Tổng quan hợp tác trong khuôn khổ CLMV

Việc hình thành hợp tác giữa 4 nước: Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập tiểu vùng Mekong và ASEAN.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản, tháng 12/2003, tại Tokyo, lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ nhất vào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 10 (Vientiane, tháng 11/2004).

Quá trình hình thành và mục tiêu hợp tác

Năm 2003, ASEAN thông qua Tuyên bố Bali II (Bali Concord II, Indonesia) khẳng định mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN với 3 cột trụ là Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC).

Khó khăn lớn nhất trong hội nhập ASEAN chính là khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN, cụ thể là giữa các nước CLMV với các nước ASEAN còn lại. Do đó, hợp tác CLMV khởi nguyên từ ý tưởng thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm thúc đẩy hội nhập của các nước CLMV vào tiến trình phát triển chung của khu vực.

Hợp tác CLMV là cơ chế hợp tác mở, một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước CLMV, nhưng mặt khác là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển dành cho các nước CLMV. Hơn nữa, hợp tác CLMV cũng là diễn đàn để các nước CLMV phối hợp lập trường góp phần bảo vệ lợi ích của các nước CLMV trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN cũng như giữa ASEAN với đối tác khác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…).

Sáu lĩnh vực hợp tác của CLMV gồm thương mại và đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp và năng lượng; giao thông; du lịch và phát triển nguồn nhân lực.

Tiến triển và hiện trạng

Về cơ chế hợp tác, hội nghị cấp cao CLMV được tổ chức thường niên, quyết định những vấn đề lớn và định hướng hợp tác. Để triển khai các lĩnh vực hợp tác, các nước CLMV thành lập 6 nhóm công tác tương ứng với 6 lĩnh vực hợp tác, trong đó Việt Nam điều phối 3 nhóm công tác (thương mại-đầu tư, công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực).

Ngày 28/11/2004, Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 1(tại Lào)đã thông qua Tuyên bố Vientiane về tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế giữa các nước CLMV khẳng định quyết tâm của các nước CLMV tăng cường hợp tác kinh tế và hội nhập trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mekong, ASEAN và khu vực; kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ bốn nước nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.

Tại Hội nghị cấp cao CLMV lần 2 (Malaysia, tháng 12/2005), Thủ tướng các nước CLMV đã thông qua chương trình hành động và nhất trí phối hợp với Thái Lan nghiên cứu khả năng kết hợp hợp tác CLMV và hợp tác ACMECS nhằm tránh trùng lặp và nâng cao hiệu quả hợp tác.

Hội nghị lần thứ 3 (Philippines, tháng 1/2007) ghi nhận các thỏa thuận về kết hợp chương trình hành động CLMV và chương trình hành động Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS); thông qua chương trình hành động CLMV 2006 và chỉ đạo các Nhóm Công tác của bốn nước CLMV sớm đề xuất các dự án hợp tác khả thi để trao đổi, thống nhất tại cuộc họp SOM CLMV tại Việt Nam vào đầu năm 2007.

Tại Hội nghị lần thứ 4 (Việt Nam, 11/2008), các nhà lãnh đạo đã nhất trí định hướng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác CLMV, bao gồm thương mại và đầu tư, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, du lịch, và phát triển nguồn nhân lực. Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và doanh nghiệp các nước vào tiến trình hợp tác. Hội nghị nhất trí tạo thuận lợi và thúc đẩy các doanh nghiệp nước thành viên hợp tác đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, khoáng sản, thủy điện, phát triển hạ tầng, dịch vụ và logistics... Các nước đánh giá cao Việt Nam thành lập chương trình học bổng CLMV.

Trước thực tế các dự án hợp tác chậm được triển khai, chồng chéo và trùng lặp với nhiều cơ chế hợp tác khác như ASEAN, tiểu vùng Mekong..., Thủ tướng 4 nước đã thông qua danh mục 58 dự án hợp tác CLMV, đồng thời giao các quan chức cao cấp sớm hình thành danh mục dự án ưu tiên kêu gọi tài trợ và xây dựng lộ trình cụ thể triển khai. Hội nghị nhất trí với đề xuất của Lào tổ chức hội thảo khu vực nhằm huy động hỗ trợ quốc tế cho hội nhập của các nước CLMV vào ASEAN vào đầu năm 2009; trước đó, các quan chức cao cấp sẽ họp để thống nhất danh mục dự án ưu tiên kêu gọi tài trợ.

Tại Hội nghị lần thứ 5 (Campuchia, 11/2010), Thủ tướng các nước CLMV đã trao đổi về tình hình hợp tác trong thời gian vừa qua và cho rằng, mặc dù có nhiều tiến triển trong hợp tác song phương, nhưng các dự án chung của bốn nước đều chậm được triển khai do không có nguồn tài chính.

Để tăng cường hợp tác trong cơ chế này, các bên đã nhất trí thông qua danh sách 16 dự án ưu tiên của bốn nước và kiến nghị chuyển cho Ban Thư ký ASEAN nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ từ Quỹ Sáng kiến hội nhập ASEAN và từ các đối tác phát triển khác. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung Phnom Penh về tăng cường hợp tác giữa bốn nước nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước ASEAN.

Hội nghị lần thứ 6 (Lào, 3/2013) đã nhất trí về một số định hướng lớn về phát triển CLMV bao gồm: Nâng cao tính khả thi và khả năng vận động nguồn lực qua việc điều chỉnh nội dung 10 dự án còn lại cho sát với các ưu tiên của Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) với nội dung cụ thể, rõ ràng hơn; nâng cao hiệu quả điều phối hợp tác, bao gồm hoàn thiện cơ chế giám sát thực hiện kế hoạch hành động, tổ chức họp các nhóm công tác và họp SOM thường niên định kỳ; đẩy mạnh hợp tác tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch; tăng cường kết nối thông qua đẩy mạnh hợp tác phát triển các hành lang kinh tế; và đẩy mạnh hợp tác phát triển nhân lực.

Tại Hội nghị lần thứ 7 (Myanmar, 6/2015),các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa 4 nước phối hợp xây dựng các chính sách mới về tạo thuận lợi cho lưu thông thương mại giữa các nước CLMV và thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận song phương và đa phương đã ký kết; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp CLMV đầu tư vào thị trường của nhau; xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng; phát huy tối đa tiềm năng của các hành lang kinh tế (Đông-Tây, hành lang phía nam và hành lang Bắc-Nam; nhân rộng mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại các cặp cửa khẩu quốc tế...

Hải Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/tong-quan-hop-tac-trong-khuon-kho-clmv/289592.vgp