Tọa đàm 'Ứng xử tâm lý của lãnh đạo trong hoạt động quản lý' diễn ra sôi nổi

Việc đào tạo, bồi dưỡng về công tác lãnh đạo, quản lý nói chung còn chưa được quan tâm nhiều. Tọa đàm nhằm nâng cao nghệ thuật quản lý trong các thư viện ĐH.

Ngày 29/02, tại Hội trường của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Liên Chi hội Thư viện đại học khu vực phía Bắc - NALA phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển tri thức số (IDK) thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Ứng xử tâm lý của lãnh đạo trong hoạt động quản lý”.

Tham dự tọa đàm, có sự góp mặt của bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch); ông Phạm Ngọc Lan - Trưởng ban Công tác Hội viên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam); ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam... cùng nhiều đại biểu, khách mời là các cán bộ quản lý, nhân viên thư viện đang công tác tại các thư viện trường đại học tại miền Bắc.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Mở đầu tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu chào mừng: “Tôi cho rằng, buổi tọa đàm hôm nay sẽ mang lại điều thú vị. Lãnh đạo luôn có một vai trò rất to lớn trên mọi mặt, ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động của các tổ chức, và thư viện cũng là một tổ chức rất đặc biệt, các hoạt động của thư viện cũng rất đặc biệt. Và ứng xử của lãnh đạo trong lĩnh vực thư viện cũng nên có sự đặc biệt để thực hiện tốt hơn, không quá vất vả nhưng tạo ra những sự mới mẻ thay vì việc lãnh đạo mà chỉ sử dụng các công cụ đơn thuần như các nhà quản lý trong các lĩnh vực khác, như vậy, sẽ tạo được động lực lớn hơn cho đội ngũ.

Tôi cũng đồng tình với quan điểm, nên thay đổi phong cách lãnh đạo, từ cách lãnh đạo theo kiểu lập kế hoạch, điều hành... như một nhà quản lý thông thường sang cách lãnh đạo chú ý hơn về mặt tâm lý, tạo động lực cho đội ngũ vốn dĩ công việc đang có sự nhàm chán nhất định, tạo ra môi trường mới để thu hút và giữ chân được nhân viên muốn tham gia cống hiến”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương - Chủ tịch Liên chi hội Thư viện đại học khu vực phía Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số cho biết: “Hoạt động quản lý, lãnh đạo là một công việc rất quan trọng, không đơn thuần chỉ là một công việc theo ý nghĩa hành chính mà còn mang tính chất nghệ thuật. Nhưng thực tế ở Việt Nam, việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ, công tác lãnh đạo, quản lý nói chung còn chưa được quan tâm nhiều.

Có thể nói, rất nhiều các cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay chưa hoặc không được đào tạo một cách chính thức, thậm chí là chưa được được dự những khóa tập huấn, bồi dưỡng về hoạt động quản lý, nghiệp vụ quản lý. Đó là một điều rất đáng tiếc!

Chính vì vậy, một trong những nội dung của Liên chi hội Thư viện đại học khu vực phía Bắc hiện nay là nâng cao khả năng quản lý của giám đốc, lãnh đạo quản lý của các thư viện đại học, nhằm tổ chức thư viện hoạt động tốt nhất, làm sao thu hút, động viên đông đảo cán bộ, viên chức làm tốt công tác chuyên môn và phục vụ tốt nhất về thông tin tri thức cho người dùng.

Chính vì vậy, chúng tôi tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề này. Trong buổi tọa đàm, chúng tôi mời một diễn giả là chuyên gia có nhiều năm giảng dạy về khoa học quản lý, người đã từng đi dạy và quản lý ở một số quốc gia và đặc biệt thầy cũng rất là am hiểu về những vấn đề về dân tộc học, về tâm lý, ý thức của người Việt. Phần thứ hai, sẽ là những chia sẻ, tranh luận về hoạt động quản lý, lãnh đạo.

Nội dung hôm nay cũng là nội dung chúng tôi dự kiến là sản phẩm đầu tiên đưa vào bộ sưu tập số hóa sau này, để lan tỏa đến những ai quan tâm đến nội dung này mà chưa có cơ hội tham dự trực tiếp”.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương - Chủ tịch Liên chi hội Thư viện đại học khu vực phía Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số.

Trao đổi thêm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương chia sẻ: “Mục đích của Tọa đàm nhằm nâng cao khả năng, kinh nghiệm, hay nói cách khác cao hơn là nghệ thuật quản lý trong các thư viện đại học. Và chúng tôi cũng hy vọng rằng, thông qua buổi tọa đàm này, ngoài việc chia sẻ về việc tiếp nhận những phương pháp, ứng xử sinh động, linh hoạt trong cuộc sống đời thường và trong công việc, thì hoạt động quản lý trong các thư viện đại học được nâng cao hơn. Nhờ đó, việc tổ chức thông tin, phục vụ cung cấp, chia sẻ thông tin, tri thức cho người dùng, cho các thầy cô và sinh viên các trường đại học được thực hiện tốt hơn”.

Trong vai trò diễn giả, Tiến sĩ Phan Chí Thành - nguyên giảng viên Khoa Khoa học Chính trị (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ những kinh nghiệm đáng quý và triết lý về vai trò của một nhà lãnh đạo.

