'Tôi thấy vui khi được giúp đỡ người khác'

Dù làm việc ở đâu, ở vai trò nào, đội ngũ cán bộ Mặt trận đều làm với cái tâm, niềm đam mê, trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, cùng người dân gắn kết cộng đồng.

Trong hành trình 93 năm hình thành và phát triển (18-11-1930 – 18-11-2023), MTTQ Việt Nam trong đó có đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp luôn là hạt nhân góp phần xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những người làm công tác Mặt trận được ví như “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” - là người gần gũi với dân nhân nhất, là người hàng ngày sống cùng dân – ở cùng dân, giúp người dân hiểu được các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… Dù làm việc ở đâu, ở vai trò nào, họ đều mang cái tâm, niềm đam mê, trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, hoạt động bền bỉ nhằm gắn kết cộng đồng.

Động viên cả gia đình cùng làm công tác mặt trận

Có gần 20 năm làm công tác mặt trận, ông Nghiêm Đình Hùng, Phó Ban công tác Mặt trận khu phố 4 (phường 9, quận Tân Bình, TP.HCM) được người dân gọi yêu thương với cái tên “ông Hùng bao đồng”.

Dù là doanh nhân, giám đốc điều hành một doanh nghiệp nhưng khi nhận được sự vận động của cấp ủy, ông Hùng vẫn kiêm thêm “hai vai” là Phó Ban Công tác Mặt trận khu phố và Trưởng Ban Thanh tra nhân dân phường 9.

Ông Nghiêm Đình Hùng tham gia các hoạt động do Ủy ban MTTQ phường 9, Tân Bình tổ chức. Ảnh: NVCC

Suốt nhiều năm liền, ông Hùng thường xuyên đi tiên phong trong công tác từ thiện nhân đạo, vận động người dân tham gia nhiều phong trào, mô hình hay như hực hiện mô hình “Khám, tư vấn sức khỏe miễn phí tại nhà”, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, “Vì biển đảo quê hương”...

“Có người nói tôi sao cứ lo chuyện bao đồng nhưng tôi thấy mình còn khỏe, còn làm được nên vẫn cố gắng. Mình có ít thì lo ít, có nhiều thì lo nhiều, hơn cả là tôi thấy vui khi được giúp đỡ người khác” - ông Hùng tâm tình.

Ngày 18-11, nhiều tập thể, cá nhân nhận bằng khen của TP.HCM vì có thành tích xuất sắc trong 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo ông Hùng, niềm vui lớn nhất của người làm công tác an sinh đó là được người dân yêu mến. Bước qua tuổi 60, ông vẫn vững bước đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà dân để lắng nghe những tâm tư, tình cảm của bà con khu phố.

“Tôi luôn cố gắng hiểu được hoàn cảnh, những lo lắng, tâm tư của bà con để tham gia góp ý cho khu phố, phường và trở thành cầu nối gắn kết người dân cùng chính quyền, để người dân cùng đồng hành với sự phát triển của TP” - ông Hùng chia sẻ và cho biết ông còn động viên các con cùng tham gia làm công tác mặt trận. Hiện con trai lớn của ông Hùng cũng là cán bộ mặt trận, công tác ở phường 10, quận Tân Bình.

Với những việc làm ý nghĩa, ông Hùng đã được tặng nhiều bằng khen của UBND TP.HCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM. Gia đình ông được UBND TP.HCM biểu dương “Gia đình Văn hóa - Hạnh phúc tiêu biểu” năm 2023.

Làm cán bộ mặt trận như “làm dâu trăm họ”

Đối với chị Diệp Hồng Trang và người dân phường 11, quận 5 thì chị Lê Thị Bích Thoa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 11 luôn là người cán bộ dễ mến, nhiệt tình.

Chị Trang nói một năm trước, chị phải xin nghỉ việc để về nhà chăm sóc mẹ già. Sau khi tình hình gia đình ổn định, chị Trang muốn tìm việc mới nhưng lại gặp khó vì cơn ‘bão’ giảm việc làm. Hiểu được hoàn cảnh của chị, chị Lê Thị Bích Thoa đã đến nhà thăm hỏi, động viên và hứa sẽ giúp chị tìm công việc mới.

“Chị Thoa đã giới thiệu tôi đến làm việc ở công ty gần nhà, nhờ thế mà kinh tế gia đình tôi mới ổn định hơn. Không chỉ tôi mà chị Thoa còn hỗ trợ rất nhiều gia đình khó khăn ở phường, người dân quanh đây ai cũng quý chị” - chị Trang bộc bạch.

