Tổng thống Donald Trump hủy mua tiêm kích F-35?

Theo tuyên bố, khi chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào đầu năm 2017, ông Donald Trump không mua mới và hủy một số hợp đồng tiêm kích F-35.

Kế hoạch loại bỏ F-35

Lý do của tuyên bố trên theo lý giải của Tổng thống đắc cử Donald Trump là F-35 vì loại vũ khí này quá đắt tiền nhưng lại không mang lại hiệu quả chiến đấu như kỳ vọng.

Máy bay F-35, sản phẩm Lockheed Martin là một chương trình vũ khí "tốn kém", dù ông này ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng.

Khi còn trong giai đoạn vận động tranh cử, ông Trump khi trả lời phỏng vấn với chương trình radio Hugh Hewitt từng chỉ trích chi phí chế tạo chiếc F-35: "Nó không phải rất tốt. Tôi nghe nói rằng nhiều loại máy bay hiện có của chúng ta còn tốt hơn".

Tới tháng 1/2017, tân Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với một số quyết định quan trọng về số phận của máy bay chiến đấu F-35 và những hệ thống vũ khí khác.

Theo kế hoạch mua sắm của Mỹ trong năm tài chính 2018, nước này có thể sẽ mua 70 chiếc máy bay chiến đấu và mua thêm 80 chiếc vào năm 2019, trong khi chỉ mua 63 chiếc trong năm 2016.

Tiêm kích F-35.

Không dừng lại ở đó, Mỹ còn mua 450 máy bay chiến đấu các loại trong những năm tới nhằm tăng tổng số máy bay chiến đấu lên 2.443 chiếc, trong đó có 1.763 chiếc cho không quân.

Nhà máy Fort Worth của Lockheed Martin đang phải trải qua giai đoạn nâng cấp trị giá 1,2 tỉ USD để gia tăng khả năng sản xuất máy bay chiến đấu cho quân đội Mỹ.

Theo ông Donald Trump, bất kỳ một sự đình trệ nào trong kế hoạch mua máy bay F-35 cũng sẽ giúp chính quyền Mỹ dưới thời ông cầm quyền dễ tìm được nguồn tài chính cho kế hoạch gia tăng ngân sách cho quân đội.

Ngoài ra, vị Tổng thống đắc cử này còn muốn đảo lộn kế hoạch giảm quân của quân đội Mỹ đến năm 2018.

Cụ thể, ông Trump muốn tăng số lượng binh sĩ từ 475.000 hiện nay lên 540.000 quân vào năm 2018. Và nếu kế hoạch này được hiện thực hóa, nó sẽ tiêu tốn thêm khoảng 30 tỉ ngân sách quốc phòng mỗi năm.

Chỉ dừng lại ở những tuyên bố

Kế hoạch không mua mới và hủy một số hợp đồng với F-35 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đang khiến không chỉ giới quân sự nước này bất ngờ. Họ cho rằng, bản kế hoạch gần như chỉ có thể dừng lại ở những tuyên bố của vị Tổng thống cá tính này bởi đến nay, Mỹ đang ở thế không thể dừng với chương trình F-35 do đã đốt quá nhiều tiền.

Chiến đấu cơ F-35 hiện đã trải qua 10 năm bay thử nghiệm. Tuy nhiên, trong thời gian này, các chuyên gia đã phát hiện những thiếu sót nghiêm trọng trong máy bay mà cho đến nay vẫn chưa được loại bỏ.

Theo phân tích của chuyên gia hàng không Pierre Spray của Tạp chí National Interest, trong thiết kế tổng thể, F-35 sẽ được bổ sung thêm mũ đặc biệt dành cho phi công: "Độ chính xác cao và việc phát nhanh chóng các hình ảnh trên màn hình trên mũ phi công F-35 là điều rất quan trọng".

Nhưng quá trình thử nghiệm đã phát hiện một loạt vấn đề. Mũ bảo hiểm này có trọng lượng khá nặng và khi bật dù khỏi máy bay, phi công có thể bị gãy cổ. Trong cuộc trả lời kênh truyền hình Russia Today, Pierre Spray (người được coi là cha đẻ của F-16) đã nhận xét:

"Tiêm kích đa năng F-35 được thiết kế, chế tạo dựa trên những lầm tưởng cơ bản. Không thể nào chế tạo một máy bay đa năng mà vẫn có thể đảm bảo hiệu quả trong môi trường tác chiến. Nếu như các bạn muốn F-35 có thể thực hiện được 3, 4 hoặc 5 nhiệm vụ khác nhau thì các bạn cần chấp nhận mất đi một số đặc tính kỹ thuật khác".

Ngoài ra, trang Breaking Defense dẫn nguồn tin quân sự Mỹ còn chỉ ra điểm yếu tiếp theo của F-35 khiến dòng tiêm kích này không mạnh mẽ như nhà sản xuất công bố ban đầu khi nó không thể nhận diện chuẩn xác mối nguy hiểm.

"Các cảm biến điện tử trên F-35 có nhiệm vụ phát hiện ra các mối đe dọa tiềm tàng như tên lửa, máy bay tấn công, đang thường xuyên đánh giá sai mức độ nguy hiểm của vật thể nó dò tìm được và từ đó cảnh báo sai cho phi công", Breaking Defense cho biết.

Ngoài ra, nhà sản xuất Mỹ vẫn chưa thể trang bị được cho máy bay một cơ sở dữ liệu về những mối đe dọa vào phần mềm cài đặt tại trung tâm điều khiển. Theo Breaking Defense, cơ sở dữ liệu này trên thực tế là thông tin về các loại vũ khí có thể gây nguy hiểm cho máy bay và được tập hợp lại từ nhiều nguồn thông tin tình báo khác nhau.

Các cảm biến của F-35 quá nhạy cảm và Mỹ sẽ chỉ kịp hoàn thành cơ sở dữ liệu trên cho tới khi chiếc máy bay đi vào hoạt động, Breaking Defense dẫn lời một số chuyên gia quốc phòng nhận định.

Trước khi lỗi cực nguy hiểm này được phát hiện, danh tiếng và sức chiến đấu của phiên bản F-35B bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiết kế khoang mang vũ khí bên trong quá nhỏ, do đó nó không thể mang đủ đơn vị bom thông minh như thiết kế ban đầu.

Không chỉ dừng lại ở đó, F-35 còn được ghi nhận là không thể tác chiến trong môi trường có nhiệt độ cao và đặc biệt, dòng chiến đấu cơ này không có khả năng chống lại sấm sét...

Dù còn tồn tại những điểm yếu chết người nhưng Fiscal Times cho hay, chương trình phát triển máy bay F-35 không có nguy cơ bị đình trệ vì Mỹ đã đầu tư vào đó hơn 1.000 tỷ USD và cho rằng con số đó "quá lớn để có thể dừng lại".

Clip F-35C trình diễn khả năng hạ cánh trên hạm

Chúc Sơn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tong-thong-donald-trump-huy-mua-tiem-kich-f-35-3323251/