Tới Campuchia thỏa thú mua sắm

Campuchia không phải là đất nước nổi danh “thiên đường” của châu Á…, nhưng nơi đây, với những Angkor Wat, cung điện Hoàng gia, thủ đô Phnom Penh vẫn là địa điểm lý tưởng của những “tín đồ” thời trang.

Campuchia không phải là đất nước nổi danh “thiên đường” của châu Á…, nhưng nơi đây, với những Angkor Wat, cung điện Hoàng gia, thủ đô Phnom Penh vẫn là địa điểm lý tưởng của những “tín đồ” thời trang.

CôngThương - Trung tâm mua sắm Phnom Penh

Từ cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) đi xe đò 5 giờ đồng hồ là tới Phnom Penh. 2 năm trở lại đây, thị trường Phnom Penh “bùng nổ”, sôi động với nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm lớn mọc lên, đáp ứng nhu cầu của khách từ bình dân đến cao cấp. Các thương hiệu nổi tiếng như: Gucci, Bvlgari, Louis vuitton, Skinny, Zara, Mango cho đến hàng Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc… đều có mặt tại trung tâm mua sắm Phnom Penh. Đó là Trung tâm thương mại Sorya, chợ Mới, chợ Nga (Russian), chợ Olympic, chợ Cây Tre ((Phsa Orussey) nằm liền kề nhau…

Thuế nhập khẩu các loại hàng hóa của Campuchia không quá cao, thị trường nước này còn thiếu minh bạch, giám sát lỏng lẻo nên hàng trốn lậu thuế nhập vào rất lớn. Đó cũng là điều dễ hiểu vì sao Campuchia biến thành thế giới hàng hiệu giá rẻ.

Trung tâm thương mại Sorya là nơi “cư ngụ” của hàng hiệu. Đây là một trong những trung tâm thương mại lớn và sang trọng bậc nhất Phnom Penh. Với hàng chục gian hàng lớn nhỏ, san sát, được thiết kế và bài trí bắt mắt. Quần áo, túi xách được gắn tên những nhãn hàng lừng danh, đồng hồ Thụy Sĩ… có cả, nhưng giá cả, chất lượng thì không biết đâu mà lần, nếu không khéo sẽ mua phải hàng fake (hàng nhái) của Trung Quốc.

Chợ Mới, nằm cách Sorya 2 dãy phố, mang kiến trúc nghệ thuật rất đặc trưng, được xem như một trong những biểu tượng của Phnom Penh. Dọc 2 bên lối vào chợ là những dãy shop bán đồ lưu niệm: Bưu thiếp, áo thun in biểu tượng Campuchia, tranh ảnh bằng bạc, đặc biệt là khăn quàng Krama đặc trưng. Khu đường gần chợ Mới là nơi bán “đồ chơi” xe hơi, khiến không ít khách du lịch Việt mê mẩn. Dân mê xe còn phải choáng ngợp trước những cửa hàng bán xe cũ tại Phnom Penh: Trên, dưới 10 USD cho một chiếc xe đạp, xe máy; hơn 200 USD và 500 USD cho một chiếc ôtô. Các loại xe second hand này hầu hết là xe Mỹ, Nhật được nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật Bản.

Khu chợ Nga nằm liền kề chợ Mới rộng rãi, hàng hóa phong phú, là điểm ưa thích của dân du lịch “bụi”. Nổi bật nhất là VCD, DVD, CD và những sản phẩm quần áo nhập khẩu từ các nước. Các loại nữ trang bằng vàng, bạc cũng được bày bán đầy khắp. Khu chợ Nga là nơi để mua vải và các phụ liệu may mặc. Khách có thể đặt may tại các cửa hàng bản địa ở xung quanh với giá khá mềm. Đến khu chợ Nga có thể dễ dàng giao tiếp bằng tiếng Việt. Đây được coi là một “show room” vỉa hè vì có thể dễ dàng mua các loại túi xách đồ da second hand với đủ nhãn mác, giá khá rẻ.

Thế giới hàng giá rẻ

Tới khu chợ Mới, khách thấy vô vàn gian hàng bán quần áo, giày dép gắn hiệu nổi tiếng nhưng có xuất xứ “Made in Combodia”. Đây cũng là đầu mối cho các thương nhân Việt Nam nhập đủ các loại quần áo, giày dép, phụ kiện hàng hiệu từ Campuchia về TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.

