Tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 được lan tỏa và có tầm quan trọng, sức ảnh hưởng lớn đối với xã hội nói chung, các gia đình và mỗi thành viên gia đình nói riêng. Nhân kỷ niệm 22 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2023) và 'Tháng hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình' (Tháng 6), phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trên địa bàn tỉnh.

Giao lưu chuyên đề "8/3 - Triệu lời cảm ơn tại xã Ninh Hòa (Hoa Lư). Ảnh: Minh Quang

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong công tác gia đình và PCBLGĐ ở Ninh Bình thời gian qua?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường: Những năm qua, công tác gia đình đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò, vị trí của gia đình, công tác gia đình và PCBLGĐ đã có những chuyển biến tích cực và có sự phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục chuyển đổi hành vi luôn được duy trì và tăng cường. Nội dung, hình thức truyền thông đa dạng, kịp thời, tạo nên những hiệu ứng tích cực, thu hút đông đảo người dân hưởng ứng và tham gia các phong trào, mô hình, cuộc vận động tại địa phương. Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác gia đình từ tỉnh tới cơ sở được quan tâm xây dựng, củng cố kiện toàn. Công tác sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát, khen thưởng được triển khai nghiêm túc...

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều phong trào được triển khai, nhiều mô hình được thực hiện, góp phần tích cực vào việc giáo dục đời sống gia đình, như: Mô hình "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"; các phong trào xây dựng "Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh", "Gia đình 5 không, 3 sạch", "Góc tư vấn về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân" của Hội LHPN; mô hình "Dòng họ tự quản"; "Xóm, phố bình yên, gia đình hạnh phúc" của Công an tỉnh; phong trào xây dựng "Gia đình nông dân hạnh phúc" của Hội Nông dân; phong trào "Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo" của Hội Người Cao tuổi…

Đời sống của người dân, hộ gia đình và cộng đồng ngày càng được nâng lên, có điều kiện quan tâm hơn đến đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người. Việc giáo dục đời sống gia đình; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được tăng cường; nhận thức về PCBLGĐ được nâng lên, số vụ BLGĐ đã giảm đáng kể. Công tác PCBLGĐ được tổ chức thực hiện xuyên suốt từ tỉnh tới cơ sở.

Đến nay, toàn tỉnh đã và đang duy trì hoạt động 19 "Góc tư vấn giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân", 9 nhóm hạt nhân "Nam giới nói không với bạo lực gia đình", 292 CLB xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và 243 CLB "Phụ nữ với pháp luật", "Bình đẳng giới", "Phòng, chống bạo lực gia đình"...

Toàn tỉnh hiện có 1.593 nhóm PCBLGĐ, 1.410 CLB xây dựng gia đình phát triển bền vững; 170 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ. Cùng với đó, tại các xã, phường, thị trấn thành lập 143 đường dây nóng, 1.169 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân khi xảy ra BLGĐ; thường xuyên bám sát tình hình dân cư, phát hiện, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình...

PV: Công tác gia đình của tỉnh được tập trung vào những hoạt động gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường: Công tác tuyên truyền được coi là một trong những giải pháp trọng tâm của công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Hàng năm, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện công tác tuyên truyền rộng khắp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về ý nghĩa to lớn của công tác gia đình trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng và nâng cao các giá trị văn hóa gia đình trong tình hình mới.

Thời gian tuyên truyền được tập trung thực hiện trong các dịp kỷ niệm về công tác gia đình như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Tháng hành động Quốc gia về PCBLGĐ (Tháng 6); ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11); Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (15/11 - 15/12) hàng năm...

Nội dung tuyên truyền được thực hiện đa dạng, phong phú, trong đó chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, văn bản mới về công tác gia đình. Cùng với đó, hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng thông qua các hội nghị, hội thảo, hội thi, hội diễn, các buổi tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, tư vấn, thăm hỏi...

Các cơ quan, đơn vị cũng tích cực tận dụng ưu thế của mạng xã hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về công tác gia đình trong sự phát triển của cuộc cách mạng số 4.0... Thông qua đó xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực.

Nhiều gia đình có 3, 4 thế hệ chung sống với nhau đầm ấm, hạnh phúc, nuôi dạy con cháu thành đạt, là tấm gương về sự yêu thương và chia sẻ, về sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. Góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào, hỗ trợ tích cực cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng nếp sống lành mạnh, chống lại sự xâm nhập của văn hóa độc hại, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Sở Văn hóa và Thể thao cũng hướng dẫn các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhân các ngày kỷ niệm như ngày Gia đình Việt Nam, ngày Quốc tế Hạnh phúc, ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái... Đồng thời, tổ chức biểu dương, tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu nhằm nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.

