'Tôi từng bị chất vấn ai cho phép dùng quả nổ tấn công vào dân'

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hữu Cầu cho biết, trên cương vị giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, ông từng bị một số phóng viên và cán bộ trong Ban thường vụ Tỉnh ủy chất vấn, ai cho phép dùng quả nổ, quả khói tấn công vào dân.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (ảnh VPQH).

Chiều 7.11, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Là người phát biểu mở đầu, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) cho biết trong thực tế khi các vụ tấn công, trấn áp đối tượng chống người thi hành công vụ đã có một số phóng viên và cán bộ trong Ban thường vụ Tỉnh ủy chất vấn ông, ai cho phép dùng quả nổ, quả khói tấn công vào dân.

"Tôi giải thích rằng ranh giới giữa tội phạm và không phải là tội phạm rất mong manh và rõ ràng, do đó ranh giới giữa người tốt và kẻ xấu cũng rất mong manh và rõ ràng. Bình thường anh là người tốt nhưng do quá khích, anh dùng giáo mác, gậy gộc tấn công làm người thi hành công vụ bị thương thì anh lập tức thành người phạm tội. Chúng tôi tấn công là thực hiện quyền phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật là để ngăn chặn và bắt giữ người phạm tội chứ không phải là nhân dân" - ĐB Cầu bày tỏ.

Bàn về Điều 21 dự thảo Luật quy định việc nổ súng, ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, điều luật còn khá dài, một số nội dung chưa hợp lý, nhất là khái niệm nổ súng còn có cách hiểu khác nhau.

"Như khoản 3 Điều 21 quy định trước khi nổ súng phải bắn chỉ thiên để cảnh báo, vậy bắn chỉ thiên có phải là nổ súng không?" - ĐB Cầu đặt vấn đề.

Vẫn theo ĐB Cầu, căn cứ vào tính chất vào mức độ của hành vi nguy hiểm và tính chất quan trọng của đối tượng bị xâm hại cần thiết phải cho người thi hành công vụ tiến hành phòng vệ sớm, nếu phòng vệ muộn sẽ gây hậu quả khôn lường.

"Theo đó các hành vi như sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để tấn công đối tượng cảnh vệ, để củng cố cướp chính quyền, để cướp phá trại giam, bắt cóc con tin, tội phạm ma túy có vũ trang thì cần thiết phải phòng vệ sớm để tiêu diệt đối tượng" - ĐB Cầu nói.

Đồng tình với ĐB Cầu, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá, Điều 21 của dự thảo Luật quy định việc nổ súng là khá rõ ràng, đầy đủ. Tuy nhiên với các đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để tấn công, chống trả hay đe dọa tính mạng sức khỏe người thi hành công vụ hay người khác thì cần cho phép nổ súng ngay chứ không cần phải sau khi đã cảnh báo. "Bởi đây là hành vi hết sức nguy hiểm và manh động, nếu không nổ súng kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ..."- ĐB Tám nói.

Góp ý theo hướng tranh luận, ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cho rằng, cần phải quy định rõ nổ súng vào đối tượng. ĐB Quân phân tích, có một số quy định của pháp luật nói rất rõ trường hợp phương tiện vi phạm bỏ chạy thì lực lượng chức năng được bắn thẳng vào phương tiện nhưng con người vi phạm pháp luật lại không thấy có chữ nào quy định trường hợp được bắn vào đối tượng.

"Trong thực tiễn xảy ra rất nhiều trường hợp, nhiều khi cán bộ, chiến sĩ phải xin ý kiến của cấp trên, thậm chí rất nhiều lãnh đạo, chỉ huy lúng túng trong việc này. Cần phải quy định rất rõ để tạo cơ sở hành lang pháp lý, cơ sở thực hiện, thứ hai cũng là răn đe tội phạm" - ĐB Quân kiến nghị.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/toi-tung-bi-chat-van-ai-cho-phep-dung-qua-no-tan-cong-vao-dan-721315.html