Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chững lại

(ĐTTCO) - Nhận định được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong buổi họp báo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016 tại Hà Nội chiều 19-7.

WB cho biết, sau khi tăng trưởng mạnh vào năm 2015 tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã chậm lại trong nửa đầu năm 2016, GDP ước chỉ tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp hơn mức tăng 6,3% năm trước.

Nguyên nhân sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua là do tác động bất lợi của đợt hạn hán và xâm nhập mặn gần đây, khiến nông nghiệp và công nghiệp chế biến đang có xu hướng chậm lại.

Ông Achim Fock, Quyền giám đốc WB tại Việt Nam kỳ vọng mức tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6% dù tốc độ tăng trưởng ước tính sẽ chậm lại trong năm nay nhưng viễn cảnh trung hạn kinh tế vẫn tích cực. Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì Việt Nam cần phải tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu để tăng năng suất lao động.

Báo cáo WB nhận định lạm phát trong 6 tháng đầu năm có tăng nhẹ nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Trong khi đó, chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục nhắm đến mục tiêu duy trì cân đối giữa hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên mức tăng trưởng tín dụng 6 tháng ở mức khá cao, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06 nhằm giới hạn tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, hạn chế tác động tiêu cực của tăng trưởng tín dụng nóng và nâng cao chất lượng các khoản vay.

Tình trạng mất cân đối tài khóa tích tụ từ nhiều năm nay theo WB cũng là một mối quan ngại với nền kinh tế. Thâm hụt ngân sách ước tính gần 6,5% GDP vào cuối năm trước, nợ công chiếm khoảng 62,2% GDP và đang tiến gần mức trần 65% GDP. Kết quả sơ bộ về thu chi ngân sách trong 6 tháng đang cho thấy áp lực ngân sách còn tiếp diễn trong những tháng còn lại của năm 2016.

Tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại nhưng không đáng xấu.

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng, dù tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại nhưng không đáng xấu, không quá quan ngại khi đặt Việt Nam trong bối cảnh kinh tế chung toàn cầu. Mức tăng trưởng 5,5% là khá mạnh rồi. Tác động của hạn hán ảnh hưởng đến nông nghiệp, dù nông nghiệp không đóng góp nhiều cho tăng trưởng GDP của Việt Nam nhưng nó ảnh hưởng lớn đến các ngành khác như công nghiệp chế biến. Năm trước tăng trưởng nông nghiệp đóng góp 2,2% điểm tăng trưởng nhưng 6 tháng đầu năm 2016 nông nghiệp chỉ đóng góp 0,3% điểm tăng trưởng.

Điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay theo WB là công nghiệp xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ bù đắp cho sự sụt giảm của nông nghiệp. Mặt khác tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm là khá tích cực, ước tăng khoảng 6%, trong khi tăng trưởng xuất khẩu chung toàn cầu chỉ khoảng 3%. Mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cao gấp đôi mức tăng toàn cầu, điều này cho thấy thị phần xuất khẩu của Việt Nam đang mở rộng.

Đánh giá chung tình hình kinh tế Việt Nam trong quý II, WB đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ mức 6,2% (đưa ra hồi tháng 4-2016) xuống còn 6% trong cả năm nay. Cũng theo tổ chức tài chính này mức tăng GDP của Việt Nam trong năm sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Việc Chính phủ dự kiến lập ra một cơ quan ngang bộ để quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là hoàn toàn hợp lý để tác chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức tăng sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước.

Đăng Tuân

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160719/toc-do-tang-truong-kinh-te-dang-chung-lai.aspx