Tổng thống Mỹ Joe Biden phớt lờ Bộ tứ: Nương theo Trung Quốc hay chỉ là 'kế nghi binh'?

Giáo sư Brahma Chellaney cho rằng, sẽ là sai lầm nếu Tổng thống Joe Biden xếp Bộ tứ (Quad) ra vùng ngoại vi hoặc biến nhóm này thành một biểu tượng đơn thuần.

Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì cuộc họp thượng đỉnh Bộ tứ tại Nhà Trắng, ngày 24/9/2021. (Nguồn: Reuters)

Trang mạng Nikkei Asia vừa qua đã đăng tải bài phân tích của Giáo sư Brahma Chellaney, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Chính sách ở New Delhi và là cựu cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia Ấn Độ, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về địa chính trị, nhận định rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phớt lờ Bộ tứ (Quad) và điều này sẽ gây ra rủi ro cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sự ngắt quãng có tính toán

Giáo sư Brahma Chellaney cho rằng, sau khi nhậm chức năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiệt tình ủng hộ sáng kiến Nhóm Bộ tứ được người tiền nhiệm Donald Trump khôi phục. Ông Trump là người đã nâng các cuộc thảo luận trong nhóm 4 quốc gia với Australia, Ấn Độ và Nhật Bản lên cấp độ hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo các nước thay vì chỉ gặp cấp độ ngoại trưởng trước đó.

Tháng 3/2021, do đại dịch Covid-19, Tổng thống Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên với các đối tác. Nhà Trắng sau đó đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ trực tiếp đầu tiên 6 tháng sau đó.

Sau một loạt các cuộc họp tương tự, bao gồm cả cuộc gặp mặt không chính thức ở Hiroshima, Nhật Bản vào tháng 5/2023 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, bốn nhà lãnh đạo cam kết phối hợp “đối phó với những thách thức” mà khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, Giáo sư Brahma Chellaney nhận thấy hiện tại vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho một hội nghị thượng đỉnh khác. Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Eric Garcetti đã gợi ý Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ tiếp theo có thể sẽ phải đợi đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024.

Do vậy, theo vị chuyên gia kỳ cựu, có thể loại trừ khả năng tổ chức bất kỳ hội nghị thượng đỉnh mới nào của Bộ tứ trước đầu năm 2025 ngay cả khi các thách thức an ninh khu vực ngày càng gia tăng, đặc biệt từ phía Trung Quốc trên nhiều vấn đề như Eo biển Đài Loan, Biển Đông...

Thêm nữa,cần phải lưu ý 6 nhóm công tác của Bộ tứ được thành lập trong ba năm qua đạt được rất ít tiến bộ cụ thể, bao gồm các lĩnh vực về công nghệ quan trọng và mới nổi, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, cơ sở hạ tầng, không gian và vaccine Covid-19.

Học giả Ấn Độ lý giải rằng, một chương trình nghị sự quá tham vọng, được các nhóm công tác nhấn mạnh, tập trung vào các vấn đề toàn cầu đa dạng đã hạn chế khả năng của Bộ tứ trong việc tạo ra các kết quả rõ ràng.

“Nhóm Bộ tứ, với tư cách là một nhóm gồm bốn nền dân chủ, có rất ít khả năng để giải quyết những thách thức chung. Tuy nhiên, đây chính là con đường mà Tổng thống Joe Biden đã dẫn dắt Bộ tứ. Kết quả là các mục tiêu an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nhóm đôi khi bị lép vế trong các cuộc thảo luận về các thách thức toàn cầu”, Giáo sư Brahma Chellaney nhận định.

Năm 2019, Mỹ khẳng định mục tiêu cốt lõi của Bộ tứ sẽ tập trung vào việc hiện thực hóa tầm nhìn của các thành viên về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Giáo sư Brahma Chellaney cho rằng, điều này có nghĩa là Bộ tứ phải hành động một cách hiệu quả như một “bức tường thành” ngăn cản những trỗi dậy của Trung Quốc và đảm bảo sự cân bằng quyền lực ổn định trong một khu vực gắn kết Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Nhưng chính sách can dự với Trung Quốc của Tổng thống Joe Biden là nguyên nhân khiến Bộ tứ hiện thiếu định hướng và quyết tâm chiến lược rõ ràng trong bối cảnh địa chiến lược đang thay đổi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo Giáo sư Brahma Chellaney, các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông đang thu hút sự chú ý và nguồn lực của Mỹ, đồng thời làm cạn kiệt kho vũ khí và hệ thống phòng không quan trọng nên điều cuối cùng mà Tổng thống Biden muốn tránh là xung đột hoặc căng thẳng leo thang với Trung Quốc. Điều này có thể giải thích cho nhiều động thái của ông nhằm xoa dịu những lo ngại của Trung Quốc.

Sau khi cử một loạt quan chức chính phủ tới Bắc Kinh để thảo luận, ông Biden đã hứa sẽ “quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm” trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco bên lề Diễn đàn cấp cao Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hồi tháng 11/2023.

Do đó, chuyên gia Brahma Chellaney cho rằng, nỗ lực tăng cường nhằm ổn định mối quan hệ Trung-Mỹ đang căng thẳng có thể khiến Mỹ có bước đi mềm mỏng trong Bộ tứ. Bốn nhà lãnh đạo Bộ tứ rõ ràng đã không gặp mặt khi họ cùng nhau tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi vào tháng 9/2023 như họ đã làm ở Hiroshima bốn tháng trước đó.

Bắc Kinh với những định hình chiến lược

Câu hỏi đặt ra là liệu chính sách can dự và hợp tác với Trung Quốc của Tổng thống Biden có mang lại lợi ích hay không? Giáo sư Brahma Chellaney đưa ra một số lập luận để trả lời cho câu hỏi này là: Không.

Theo đó, trước hết Trung Quốc nhận thấy Mỹ đang bị phân tâm do châu Âu và Trung Đông, nên đã gia tăng hoạt động tại khu vực eo biển Đài Loan và cả Biển Đông.

Đồng thời, cuộc “chiến tranh lạnh mới” của Mỹ với Nga đã đẩy Moscow đến gần Bắc Kinh hơn. Điều này có khả năng tạo ra một trục xuyên Á-Âu có thể khiến Mỹ bị căng quá mức và đẩy nhanh sự suy thoái tương đối của kinh tế Mỹ.

Mặc dù vẫn sẵn sàng đàm phán với Mỹ, nhưng hành động của Trung Quốc cho thấy mặc dù nền kinh tế đang chậm lại, nhưng Bắc Kinh với kho vũ khí hạt nhân được tăng cường đang ở vị thế có sức mạnh chiến lược cần phải tận dụng.

Trong bối cảnh đó, Giáo sư Brahma Chellaney cho rằng sẽ là sai lầm nếu xếp Bộ tứ ra vùng ngoại vi hoặc biến Bộ tứ thành một biểu tượng đơn thuần. Dù sao đi nữa, đã đến lúc Bộ tứ cần tái tập trung sự chú ý vào các thách thức chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng đối với cán cân quyền lực toàn cầu và hòa bình thế giới.

Điều này có nghĩa là tái khẳng định sứ mệnh chiến lược của Bộ tứ trong việc duy trì trật tự khu vực hiện tại. “Nếu không có Bộ tứ, mục tiêu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trở thành viển vông”, chuyên gia Brahma Chellaney nhận định.

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-my-joe-biden-phot-lo-bo-tu-nuong-theo-trung-quoc-hay-chi-la-ke-nghi-binh-262105.html