Tòa thánh Vatican có cứu được Venezuela khỏi nội chiến?

Theo tờ báo Quan điểm của Nga, trong nỗ lực cứu Venezuela thoát khỏi nội chiến, cũng như cứu chế độ của mình, Tổng thống Venezuela Nikolas Maduro đã đến thăm Tòa thánh Vatican mang theo hy vọng rằng Giáo hoàng Francis sẽ hòa giải được những bất đồng hiện nay giữa Chính phủ và phe đối lập Venezuela...

Tổng thống Venezuela Nikolas Maduro

Căng thẳng giữa Chính phủ và phe đối lập Venezuela đã lên đến đỉnh điểm khi Quốc hội Venezuela với phần lớn ghế thuộc phe đối lập đã thông qua nghị định sẽ bắt đầu quá trình luận tội đối với Tổng thống Nicolas Maduro, mở đường cho tiến trình phế truất quyền lực của Tổng thống.

Tờ Quan điểm nhận định, căng thẳng trong nước là một trong các nguyên nhân chính khiến ông Maduro phải thực hiện chuyến công du đi nước ngoài, đến các quốc gia trong Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Tòa thánh Vatican để có thể tìm được đồng minh, giúp hóa giải căng thẳng trong nước.

Sau các nước ở Trung Đông, ông Maduro ngày thứ Hai vừa qua (24/10) đã đến Tòa thánh Vatican và được Giáo hoàng Francis tiếp đón. Phía Vatican cũng bày tỏ quan ngại vì bối cảnh căng thẳng chính trị, khủng hoảng kinh tế-xã hội hiện nay ở Venezuela. Tổng thống Maduro đề nghị Giáo hoàng Francis cử Ngoại trưởng Vatican Pietro Parolin đến Caracas làm trung tâm hòa giải.Pietro Parolin được coi là nhân vật thứ hai ở Vatican. Trước khi trở thành Ngoại trưởng Vatican, ông Pietro Parolin đã từng đảm nhiệm vị trí là đại diện của Giáo hoàng tại Venezuela nên cũng có những ảnh hưởng nhất định đến phe đối lập nước này.

Về phần mình, Giáo hoàng Francis kêu gọi ông Maduro tiến hành đàm phán với phe đối lập một cách “dũng cảm và trung thực”. Theo dự kiến, các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Venezuela với phe đối lập có thể được bắt đầu từ ngày 30/10 tới đây.

Thiên chúa giáo có kết nối được chính quyền và phe đối lập Venezuela?

Tờ Quan Điểm nhìn lại quá trình xung đột chính trị ở Venezuela. Theo đó, các cuộc biểu tình của phe đối lập và cả phe ủng hộ chính quyền Venezuela đã diễn ra từ ngày 4/2/2014 với các cuộc biểu tình của giới sinh viên tại thành phố San Cristobal, thủ phủ bang Tachir, và sau đó lan ra các thành phố khác. Giới sinh viên tham gia biểu tình phàn nàn rằng các biện pháp đảm bảo an ninh tại các trường đại học không được đảm bảo, sau đó quay sang cáo buộc chính quyền gây ra khủng hoảng kinh tế do các bất đồng về chính trị.

Kể từ tháng 2/2014 đến nay, đụng độ giữa những người chống đối và những người ủng hộ chính quyền vẫn tiếp diễn và đã cướp đi sinh mạng của 39 người. Các quốc gia thành viên của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) cũng đã cố gắng thực hiện vai trò trung gian hòa giải xung đột ở Venezuela nhưng không thành công. Do đó, kể từ tháng 3 năm nay, ông Maduro đã cố gắng thuyết phục Tòa thánh Vatican đứng ra làm trung gian hòa giải giữa chính quyền và phe đối lập.

Phe đối lập Venezuela biểu tình phản đối Quốc hội và Tổng thống

Tháng 12/2015, đảng Chủ nghĩa Xã hội cầm quyền ở Veneenezuela đã thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội và mất đi phần lớn ghế của mình trong quốc hội.Kể từ đó trở đi, Khối thống nhất dân chủ đối lập thường xuyên đưa vấn đề luận tội và phế truất tổng thống đối với ông Maduro ra trước quốc hội.