Ngoài ra, ngành Văn hóa còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, đoàn thể tỉnh và địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục, lồng ghép triển khai thực hiện công tác gia đình gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trong đó trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa; thôn, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.

Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp cũng thường xuyên được tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về công tác gia đình, PCBLGĐ, được trang bị các kỹ năng tổ chức sinh hoạt CLB, sinh hoạt nhóm, tổ chức tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ cho các nhóm PCBLGĐ...

Các khách mời tham gia chương trình Trạm yêu thương của Hội Phụ nữ xã Gia Lạc (Gia Viễn). Ảnh: Minh Quang

PV: Thực tế hiện nay, việc xây dựng gia đình văn hóa vẫn còn những khó khăn nhất định, ở một số nơi còn mang tính hình thức. Theo đồng chí, nguyên nhân do đâu?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường: Đúng là ở một vài cơ sở, việc tổ chức đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa có lúc vẫn còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế, có những gia đình rất ý thức, quý trọng và cùng nỗ lực để đạt được danh hiệu gia đình văn hóa. Tuy nhiên, cũng còn nhiều gia đình chưa quan tâm đến vấn đề này. Nguyên nhân được nhận định là do công tác tuyên truyền, vận động tại một số địa phương chưa được thực hiện hiệu quả. Việc nêu gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc còn hạn chế.

Cùng với đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bối cảnh giao lưu văn hóa cũng tác động không nhỏ đến đời sống gia đình và những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình. Tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình, hiện tượng bất bình đẳng trong gia đình, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em… vẫn còn diễn ra. Do đó rất cần sự nỗ lực, chung tay của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tổ chức thực hiện, hướng tới xây dựng những giá trị phát triển bền vững của gia đình.

PV: Năm nay, thông điệp gửi đến các gia đình nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 có ý nghĩa như thế nào và tỉnh ta có những hoạt động trọng tâm gì để hưởng ứng, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường: Năm 2023, chủ đề được chọn để hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) là "Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng". Đây là một chủ đề mới và mang nhiều ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc. Chủ đề này chú trọng đến mối quan hệ trong gia đình và tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia. Gia đình là cái nôi đầu tiên, là nơi mà mỗi cá nhân bắt đầu phát triển, học hỏi và tạo dựng các giá trị, phẩm chất của bản thân. Gia đình hạnh phúc được xem là căn cứ bản lề để hình thành các công dân hạnh phúc và khỏe mạnh, làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội bền vững cho quốc gia.

Tương quan trở lại, một trong những mục tiêu quan trọng của các chính sách kinh tế và chính trị, văn hóa, xã hội của một quốc gia đó là phát triển công tác gia đình, tạo điều kiện để mỗi gia đình có được "hạnh phúc", từ đó, đóng góp cho sự thịnh vượng của mỗi cộng đồng và cả dân tộc. Chủ đề này mang những hy vọng lớn lao và tạo hiệu ứng tích cực, khơi gợi tinh thần đoàn kết, chung tay để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh, góp phần xây dựng xã hội, quốc gia ngày càng phát triển bền vững và hưng thịnh.

Các cơ quan, tổ chức, địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ căn cứ tình hình, đặc điểm, điều kiện cụ thể để lựa chọn hình thức hưởng ứng phù hợp, đảm bảo an toàn, hiệu quả; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tổ chức các hoạt động nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6) với những hoạt động cơ bản như: Tổ chức hội nghị, tọa đàm, diễn đàn về chủ đề ngày Gia đình Việt Nam như: các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề về xây dựng gia đình hạnh phúc; tọa đàm về kỹ năng sống để xây dựng gia đình hạnh phúc, PCBLGĐ, văn hóa ứng xử trong gia đình; các hoạt động giao lưu, hội thi về Mô hình PCBLGĐ… tại các địa bàn dân cư, có thể lồng ghép vào nội dung hoạt động của các câu lạc bộ tại cơ sở; tổ chức vinh danh các cá nhân, tập thể, cộng đồng có hoạt động tích cực trong xây dựng gia đình hạnh phúc và PCBLGĐ.

Cùng với đó, tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi, giúp đỡ tới các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt CLB hoặc sinh hoạt chuyên đề của đoàn thể hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ. Khuyến khích các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng, các hoạt động tham quan, vui chơi, giải trí... Tổ chức cuộc thi, hội thi, triển lãm tranh, ảnh, sách hoặc chiếu phim chủ đề về xây dựng gia đình hạnh phúc và PCBLGĐ...

Qua đó nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của gia đình và công tác gia đình; tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam nói chung, gia đình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Mai Phương (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ton-vinh-nhung-gia-tri-tot-dep-cua-gia-dinh-viet/d2023062308322466.htm