Tổng công ty Điện lực Miền Trung (EVN CPC): Khẳng định vị thế trong giai đoạn mới

Được sự đồng ý của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, lễ ra mắt Tổng Công ty Điện lực Miền Trung diễn ra sáng ngày 3/4/2010 tại Đà Nẵng.

CôngThương - Trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 3 và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty CP Điện lực Khánh Hòa và Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đà Nẵng từ EVN về Công ty mẹ - Tổng Công ty Điện lực miền Trung. Nhân dịp này, PV báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty. Ông cho biết đôi nét về ý nghĩa của sự kiện này? Việc thành lập Tổng công ty Điện lực Miền Trung là một cột mốc hết sức quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò và những nỗ lực, những đóng góp to lớn của nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên ngành điện miền Trung trong gần 35 năm xây dựng, phát triển đầy khó khăn gian khổ nhưng rất vinh dự, tự hào vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam ghi nhận; đồng thời đặt ra cho cán bộ công nhân viên toàn Tổng công ty những yêu cầu nhiệm vụ mới để phù hợp với quy mô, tính chất, địa bàn hoạt động và những cơ hội, những khó khăn thách thức đối với hoạt động của Tổng công ty trong thời gian đến. Những đóng góp của công ty trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên là rất to lớn, ông nghĩ gì về thành quả này ? Trong gần 35 năm qua, Công ty Điện lực 3 luôn phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch được giao; có sự tăng trưởng, phát triển mạnh cả về nguồn lực như vốn, tài sản, lao động cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ bản cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống nhân dân trên địa bàn, sản xuất kinh doanh có lãi, hoàn thành tốt nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước. Trong 5 năm gần đây, sản lượng điện thương phẩm của công ty tăng trưởng bình quân 15%/năm. Riêng năm 2009 đạt 5,343 tỷ kWh, cung cấp điện cho hơn 1,6 triệu khách hàng trên địa bàn, tỷ lệ xã có điện đạt 99,2% tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện trên 95% vượt tiến độ do Quốc hội và Chính phủ đề ra trước 01 năm. Tổng vốn đầu tư xây dựng trong 5 năm qua đạt 6.172,2 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư xây dựng các công trình đưa điện về nông thôn; hoàn thiện, cải tạo nâng cấp và mở rộng lưới điện hiện có và lưới điện nông thôn mới tiếp nhận; Chương trình cấp điện cho 852 thôn buôn với hơn 70 ngàn hộ dân ở 4 tỉnh Tây Nguyên; đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông điện lực; các dự án thủy điện; ... Tỷ lệ điện dùng để truyền tải, phân phối điện đã giảm từ trên 20% trước đây xuống còn 7,2 %. Về lĩnh vực kinh doanh viễn thông, tuy mới triển khai trong những năm gần đây nhưng đến cuối năm 2009 đã có trên 505 ngàn thuê bao, tổng doanh thu trên 250 tỷ đồng, bước đầu đã mang lại hiệu quả. Đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế mở, các phụ tải có công suất lớn, công ty đã đầu tư lưới điện đến từng hộ tiêu thụ để bán điện trực tiếp góp phần thu hút được các nhà đầu tư vào khu vực. Trong quan hệ với khách hàng dùng điện, đã thực hiện nghiêm túc qui trình kinh doanh điện năng; giải quyết kịp thời, thỏa đáng các yêu cầu của khách hàng. Công ty luôn quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Đã tổ chức xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 và 9001-2008. Đặc biệt, đã thực hiện thí điểm công nghệ tự động hóa TBA 110kV, áp dụng các chương trình tính toán phân tích hệ thống điện; chế tạo và đưa vào sử dụng công tơ điện tử một pha, đọc chỉ số công tơ qua thiết bị cầm tay. Các cơ sở hạ tầng khác như mạng lưới thông tin, trang thiết bị phục vụ hội nghị truyền hình, chương trình phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành… được củng cố, xây dựng và khai thác tốt. Nhằm tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập chính đáng cho cán bộ công nhân viên, công ty đã sắp xếp lại lực lượng lao động hiện có, thực hiện hợp tác, liên doanh đầu tư sản xuất thiết bị điện, huy động vốn trong cán bộ công nhân viên đầu tư các nguồn thủy điện trong khu vực. Kết quả, đưa vào vận hành 05 nhà máy thủy điện với tổng công suất 71,6 MW, sản lượng hàng năm trên 365 triệu kWh, doanh thu gần 240 tỷ đồng; Chuẩn bị đưa vào vận hành 3 nhà máy với tổng công suất 95,6 MW và đang triển khai xây dựng 3 nhà máy thủy điện khác với tổng công suất 189,2 MW. Các Công ty cổ phần có vốn góp của Công ty hoạt động rất hiệu quả, vừa đảm bảo mức cổ tức cao cho cổ đông vừa góp phần tăng lợi nhuận cho công ty; Đời sống tinh thần vật chất của cán bộ công nhân viên ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân năm 2009 đạt trên 5,2 triệu đồng/người/tháng. Song song với việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, từ công ty