Theo đó, vị diễn giả đề cập đến một số điểm: “Ứng xử tâm lý của người lãnh đạo cần phải làm đầu tiên là phải tôn trọng lợi ích cá nhân. Người lãnh đạo phải là người tự tin nhưng không phải tự cao. Thứ hai, làm lãnh đạo phải là người trung thực. Thứ ba, là kiểm soát bản thân, đã làm lãnh đạo, xin thưa đừng nói tục. Thứ tư, đã là lãnh đạo, bao giờ cũng phải giữ khoảng cách với người bị lãnh đạo, không bao giờ để người bị lãnh đạo hiểu hết về mình, “đọc vị” mình, như vậy rất dễ bị “dắt mũi”. Thứ nữa, làm lãnh đạo, phải thưởng phạt phân minh, mà cũng nên nhớ, đừng bao giờ phê bình cá nhân trước tập thể...”.

Tiến sĩ Phan Chí Thành - nguyên giảng viên Khoa Khoa học Chính trị (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Sau phần chia sẻ của diễn giả Phan Chí Thành, các đại biểu đã tham quan thư viện Trường Đại học Kinh tế quốc dân và cùng trao đổi bên lề.

Các đại biểu tham quan thư viện Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Trong phần thứ hai, 4 đại biểu gồm bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch); Tiến sĩ Phan Chí Thành - nguyên giảng viên Khoa Khoa học Chính trị (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam và ông Dương Đình Hòa - Giám đốc Công ty cổ phần Thông tin và Công nghệ số IDT Việt Nam đã cùng chia sẻ quan điểm về vai trò của nhà lãnh đạo trong hoạt động quản lý ở những góc nhìn khác nhau.

Chia sẻ về nhà lãnh đạo trong hoạt động quản lý ở nhiều góc độ khác nhau.

Với kinh nghiệm là một nhà lãnh đạo quản lý trong nhiều năm qua, bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch) cho biết: “Theo tôi, có 3 nhân tố tạo nên thành công trong công tác lãnh đạo hiện nay: Hiểu biết về con người; Hiểu biết về công việc, có năng lực trong lĩnh vực của mình; và xây dựng các mối quan hệ không chỉ trong nội bộ mà cả các mối quan hệ bên ngoài, tạo ra sự hợp tác để đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực của mình”.

Bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch).

Ông Dương Đình Hòa cũng đồng tình với ý kiến trên và bổ sung: “Một người lãnh đạo sẽ có rất nhiều quy chuẩn cần phải có, tuy nhiên, một điều mà tôi cho rằng cũng rất quan trọng đó là lãnh đạo phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bởi vì thực ra, nếu như chúng ta không dám nghĩ, dám làm, chúng ta không dám chịu trách nhiệm, thì cũng sẽ rất khó tạo ra những thành công, đột phá”.

Còn Tiến sĩ Phan Chí Thành - nguyên giảng viên Khoa Khoa học Chính trị (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: “Trong tất cả những ý đã nêu, nếu để sàng lọc lại cái gì là cái nhất, thì tôi cho rằng đó là sự tự tin. Bởi, tự tin sẽ tạo một nội lực rất kinh khủng”.

Tiến sĩ Phan Chí Thành - nguyên giảng viên Khoa Khoa học Chính trị (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Chia sẻ về “nỗi sợ của nhà lãnh đạo”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú hóm hỉnh đưa ra quan điểm: “Đầu tiên, tôi sợ nhất sự dối trá và sợ sự xu nịnh. Bởi vì, người lãnh đạo phải biết lắng nghe và nghe những lời nói dối hay xu nịnh và tin đấy là thật thì đó là “hố chôn mình””.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ về nỗi sợ.

Đối với “nỗi sợ” này, bà Kiều Thúy Nga lại cho rằng: “Vì là nữ lãnh đạo, nên tôi sợ nhất là việc mình ra quyết định sai lầm trong quá trình lãnh đạo, quản lý: quyết định về con người, quyết định về công việc”.

Nhắc đến “định nghĩa về lãnh đạo”, ông Dương Đình Hòa chia sẻ: “Theo tôi đó là lo được cho tập thể dẫn dắt”. Còn bà Kiều Thúy Nga cũng bày tỏ: “Theo tôi, lãnh đạo là dẫn dắt, định hướng, tổ chức và đạt mục tiêu”.

Ông Dương Đình Hòa - Giám đốc Công ty cổ phần Thông tin và Công nghệ số IDT Việt Nam.

Quan điểm khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú nhấn mạnh: “Đối với những người nghệ sĩ như chúng tôi, lãnh đạo là sự đồng hành, là sự đi cùng với những người khác”.

Bên cạnh sự thú vị trong hoạt động quản lý của người lãnh đạo, các diễn giả cũng chia sẻ về không ít khoảnh khắc lo lắng, phải liều lĩnh quyết định và phải đứng trước nhiều áp lực.

Sau phần chia sẻ quan điểm, các đại biểu tham dự tọa đàm đã có những câu hỏi tranh luận gửi đến các diễn giả xoay quanh chủ đề “Ứng xử tâm lý của lãnh đạo trong hoạt động quản lý”.

Đại biểu đặt câu hỏi.

Một số hình ảnh khác trong khuôn khổ buổi tọa đàm:

Bài và ảnh: Mộc Hương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/toa-dam-ung-xu-tam-ly-cua-lanh-dao-trong-hoat-dong-quan-ly-dien-ra-soi-noi-post241181.gd