Chị Lê Thị Bích Thoa (bìa phải, thứ 3) thăm gia đình chính sách. Ảnh: NVCC

Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 11, quận 5, chị Thoa luôn là người sâu sát với từng hoàn cảnh gia đình, những tâm tư, nguyện vọng của người dân và thường xuyên đến từng nhà thăm hỏi, động viên.

Dẫu công việc đôi lúc phải đi sớm về khuya nhưng chị luôn xem đó là niềm vui của người cán bộ làm mặt trận. “Cán bộ mặt trận phải là người gần dân, luôn luôn sâu sát và kết nối với người dân. Để làm được điều này, tôi luôn tậm niệm phải đặt cái tâm lên đầu, phải hiểu được hoàn cảnh của họ thì mới chăm lo được cho họ” - chị Thoa tâm tình.

Tại chương trình tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023, có 29 cá nhân nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc”, ngày 18-11. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Nói về công việc của những cán bộ mặt trận, chị Thoa bảo giống như ‘làm dâu trăm họ’. “Mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau, người thì khó cái này, có người khó theo kiểu khác. Vì vậy mình phải hiểu thì dân mới nghe và tin” - chị giải thích.

Năm 2023, chị Thoa cùng phường đã triển khai nhiều mô hình, phong trào hay, mang lại hiệu quả thiết thực như tổ chức, duy trì ốp, gia cố thảm cỏ nhựa tại 153 trụ điện, trụ đèn; phát động phong trào “Sạch nhà – Đẹp ngõ”, khu phố tuyến hẻm “Không rác”...

Vượt qua bệnh tật cùng chăm lo cho người dân

Chỉ vào tuyến đường sắt (đoạn từ đường Lê Tự Tài đến đường Thích Quảng Đức), nơi nhiều loại hoa được trồng và chăm sóc, tỉa cành cẩn thận, ông Nguyễn Thanh Nhân (ngụ phường 4, quận Phú Nhuận) cho biết đó là kết quả nhiều lần vận động của cán bộ mặt trận khu phố.

Ông Nhân kể mới mấy tháng trước, tuyến đường sắt này rất nhiều rác. Khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hai, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố 2, cùng nhiều cán bộ khu phố đã đến từng nhà vận động người dân không xả rác.

“Ông Hai cùng các cán bộ còn bảo nếu có rác thì gom lại xong chờ đến ngày ra khu phố, ra phường đổi quà. Cán bộ còn vận động trồng hoa dọc tuyến đường sắt này, thấy sạch và đẹp nên bà con ngại vứt rác, đường phố cũng ngày càng sạch hơn” - ông Nhân kể.

Ông Nguyễn Ngọc Hai (bìa phải) nhận hỗ trợ từ người dân đóng góp cho các quỹ. Ảnh: NVCC

Dù bước qua tuổi 70 và trải qua hai lần bị tai biến nhưng ông Nguyễn Ngọc Hai vẫn đều đặn tham gia các hoạt động tại khu phố. Từ những việc như giải quyết mâu thuẫn gia đình, vận động bà con khu phố không xả rác đến tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước...

“Tôi bị tai biến hơn một năm nay. Tôi cũng định nghỉ một thời gian để phục hồi sức khỏe nhưng ở nhà lại thấy buồn, thấy nhớ bà con nên lại đi làm” - ông Hai cười xòa.

Ông Hai kể bản thân đã có gần 20 năm làm công tác an sinh xã hội. Năm 1993, ông nhận nhiệm vụ là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 4, quận Phú Nhuận, đến 2013 thì nghỉ hưu. Khi về hưu, ông Hai tiếp tục làm Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 2 đến nay cũng đã hơn 10 năm.

Trong suốt thời gian ấy, ông Hai đã vận động người dân tham gia tham gia nhiều phong trào như “15 phút vì TP văn minh, sạch đẹp”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Khu phố nơi ông công tác nhiều năm liền đạt danh hiệu Khu phố văn hóa.

“Mỗi một người dân đều là mảnh ghép tạo nên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, khu phố tôi ngày càng trở nên sạch đẹp cũng là giúp làm đẹp cho TP” - ông Hai giãi bày.

Ngày 18-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức chương trình họp mặt Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11-1930 -18-11-2023) và tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023.

Dịp này, 29 cá nhân đã nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc”, ba tập thể nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng thời biểu dương 53 gương “Người tốt, việc tốt”.

Ngoài ra, có 79 tập thể nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM, 57 tập thể và 57 cá nhân nhận bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, vì có thành tích xuất sắc trong 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

BẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/toi-thay-vui-khi-duoc-giup-do-nguoi-khac-post762333.html