Tôi bắt đầu tự 'kiểm duyệt' bản thân

Có câu nói, khi tổn thương quá nhiều, người ta sẽ cố gắng đè nén, chôn vùi tổn thương đó, hình như tôi cũng như vậy.

Ảnh minh họa: Trevor Lawrence/Pexels.

Tôi bắt đầu tự “kiểm duyệt” bản thân mình từ khi nào? Ngồi xem lại mail trong quá khứ, tôi phát hiện ra những dòng tự sự mình đã viết tầm mười năm trước. Có câu nói, khi tổn thương quá nhiều, người ta sẽ cố gắng đè nén, chôn vùi tổn thương đó, hình như tôi cũng như vậy bởi đó là những việc tôi không thể nào nhớ nổi.

Từ khi sinh ra, tôi đã mắc bệnh viêm da dị ứng do di truyền. Ngày đó, bệnh viêm da dị ứng chưa phổ biến như bây giờ, vì vậy bác sĩ chỉ xem xét qua loa, phải tới một khoảng thời gian sau mới biết đó là bệnh viêm da dị ứng.

Bệnh viêm da dị ứng ở trẻ em cũng vậy, các phần nếp gấp ở khuỷu, đầu gối và khóe mắt bị khô và đỏ ửng. Các bạn thường hỏi tôi “Da cậu bị làm sao thế? Nhìn phát khiếp lên được”, thậm chí, một cậu bạn tôi thầm thích còn thẳng thừng nói rằng nhìn tôi như bà già.

Đó là khi tôi học lớp Năm, tôi được xếp bắt cặp với một bạn nam, cả hai phải tập nhảy sao cho đúng nhịp. Tôi vẫn nhớ, cậu ta có vẻ không thích cùng đội với tôi nên không thèm cầm tay tôi, mà chỉ làm vài động tác qua loa cho xong.

Từ đó, tôi trở nên tự ti. Tôi thấy bản thân mình như một sinh vật kỳ lạ, xấu xí, bề ngoài chẳng khác nào bà già đau khổ, và cũng từ đó, tôi tự thu mình lại.

Một chuyện khác xảy ra hồi tôi học cấp hai. Trang online của nhóm chúng tôi tự nhiên xuất hiện một bài viết giấu tên. Ai đó đã đăng một trang gần như toàn những lời miệt thị về tôi. Tôi vẫn nhớ rõ những câu như “Mặt đã xấu lại còn béo”, “Chịu khó tắm rửa sạch sẽ đi, khuỷu tay đen xì không ai dám nhìn”. Những lời bình luận về ngoại hình ấy khiến tôi cảm thấy nhục nhã.

Tôi đã cố gắng xóa sạch ký ức về những chuyện không vui này nhưng dường như chúng vẫn lưu lại trong tiềm thức mà đến chính tôi cũng không nhận ra. Ngày nào tôi cũng dùng khăn tắm kỳ thật kỹ phần khuỷu tay, tôi đứng trước gương hàng chục lần chỉ để xem còn dính gì trên răng hay mũi không, tôi trở thành một người luôn lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình.

Tôi hình thành thói quen tự “kiểm duyệt” bản thân, tới mức tự động ghi âm lại lời nói để xem cách mình nói chuyện với người khác như thế nào. Tôi hiểu rõ là mình đang tự giày vò bản thân, nhưng nỗi sợ rằng có ai đó đang cười nhạo tôi đã lấn át tất cả.

Baek Se-Hee/NXB Công thương & Thái Hà Books.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-bat-dau-tu-kiem-duyet-ban-than-post1446243.html