Tổng thống Putin tự tin dầu khí khi châu Âu rét mướt

Các đường ống khí đốt của Nga bắt đầu được vận hành làm gia tăng các ảnh hưởng của Nga trên thế giới, nhất là khi châu Âu giá rét kỷ lục.

Hôm 18/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dự trực tuyến lễ khai trương đường ống dẫn dầu "Bắc Cực-Purpe, "Kuyumba-Taishet" và đường ống dẫn khí đốt "Bovanenkovo-Ukhta-2" và bày tỏ niềm tin vào ngành công nghiệp then chốt này.

"Khai trương các tuyến này nâng cao đáng kể tiềm năng ngành công nghiệp dầu khí của Nga, mang lại lợi ích thiết thực cho toàn bộ nền kinh tế Nga. Đây là thực tế tuyệt đối. Và điều này rất quan trọng, sẽ thúc đẩy sự phát triển tại các khu vực Nga" - ông Putin nói trong đoạn video trực tuyến tham dự lễ khai trương này.

Tổng thống Nga dự một lễ khai trương đường ống dầu khí qua trực tuyến.

Ông cảm ơn tất cả những thành phần cá nhân hay công ty, tổ chức tham gia vào các dự án lớn trên.

Người đứng đầu nước Nga ghi nhận rằng, việc xây dựng được tiến hành trong điều kiện khí hậu khó khăn, nhưng đã áp dụng công nghệ mới và thiết bị hiện đại sản xuất trong nước, các quy định về môi trường đã được tuân thủ.

Hiện nay, nhu cầu về khí đốt Nga đang tăng lên nhanh chóng. Chủ tịch hội đồng quản trị của hãng dầu khí Nhà nước Nga Gazprom - ông Alexei Miller cho biết điều này và cho rằng, thông tin này minh chứng cho mức độ tin cậy và ổn định vào nguồn cung cấp của Gazprom cho châu Âu.

Ngày 25/11/2016, Gazprom đã lập kỷ lục lần thứ 8 trong mùa thu về khối lượng xuất khẩu trong một ngày, lên tới 601,2 triệu m3 khí đốt.

"Đây là sự kiện quan trọng, là một mốc lịch sử đối với hoạt động xuất khẩu khí đốt của chúng tôi. Nhu cầu về khí đốt Nga tăng trưởng tự tin chứng tỏ độ tin cậy và tính ổn định của các hợp đồng bán khí đốt cho châu Âu" - ông Miller cho hay.

Ngày 28/12/2016, số liệu của Tập đoàn dầu khí Gazprom công bố cho biết thị phần khí đốt của Gazprom tại thị trường EU tăng liên tục trong thời gian qua. Nga đã đáp ứng tới hơn 30% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của "Lục địa Già," một mức cao kỷ lục với nước này.

Tập đoàn dầu khí khổng lồ của Nga cũng cho biết vào năm 2015, thị phần của hãng tại thị trường EU cũng đạt con số kỷ lục với 31%. Do chủ động về giá, các hợp đồng cung cấp khí đốt của Gazprom luôn có giá cả hấp dẫn hơn các công ty khác.

Dự án đường ống dẫn khí đốt "Bovanenkovo-Ukhta-2".

Đặc biệt, trong tình hình thời tiết khắc nghiệt như hiện nay ở châu Âu, việc mua bán dầu khí Nga vốn là nguồn cung ổn định đang cho Moscow nhiều lợi thế đặc biệt trong việc điều chỉnh giá dầu trên thị trường hiện nay.

Các kênh dự báo thời tiết ở châu Âu vẫn tiếp tục bi quan khi giá rét tiếp diễn và các tổ chức nhân đạo của Liên Hiệp quốc cũng phải báo động về tình trạng người di cư tử vong do giá lạnh.

Hôm 14/1, một cơn bão lớn ập vào các vùng miền bắc nước Pháp đã gây mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng đến 330.000 hộ gia đình. Với sức gió lên đến 146 km/giờ, bão Egon quật đổ cây cối, trụ điện và gây tê liệt giao thông đường bộ tại thành phố Dieppe.

Cơ quan Thời tiết Pháp đã nâng báo động lên mức nghiêm trọng thứ hai đối với các vùng miền bắc vì gió mạnh và mưa tuyết. Trong ngày 14/1, Bộ Nội vụ Pháp cho biết đã có hơn 1.000 người phải sơ tán và ít nhất 1 người thiệt mạng. Nạn nhân là một phụ nữ sống gần thành phố Nice bị cây đổ đè lên người, theo BBC.

Bão Egon cũng quét qua Bỉ và Đức, khiến 120 chuyến bay bị hủy tại sân bay thành phố Frankfurt (Đức). Hãng Eurostar đã phải hủy 2 chuyến tàu giữa London (Anh) và Paris (Pháp), trong khi khoảng 200 hành khách vạ vật trong giá lạnh trên chuyến tàu nhanh Thalys từ Brussels (Bỉ) đến Paris sau khi tàu gặp trục trặc kỹ thuật vì thời tiết.

“Con tàu bị ngắt điện, máy sưởi cũng ngưng hoạt động. Chúng tôi rất khổ sở”, một hành khách tên Eduardo Soteras kể.

Bão tuyết hoành hành ở châu Âu chưa có dự báo ngưng.

Bên cạnh đó, tuyết rơi liên tục và nhiệt độ lao dốc không phanh ở các nước vùng Balkan cũng như Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. “Nhiệt độ tại Montenegro, Serbia, CH Macedonia và Bulgaria rơi xuống -15 độ C trong 5 ngày liên tiếp. Đợt giá rét đã gây ra nhiều tai nạn giao thông, buộc trường học phải đóng cửa, máy bay hủy chuyến và đe dọa tính mạng người vô gia cư cũng như người tị nạn”, BBC dẫn cảnh báo của Tổ chức Khí tượng thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (WMO) viết.

Tại Ukraine, chính quyền cho biết từ đầu năm đã có ít nhất 40 người chết vì giá rét. Theo Reuters, cho đến nay, lạnh giá khắp châu Âu đã khiến hơn 73 người thiệt mạng.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) nói rằng nhiều người di cư đã chết vì lạnh và kiệt sức tại Bulgaria. Ngày 13/1, họ cảnh báo chính phủ các nước châu Âu cần có nhiều biện pháp hơn nữa để giúp người tị nạn khỏi chết cóng thay vì đẩy họ khỏi biên giới và có hành động bạo lực.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tong-thong-putin-tu-tin-dau-khi-khi-chau-au-ret-muot-3327442/