Tốn hơn 100 triệu đồng tiền viện phí vì bị uốn ván

Người đàn ông 43 tuổi ở TP.HCM đến nay vẫn hôn mê do uốn ván và nhiễm trùng vết thương. Chi phí điều trị đã lên đến hơn 100 triệu đồng trong khi bệnh nhân không có bảo hiểm y tế.

Bệnh nhân N.T.H (43 tuổi, quận 7, TP.HCM) bị cưa trúng chân khi đang sửa mái phòng trọ. Vết thương rộng khoảng 3 ngón tay. Ông H. phải khâu nhiều mũi tại cơ sở y tế gần nhà nhưng không tiêm phòng uốn ván.

Khoảng một tuần sau, ông có triệu chứng cứng hàm, chảy nước dãi, không nuốt được nước hoặc nói chuyện. Bệnh viện tuyến huyện chuyển ông H. lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vào ngày 17/6.

Ông H. được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn với chẩn đoán uốn ván và nhiễm trùng vết thương. Những ngày qua, người bệnh hôn mê, phải đặt nội khí quản thở máy. Các bác sĩ tiến hành điều trị với thuốc kháng sinh, an thần, giãn cơ.

Ngoài ra, thuốc đặc trị cho trường hợp này rất đắt tiền. Đến nay, chi phí chạy chữa đã lên đến hơn 100 triệu đồng và có thể tiếp tục tăng do thời gian nằm viện kéo dài. Bác sĩ cho hay khả năng cứu sống người bệnh lên đến trên 90%, tuy nhiên khó khăn lớn nhất là bệnh nhân không có bảo hiểm y tế.

Người đàn ông 43 tuổi đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: BVCC.

Trao đổi với VietNamNet, con trai bệnh nhân (23 tuổi, đang làm xe ôm công nghệ) cho biết đã đóng tạm ứng viện phí bằng tiền của họ hàng, tiền vay mượn bên ngoài nhưng vẫn không đủ.

Theo các bác sĩ, uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Nha bào uốn ván ngoài môi trường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm bẩn; qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ…

Sau đó, vi khuẩn sẽ phóng thích ra các độc tố uốn ván, xâm nhập vào các sợi trục thần kinh rồi di chuyển ngược dòng từ hệ thần kinh ngoại vi vào đến trung ương, gây ra tình trạng tăng trương lực cơ hay co cứng cơ gây đau. Người bệnh có thể khởi phát bằng triệu chứng cứng hàm rồi co cứng các cơ tăng dần, khó thở…

Ngoài ra, bệnh nhân cũng đối mặt với nguy cơ biến chứng liên quan đến nằm hồi sức kéo dài như nhiễm trùng cơ hội, viêm phổi do thở máy, teo cơ, cứng khớp….

Mặc dù nguy hiểm nhưng uốn ván có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm ngừa vắc xin đầy đủ. Trong đó, quan trọng nhất là tiêm ngừa chủ động trước khi bị thương.

Đối với trường hợp không được tiêm ngừa chủ động, người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí vết thương đúng cách, đồng thời được tiêm huyết thanh giải độc tố uốn ván để phòng bệnh. Tránh tuyệt đối việc tự thoa đắp các loại lá cây, cỏ không đảm bảo vệ sinh lên vết thương. Đây có thể là một trong các nguyên nhân tạo điều kiện xâm nhập của vi trùng uốn ván.

Linh Giao

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ton-hon-tram-trieu-dong-khi-dieu-tri-uon-van-khong-co-bao-hiem-y-te-2161946.html