Tổng dư nợ chính sách xã hội ở Nghệ An đứng thứ 3 toàn quốc

Chiều 24/7, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ lần thứ 76 để đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ quý III/2023.

Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự có đại diện các sở ngành, các tổ chức chính trị xã hội.

Hơn 44.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng ưu đãi

6 tháng đầu năm 2023, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nghệ An đã bám sát chỉ đạo, thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Đến ngày 30/6/2023, tổng nguồn vốn đạt 11.895 tỷ đồng, tăng 1.017 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tốc độ tăng trưởng 9,36% (tăng 0,45% so với cùng kỳ năm trước). Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm đạt 2.024 tỷ đồng, tăng 3,48% so với cùng kỳ năm trước.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Thu Huyền

Tổng dư nợ đạt trên 11.897 tỷ đồng/22 chương trình tín dụng chính sách còn dư nợ (giảm 01 chương trình so với đầu năm ), tăng 1.013,5 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tốc độ tăng trưởng 9,33% (cao hơn cùng kỳ năm trước 0,53%). Có 10 chương trình tín dụng tăng trưởng dư nợ so với đầu năm; 12 chương trình giảm dư nợ và 01 chương trình thu nợ và tất toán dư nợ.

6 tháng đầu năm 2023, NHCSXH Nghệ An đã cấp vốn tín dụng ưu đãi cho 44.494 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có: 5.084 hộ nghèo, 8.428 hộ cận nghèo, 3.853 hộ mới thoát nghèo và 1.562 hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất kinh doanh; 2.849 lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm; 18.136 gia đình tại vùng nông thôn vay vốn cải tạo/xây mới công trình chứa nước sạch, công trình vệ sinh; 309 hộ gia đình được vay vốn để sửa chữa/xây mới/mua nhà ở xã hội; 134 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; 2.452 hộ gia đình được vay vốn trang trải chi phí, mua sắm thiết bị học tập cho con em; 02 cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn phục hồi sau đại dịch Covid-19; 1.654 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn theo Nghị định số 28.

Tại cuộc họp, các đại biểu trao đổi, làm rõ một số khó khăn liên quan nhu cầu vay vốn chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh năm 2023 là rất lớn (theo rà soát khoảng 1.025 tỷ đồng), nhưng đến nay chỉ mới bố trí được 99,3 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được khoảng 9,8% nhu cầu.

Đồng chí Trần Khắc Hùng - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm. Ảnh: Thu Huyền

Nguồn vốn ngân sách địa phương mặc dù đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao, tuy nhiên, so với toàn hệ thống thì Nghệ An còn rất thấp, số dư lũy kế đến nay là 290,3 tỷ đồng, chiếm 2,4%/tổng nguồn vốn (đứng thứ 58/63 tỉnh thành về tỷ lệ và đứng thứ 29 về số tuyệt đối, bình quân của hệ thống là 10,8%). Đến nay vẫn còn có 2 đơn vị chưa hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao đó là thị xã Cửa Lò và huyện Nam Đàn. Ngoài ra, hiện nay việc giải ngân cho nhóm đối tượng hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị và trồng cây dược liệu quý theo Nghị định 28 chưa thực hiện được, do địa phương chưa hoàn thành rà soát và phê duyệt đối tượng, vì vậy chưa đủ cơ sở để giải ngân vốn.

Tiếp tục ưu tiên bổ sung nguồn ngân sách địa phương

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An đánh giá cao những kết quả đạt được của Ngân hàng Chính sách xã hội; Tổng dư nợ chính sách xã hội ở Nghệ An đứng thứ 3 toàn quốc, chất lượng tín dụng chính sách tiếp tục được nâng lên. Với những kết quả đó, tín dụng chính sách xã hội tiếp tục có những đóng góp quan trọng góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An kết luận cuộc họp. Ảnh: Thu Huyền

Triển khai giải pháp thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An đề nghị Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục chỉ đạo, tham mưu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chưa hoàn thành việc chuyển nguồn vốn ủy thác địa phương tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu được giao trong quý III/2023; thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục ưu tiên bổ sung nguồn ngân sách địa phương để ủy thác qua ngân hàng trong năm 2023.

Thành viên Ban đại diện là Ban Dân tộc tỉnh với vai trò là đầu mối, tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, phê duyệt đối với nhóm đối tượng thụ hưởng về đất ở, đất sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị và trồng cây dược liệu quý theo Nghị định 28 của Chính phủ, để có cơ sở giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2023.

Đặc biệt, Ngân hàng phối hợp với Tỉnh đoàn xóa xã trắng tổ tiết kiệm do đoàn thanh niên chủ trì. Các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tập trung chỉ đạo Tổ tiết kiệm vay vốn thực hiện nghiêm túc công tác bình xét vay vốn đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng…

Thu Huyền

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/tong-du-no-chinh-sach-xa-hoi-o-nghe-an-dung-thu-3-toan-quoc-post273598.html