Toàn quốc có hơn 30.000 trẻ em được nhận làm con nuôi trong và ngoài nước, giai đoạn 2011 – 2020Tin khácDoanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng vượt qua đại dịchLinh hoạt hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật

Sáng nay (9/11), Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Luật Nuôi con nuôi (NCN) và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực NCN quốc tế (Công ước La Hay). Hội nghị kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố.

Luật NCN đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Ngày 1/2/2012, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Công ước La Hay. Sau 10 năm thực hiện Luật NCN và Công ước La Hay, công tác NCN đã đạt được những kết quả nhất định.

Trong giai đoạn 2011 – 2020, toàn quốc giải quyết cho 30.519 trẻ em làm con nuôi trong và ngoài nước. Trong đó có 26.623 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi trong nước, chiếm hơn 87%. Trong số trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước có 3,7% trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng; 17,4% trẻ em ở nơi nuôi dưỡng tạm thời và 78,9% trẻ em sống ở gia đình gốc.

Hầu hết trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước có sức khỏe bình thường, chỉ một số ít trẻ em mắc bệnh. Có 69,5% trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước phát triển tốt, 21,8% trẻ em có mức độ phát triển bình thường, NCN không thành công chỉ ở mức độ rất thấp (0,3%).

Trong tổng số 3.896 trẻ em Việt Nam được giải quyết làm con nuôi nước ngoài giai đoạn 2011 – 2020, có 2.821 trường hợp được giải quyết theo trình tự thủ tục Công ước La Hay (chiếm gần 74%). Đến nay, toàn quốc có 29 tổ chức con nuôi nước ngoài đang hoạt động.

Tại tỉnh Lạng Sơn, thông qua các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác NCN, bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực NCN quốc tế trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan chuyên môn của tỉnh, UBND cấp huyện, xã nghiêm túc triển khai thực hiện theo quy định.

Giai đoạn 2011 – 2020, toàn tỉnh đã giải quyết 504 trẻ em làm con nuôi trong và ngoài nước, trong đó trong nước có 437 trẻ.

Việc giải quyết cho nhận NCN được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thời hạn, lệ phí theo quy định của pháp luật; bảo đảm trẻ em được nhận làm con nuôi, được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình đủ điều kiện để phát triển về mọi mặt. Hiện nay, 100% UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã trang bị phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch (trong đó có phân hệ đăng ký, quản lý NCN).

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành trung ương, sở tư pháp các tỉnh, thành phố đã tham luận, phát biểu ý kiến, tập trung vào các vấn đề như: công tác xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi; cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; vướng mắc, khó khăn trong công tác giải quyết NCN; nhu cầu được nhận làm con nuôi đối với trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng…

Đồng thời, các đại biểu đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật về NCN, nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về công tác NCN.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao các ý kiến tham luận tại hội nghị, kết quả hơn 10 năm thực hiện Luật NCN và Công ước La Hay.

Đồng chí đề nghị: Thời gian tới, các bộ, ngành trung ương và địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thi hành Luật NCN và Công ước La Hay hiệu quả với phương châm “Dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho trẻ em”; đánh giá kỹ hiệu lực thi hành Luật NCN, pháp luật về trẻ em trong tình hình mới. Đồng thời tích cực phối hợp, chủ động trao đổi thông tin, tăng cường thanh, kiểm tra, rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành Luật NCN; đẩy mạnh hợp tác quốc tế lĩnh vực NCN, thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc cam kết theo Công ước La Hay.

Nhân dịp này có 20 tập thể, cá nhân xuất sắc được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, triển khai thi hành Luật NCN và Công ước La Hay.

DƯƠNG DUYÊN - ĐẠI NGỌC

TRANG NINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phap-luat/460527-toan-quoc-co-hon-30-000-tre-em-duoc-nhan-lam-con-nuoi-trong-va-ngoai-nuoc-giai-doan-2011-2020.html