Cách thứ hai là xét nghiệm sàng lọc người có nguy cơ và nghi ngờ tại các bệnh viện, cơ sở y tế.

Cách thứ ba là khi phát hiện trường hợp F1, cơ quan y tế sẽ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và ghi nhận người có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Cách cuối cùng là người dân được phát hiện dương tính thông qua tầm soát định kỳ tại các địa điểm có nguy cơ cao. Những F0 cộng đồng cũng được phát hiện thông qua xét nghiệm ngẫu nhiên ở nhiều cơ quan, xí nghiệp, nơi tập trung đông người.

Trả lời câu hỏi liên quan đến chế độ phụ cấp cho các tình nguyện viên tham gia chống dịch, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo quy định hiện hành, nhóm này được chi theo diện hỗ trợ một phần kinh phí liên quan phụ cấp chống dịch với số tiền 250.000 đồng/người/ngày.

Vừa rồi, Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất mức 4.420.000 đồng/người/tháng, tương đương mức lương tối thiểu vùng và được các sở, ban, ngành đồng tình. Tuy nhiên, bà Mai cho biết theo Nghị định 163, chế độ tiền lương phụ cấp phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB&XH quản lý ngành. Do vậy, UBND TP.HCM đã gửi văn bản lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan.

Theo quy trình, đề xuất của Sở Y tế phải được HĐND TP thông qua, sau đó có văn bản xin ý kiến đồng thuận từ các bộ nói trên.

Phát hiện 34 F0 sau một tuần thí điểm dạy học trực tiếp

Thông tin tại buổi họp báo, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng chính trị - tư tưởng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết sau bảy ngày thí điểm dạy học trực tiếp lớp 9 và lớp 12, TP.HCM đã phát hiện 34 F0, gồm bốn giáo viên, ba nhân viên của cơ sở giáo dục và 27 học sinh.

“Các trường hợp F0 xuất hiện đều nằm trong dự kiến của nhà trường và đã được các cơ sở giáo dục xử lý an toàn theo kịch bản. Việc dạy và học ở những lớp có F0 vẫn được tiến hành bình thường” - ông Trọng nói.

Trả lời câu hỏi về việc dạy học trực tiếp ở quận 10 thay đổi ra sao khi địa phương này tăng cấp độ dịch từ cấp 2 lên 3, ông Trọng cho biết việc dạy học trực tiếp sẽ thay đổi theo cấp độ dịch của một địa phương cấp huyện hay cả TP.HCM. “Việc này cũng đã có trong kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp trở lại của các cơ sở giáo dục cũng như TP” - ông Trọng nói.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo đó, Sở GD&ĐT đã có Văn bản 3427 ngày 1-12 hướng dẫn thực hiện Quyết định 3900 của Bộ Y tế, quy định với những cấp độ dịch thì sẽ có hình thức tương ứng dạy học trực tiếp, từ số tiết môn đến từng cấp bậc học.

“Khi có sự thay đổi cấp độ dịch, các cơ sở giáo dục sẽ căn cứ theo hướng dẫn để áp dụng linh hoạt, để vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo chuyên môn dạy học” - ông Trọng nói.

Tại buổi họp báo, PV cũng đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề một số phụ huynh tự xét nghiệm nhanh cho học sinh trước khi đến trường và đã phát hiện vài trường hợp dương tính, Sở GD&ĐT có khuyến khích không?

Trả lời câu hỏi này, ông Trọng cho biết: Hiện nay, một trong những cách xác định F0 là người dân tự xét nghiệm khi có triệu chứng hoặc có yếu tố dịch tễ. “Nếu gia đình có điều kiện có thể tự xét nghiệm cho học sinh, phát hiện sớm F0, không cho các em di chuyển đến trường, hạn chế việc tiếp xúc với những em khác là rất tốt” - ông Trọng nói.

Mở đợt cao điểm chống nhập cảnh trái phép

Trả lời câu hỏi về tình hình nhập cảnh trái phép hai tháng qua, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM, cho biết từ ngày 1-10 đến nay, Công an TP.HCM phát hiện và xử lý bảy trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép (sáu người quốc tịch Trung Quốc và một người Nigeria). Trong đó có một người nhập cảnh qua đường Campuchia vào Việt Nam và đến TP.HCM. Tất cả đều có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Để phòng chống dịch COVID-19 và biến thể mới Omicron, ông Lê Mạnh Hà cho biết Công an TP.HCM đã áp dụng các biện pháp mà cơ quan y tế đã hướng dẫn. Các phòng nghiệp vụ đều xác minh, làm rõ các trường hợp nhập cảnh; phối hợp với cơ quan y tế xét nghiệm COVID-19; cách ly tại huyện Nhà Bè (dành cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép), sau đó kiểm soát theo quy định.

Hiện Công an TP.HCM đang mở cao điểm phòng chống nhập cảnh trái phép, dự kiến triển khai từ ngày 1-1 đến tháng 4-2022, tăng cường phối hợp với các đơn vị công an có biên giới, quản lý chặt chẽ người nước ngoài đến TP.HCM.

Bên cạnh đó, Công an TP.HCM cũng tăng cường kiểm tra, quản lý cư trú, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép và yêu cầu các biện pháp về y tế theo đúng quy định.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng chính trị - tư tưởng Sở GD&ĐT TP.HCM, trong hướng dẫn xử lý F0 là học sinh, Sở Y tế có chia ra F0 tại trường học và F0 tại nhà. Tất cả trường hợp này đều nằm trong kịch bản ứng phó của các trường. “Học sinh mắc COVID-19 ở trường xử lý ra sao, mắc ở nhà có khác gì không, các trường đều đã có phương án xử lý riêng” - ông Trọng khẳng định và cho biết trong quá trình thực hiện dạy học trực tiếp đã xảy ra những trường hợp như vậy.

TÁ LÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/tphcm-4-cach-de-phat-hien-nguoi-nhiem-covid19-1034731.html