đến các đơn vị đã thực hiện tốt công tác an ninh quốc phòng; quân sự địa phương; công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác xã hội, …Tổng số tiền tham gia công tác xã hội của cán bộ công nhân viên công ty trong 5 năm qua hơn 10 tỷ đồng. Các phong trào văn hóa, thể dục thể thao được duy trì phát triển tốt, đã giành được nhiều giải thưởng cao trong các hội thao, hội diễn do ngành và các địa phương tổ chức. Các Công ty CP Điện lực Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng trong thời gian tách khỏi Công ty Điện lực 3 cho đến nay đã tiếp tục phát triển tốt, gặt hái được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ. Vì sao phải chuyển đổi mô hình, các thủ tục triển khai hoạt động theo mô hình mới này có gặp những khó khăn gì, thưa ông ? Thực hiện chủ trương chuyển đổi các Công ty Điện lực sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, phát huy những điểm thuận lợi và khắc phục những khó khăn của mô hình hiện tại và thực hiện các văn bản chỉ đạo của EVN, Công ty Điện lực 3 đã xây dựng đề án thành lập Tổng công ty Điện lực Miền Trung hoạt động theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con trình EVN xem xét để trình Chính phủ quyết định. Căn cứ tờ trình của EVN và ý kiến của Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo thành lập 5 Tổng công ty Quản lý phân phối điện thuộc EVN. Ngày 5/2/2010 Bộ Công Thương có quyết định số 739/QĐ-BCT thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Miền Trung và EVN ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai hoạt động của Tổng công ty. Đến nay, các khâu chuẩn bị đã hoàn tất và chính thức công bố để Tổng công ty đi vào hoạt động từ ngày 03/4/2010. Ông có thể giới thiệu khái quát về các đơn vị thành viên tại thời điểm này? Tại thời điểm thành lập, Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Miền Trung có 34 đơn vị thành viên gồm 19 Công ty, đơn vị (có đơn vị hạch toán độc lập, đơn vị hạch toán phụ thuộc); Có 02 công ty con do Công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và có 13 công ty liên kết do Công ty mẹ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Tổng số cán bộ công nhân viên hơn 10.500 người với ngành nghề kinh doanh chính, chủ yếu là sản xuất, kinh doanh điện năng; Kinh doanh dịch vụ viễn thông công cộng, công nghệ thông tin; Sản xuất, xuất nhập khẩu điện và vật tư thiết bị điện, công tơ điện tử, thiết bị đo lường về điện, thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin; Thí nghiệm các thiết bị điện, các nhà máy điện, các đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp đến 500kV; Khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư, quản lý đấu thầu, xây dựng, vận hành các công trình lưới điện và các công trình thủy điện vừa và nhỏ; Sản xuất, kinh doanh nhiều ngành, nghề khác theo quy định của pháp luật. Công việc sắp tới của Tổng công ty, thưa ông? Chúng tôi phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản và các mục tiêu công tác lớn do EVN và các địa phương giao hàng năm. Đảm bảo cung cấp đủ điện cho khách hàng với chất lượng ngày càng cao, dịch vụ viễn thông công cộng ngày càng hoàn thiện, các dự án đầu tư đúng trình tự thủ tục và đạt yêu cầu tiến độ, chất lượng. Nhanh chóng ổn định bộ máy Công ty mẹ - Tổng công ty, các Công ty con; các Công ty, đơn vị trực thuộc; Xây dựng mới, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến tất cả các lĩnh vực công tác quản lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổng công ty và của các công ty, đơn vị thành viên; Chúng tôi tiếp tục triển khai đề án xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong Tổng công ty phù hợp với chủ trương xây dựng văn hóa và nâng tầm thương hiệu của EVN, tạo ra sự chuyển biến cơ bản trong văn hóa ứng xử, xây dựng môi trường làm việc văn minh, lịch sự tại tất cả các đơn vị thuộc Tổng công ty. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh; thực hiện công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phấn đấu tăng năng suất lao động bình quân hàng năm từ 07-10%, giảm chi phí sản xuất 5%; chăm lo bảo đảm việc làm, cải thiện đời sống tinh thần, vật chất cho cán bộ công nhân viên. Duy trì, tổ chức và phát huy hiệu quả cao nhất các phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hiện tốt quy chế dân chủ; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng chống tham nhũng; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm... quyết tâm, xây dựng Tổng công ty hoạt động ngày càng có hiệu quả và phát triển ổn định, bền vững, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được EVN, các địa phương và cổ đông giao phó. Xin cám ơn ông! Nguyễn Ngọc Hạnh

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/doanh-nghiep-doanh-nhan/tong-cong-ty-dien-luc-mien-trung-evn-cpc-khang-dinh-vi-the-trong-giai-doan-moi/32/0/31315.star