Đến ngày Chủ nhật (23/10) vừa qua, Quốc hội Venezuela đã chính thức cáo buộc ông Maduro tội tiến hành đảo chính. Lý do được đưa ra để giải thích cho quyết định này là việc ông Maduro đã quyết định chuyển thời gian tiến hành trưng cầu dân ý về việc chấm dứt trước thời hạn quyền lực của tổng thống sang một thời gian chưa xác định, có nghĩa là trì hoãn cuộc trưng cầu dân ý này. Hôm thứ Năm tuần trước (20/10), Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela tuyên bố, việc tiến hành giai đoạn hai của quá trình chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý về chấm dứt trước thời hạn quyền lực của tổng thống sẽ bị trì hoãn đến một thời điểm chưa xác định.

Xét bối cảnh hiện nay, việc phế truất tổng thống trong năm nay sẽ không thực hiện được.Lực lượng đối lập Venezuela cần phải tổ chức được cuộc trưng cầu dân ý trước ngày 10/1/2017 vì nếu sau thời điểm này, nếu như mất chức thì ông Maduro vẫn có quyền bổ nhiệm người phó của mình đảm nhiệm chức vụ tổng thống trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của ông.

Một điểm trừ đáng kể đối với phe đối lập Venezuela là lực lượng này gần như có chung một thành phần xã hội. Khác với tổng thống nhận được sự ủng hộ sâu rộng của những tầng lớp dân nghèo, các ý tưởng của phe đối lập Venezuela hầu như chỉ nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp thượng lưu, còn tầng lớp này lại thường xuyên bị những người ủng hộ chính sách cánh tả của ông Maduro chỉ trích mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng và bất đồng gần như không thể hòa giải giữa phe đối lập và chính quyền ông Maduro, hy vọng vẫn còn khi cả hai lực lượng này tôn sùng Thiên chúa giáo và tín nhiệm với Giáo hoàng Francis.

Venezuela là một đất nước Thiên chúa giáo truyền thống, là thuộc địa cũ của Tây Ban Nha, nơi phần đông dân số theo Thiên chúa giáo. Truyền thống Thiên chúa giáo đã bắt rễ ở quốc gia này. Ngoài ra, kể từ nửa sau của thế kỷ trước, cũng giống như các quốc gia Nam Mỹ khác, thế lực của những người ủng hộ cái gọi là “thần học giải phóng” ở Venezuela là khá mạnh.(Thần học giải phóng được hiểu như là sự tham gia của các linh mục Thiên chúa giáo vào các phong trào cánh tả khác nhau có vũ trang).

Theo chuyên gia phân tích tôn giáo người Nga Travkin, chế độ cầm quyền ở Venezuela đang kết hợp giữa chủ nghĩa Mark với Thiên chúa giáo, trong khi lực lượng đối lập Venezuela cũng chủ yếu theo và tôn sùng Thiên chúa giáo. Đây chính là cơ sở để hy vọng về vai trò trung gian hòa giải giữa Chính phủ với phe đối lập Venezuela.

Điểm hy vọng khác cho quá trình hòa giải này là ở chỗ Giáo hoàng Francis nổi tiếng với biệt danh “cha của những người nghèo” vì rất tích cực kêu gọi cho công bằng xã hội. Hơn nữa, Giáo hoàng Francis là người Argentina nên ông không xa lạ gì với khu vực Nam Mỹ. Ngoài ông Maduro, Giáo hoàng Francis cũng đã không ít lần tiếp xúc với các chính trị gia là nguyên thủ các nước Nam Mỹ khác.

Theo chuyên gia Travkin, ông Maduro và cộng sự của mình đã gặp may khi “cầu cứu” đến Giáo hoàng. Bản thân Vatican cũng rất muốn ổn định tình hình ở lục địa này. Nguyên nhân là do nếu bất ổn nổ ra ở Venezuela thì nó có thể nhanh chóng lan sang các nước láng giềng như Colombia và Panama.

“Vatican muốn tháo ngòi nổ ở Venezuela là điều dễ hiểu.Giáo hoàng luôn mong muốn khu vực “quê hương” của mình có được sự ổn định và yên ổn”, ông Travkin kết luận.

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/toa-thanh-vatican-co-cuu-duoc-venezuela-khoi-noi-chien-post212343.info