Tội phạm khoác áo doanh nhân

Chỉ sau khi cơ quan Công an bắt giữ N.N.M và N.T.H là giám đốc của hai doanh nghiệp có tiếng, thành đạt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thì hoạt động như là một nhóm tội phạm “xã hội đen” do hai “doanh nhân” này cầm đầu mới dần lộ rõ.

Nhiều lựu đạn và súng ngắn đã được thu giữ tại “bản doanh” của các đối tượng. Sau đó, cơ quan Công an đã làm sáng tỏ, dưới vỏ bọc doanh nhân, hai đối tượng đã gây ra nhiều vụ phạm pháp, từ buôn lậu đến cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích... Từ lợi nhuận phi pháp, đối tượng đã dần thao túng thị trường gỗ tại địa phương, lũng đoạn hoạt động xã hội một vùng.

Vụ án trên xảy ra cách nay chưa lâu là một điển hình về việc tội phạm khoác áo doanh nhân thực hiện các hành vi phi pháp, gây hậu quả lớn với môi trường kinh doanh và xã hội. Mới đây, trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND về an ninh trật tự, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương- Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã khẳng định, tại TP. có cả những tổ chức tội phạm cổ cồn dưới dạng doanh nhân. Với những tổ chức này, cơ quan Công an cần phải mưu trí, dũng cảm và có thời gian mới triệt phá được. Theo một báo cáo từ Bộ Công an, năm 2016, toàn ngành đã triệt phá hơn 1.000 băng, ổ nhóm tội phạm núp bóng các công ty, doanh nghiệp (siết nợ, đòi nợ thuê, kinh doanh vận tải...).

Ngày 17/5, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm một lần nữa nhận định: “Hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp, công ty ngày càng đa dạng, phức tạp và tinh vi, gây hậu quả lớn đến sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý là sự xâm nhập, can thiệp của tội phạm hình sự vào các lĩnh vực kinh tế thông qua việc thành lập các doanh nghiệp tạo vỏ bọc để thu nạp các đối tượng có tiền án, tiền sự, hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động bảo kê, chèn ép hoạt động kinh doanh, cưỡng bức tài sản, tổ chức tín dụng đen, siết nợ, đòi nợ thuê, can thiệp vào hoạt động đấu thầu, các hợp đồng hợp tác kinh tế... đang đe dọa trực tiếp đến môi trường sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến toàn xã hội”.

Nhìn thẳng thực tế, hoạt động tội phạm khoác áo doanh nhân đang âm thầm nảy nở, tiềm ẩn nguy cơ lớn phá hoại môi trường kinh doanh lành mạnh và cuộc sống yên bình của người dân. Nhóm tội phạm này không chỉ kiếm lợi bằng những vụ việc phi pháp, mà nó có thể ngáng chân những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nhất là trong phong trào khởi nghiệp hiện nay, nó sẽ chặn bước khởi nghiệp, gia nhập thị trường của các doanh nhân trẻ, doanh nghiệp mới thành lập còn non yếu. Đồng thời, nó làm vô hiệu hóa một phần chính sách, quy định pháp luật nghiêm minh, nhân văn mà Nhà nước ban hành. Với nhận định trên của người đứng đầu ngành Công an cũng như hàng loạt vụ việc mà ngành Công an đã xử lý, chúng ta tin tưởng những hoạt động tội phạm được che lấp bởi cụm từ doanh nhân sẽ không còn đất sống. Để làm được điều này cũng có phần trách nhiệm của các doanh nghiệp, doanh nhân và của mỗi người dân trong việc phối hợp cùng cơ quan hữu quan đấu tranh với những hoạt động mờ ám, phi pháp trong đời sống kinh doanh.

Văn Bắc

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/toi-pham-khoac-ao-doanh-nhan.aspx