“Những người có thu nhập cao không mua sắm ở những chợ này mà thường tới mua sắm hàng hiệu xịn tại siêu thị Lucky và Wexport - 2 địa điểm chuyên nhập đồ hiệu”- anh Phạm Huy Du, một người Việt đã từng ở Phnom Penh 10 năm cùng nhóm bạn thân người Campuchia chia sẻ.

Tới siêu thị Wexport, chúng tôi choáng ngợp bởi thế giới hàng hiệu. 5 tầng siêu thị bán đủ các loại quần áo, giày dép gắn nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Adidas, Foreve 24, Zara, Skinny... nhập từ EU và Mỹ, với chất liệu cao cấp, mẫu mã đẹp và chỉ bán bằng USD. Tại Campuchia, khách mua hàng có thể sử dụng cùng lúc 2 loại tiền USD và rien Campuchia, với tỉ giá 1USD = 4.200 rien, trong đó, USD được ưu tiên sử dụng tại hầu hết các điểm thanh toán.

Ban đầu, chúng tôi chỉ có ý định tham quan các siêu thị nhưng do hàng ở Wexport giá rẻ bất ngờ, chỉ bằng 1/2 - 1/3 giá bán ở Việt Nam, hơn nữa, 2 người bạn Campuchia là Dara và Sedi còn cho chúng tôi mượn thẻ VIP, được giảm giá 20%, nên cả đoàn hào hứng chọn đồ. Tại đây, giá 1 chiếc quần Skinny Jeans tính ra chỉ khoảng 400 ngàn đồng (trong khi ở Vincom Hà Nội giá cả triệu đồng), 1 chiếc sơ mi nữ của Mango chỉ hơn 200 ngàn đồng, 1váy hiệu Career sản xuất tại Mỹ cũng chỉ hơn 1 triệu đồng, 1 đôi giày nam sản xuất tại EU nhãn mác nổi tiếng cũng chỉ 1 triệu đồng… Vì thế, khi ra khỏi Wexport, ai cũng lỉnh kỉnh đồ.

Những hàng đẳng cấp cao như: Chanel, Burberry, LV, Catier, Sanvator, Adidas “xịn” 100% thì phải tới siêu thị Lucky Mall. Đây là nơi những người giàu ở Campuchia, thậm chí khách ở Việt Nam quen biết thường đến mua.

Mỗi tuần, một nhà máy dệt may ra đời

Trả lời thắc mắc vì sao hàng hiệu ở đây lại có giá rẻ cực sốc đến vậy, ông Nguyễn Thịnh Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Campuchia - cho biết: Trong lĩnh vực may mặc, Campuchia được hưởng Quy chế tối huệ quốc (MNF) của Mỹ và Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) của Liên minh châu Âu, với mức thuế nhập khẩu hàng của Campuchia vào thị trường này gần như bằng 0. Đây là điều kiện để các hãng may mặc, da giày thế giới đầu tư vào nước này. Ngành dệt may Campuchia chủ yếu là gia công cho các hãng lớn tại 27 nước, phần lớn là cho các nước EU và Mỹ. Hiện nay, tốc độ đầu tư vào sản xuất dệt may tăng cao chủ yếu là Nhật Bản, Trung Quốc. Hàng năm, có khoảng 70-80 nhà máy mới được mở thêm ở Campuchia. “Cứ mỗi tuần lại 1 nhà máy dệt may, da giày ra đời”- ông Cường nói. Theo con số thống kê, 10 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD, trong đó hơn 4 tỷ USD là xuất khẩu gia công may mặc, giày dép.

Theo ông Ken Loo - Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia, thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Campuchia sang châu Âu ngày càng mở rộng hơn do khối thị trường 27 nước này đã giảm thuế cho các sản phẩm nhập khẩu từ Campuchia. Cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng may mặc Campuchia đã thay đổi mạnh trong 2 năm trở lại đây. Trước Campuchia xuất khẩu 70% hàng may mặc sang thị trường Mỹ và khoảng 25% sang EU, nhưng năm 2012, tỷ lệ hàng xuất sang Mỹ là 44%, sang EU 35% và các thị trường khác hơn 20%.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/p0c215n31326/toi-campuchia-thoa-thu-mua-sam.htm