Tổng nguồn vốn địa phương ủy thác đạt trên 147,4 tỷ đồng

Quý II/2023, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã tập trung nguồn lực đáp ứng nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng; đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tổng vốn ủy thác địa phương bổ sung năm 2023 đạt trên 12,8 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn địa phương ủy thác đạt trên 147,4 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh, tổng dư nợ đến ngày 30/6/2023 trên 4.698,9 tỷ đồng, đạt 75,2% kế hoạch tăng trưởng được giao, tăng trên 251,9 tỷ đồng so với ngày 31/12/2022, có 154.058 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân 1 hộ là 30,5 triệu đồng. Kết quả đến ngày 30/6/2023, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã phối hợp chặt chẽ với ngân hàng chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng chính sách với dư nợ ủy thác trên 4.694 tỷ đồng, chiếm 99,9%/tổng dư nợ, thông qua 3.160 tổ tiết kiệm và vay vốn…

Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG BÌNH

Trong quý II/2023, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 21.260 lượt hộ; giúp 148 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; giúp 846 hộ nghèo và 2.124 hộ cận nghèo, 5.662 hộ mới thoát nghèo và 1.119 hộ sản xuất, kinh doanh có vốn sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, xây mới và sửa chữa 8.929 công trình nước sạch và 8.393 công trình vệ sinh, 46 hộ gia đình vay vốn xây mới, sửa chữa nhà ở từ chương trình nhà ở xã hội.

Tại hội nghị, ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng chính sách xã hội các địa phương và đại diện hội, đoàn thể cấp tỉnh đã trình bày những thuận lợi, khó khăn và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong quý III/2023, cũng như đề xuất nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Văn Lâu cho rằng, nguồn vốn tín dụng chính sách tăng trưởng thời gian qua đã kịp thời hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế gia đình, vượt khó thoát nghèo bền vững.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch từ nay đến cuối năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh, Hội sở tỉnh, phòng giao dịch các huyện, thị xã tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; phấn đấu thực hiện mục tiêu hằng năm giảm tối thiểu 10% nợ xấu. Thực hiện đạt 100% kế hoạch tăng trưởng dư nợ theo kế hoạch. Đồng thời, đề nghị tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác. UBND huyện, thị xã, thành phố quan tâm cân đối ngân sách địa phương hàng năm bổ sung cho phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội phù hợp với ngân sách địa phương. Thực hiện lồng ghép giữa các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là đối với các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dụng nông thôn mới và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi/tong-nguon-von-dia-phuong-uy-thac-dat-tren-147-4-ty-dong-66413.html