Tọa đàm những vấn đề còn bỏ ngỏ về nghệ thuật đương đại

Tọa đàm có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Chí Thành; TS. Nguyễn Đức Thành; Dịch giả Phạm Diệu Hương; Nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông, bắt đầu lúc 18:00 ngày 24/9 tại L'espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Nghệ thuật đương đại ra đời vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 được xem như là thời kỳ sản sinh ra những nghệ sĩ với các tác phẩm ngỗ ngược, điên rồ và bất trị nhất trong các thời kỳ nghệ thuật từ trước tới nay và là nguồn cơn bùng phát của những mâu thuẫn, xung đột về tư tưởng, quan điểm, tiêu chuẩn và giá trị nghệ thuật…

Marc Jimenez- nhà triết học Pháp, nhà Đức học và là giáo sư giảng dạy về Mỹ học- là tác giả cuốn sách "50 câu hỏi mỹ học đương đại"

Thực tế này như một sự khiêu khích và đôi khi bị công chúng hiểu sai, có thể là do sự quan tâm ngày càng cao đối với mỹ học. Ngay từ thế kỷ 19, mỹ học đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng của tính hiện đại nghệ thuật, đối mặt với các phong trào tiền phong và mỹ học được phóng tác ra một hệ thống thuật ngữ đặc thù, có nguồn gốc triết học, mà không phải là luôn quen thuộc với những người không chuyên.

Tuy nhiên nhìn vào những gì thuộc về lý thuyết, tới nay vẫn chưa có một hệ thống đầy đủ về các công trình nghiên cứu cũng như các giáo trình giảng dạy trong các trường học về nghệ thuật đương đại. Trên thực tế, nhiều cuộc tranh luận xoay quanh nghệ thuật đương đại liên quan đến việc suy xét thẩm mỹ đã đặt ra nhiều câu hỏi cho những nhà nghiên cứu và cần có những giải đáp thấu đáo.

Với mong muốn giải đáp phần nào những câu hỏi, những vấn đề về hiện trạng của nghệ thuật đương đại cho những người quan tâm tới nền nghệ thuật đương đại, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội và công ty Nhã Nam phối hợp với France Alumni và CUCA Vietnam tổ chức Tọa đàm về Nghệ thuật đương đại: Những vấn đề còn bỏ ngỏ.

Trong dịp này, cuốn sách 50 câu hỏi mỹ học đương đại của tác giả Marc Jimenez cũng sẽ được giới thiệu tới người tham gia tọa đàm như một gợi ý, một nguồn tham chiếu khách quan, cung cấp những câu trả lời hoặc gợi ý cho việc thực hành, nghiên cứu của giới chuyên môn cũng như việc tìm hiểu của công chúng quan tâm về hiện trạng của nghệ thuật đương đại hiện nay.

Tác giả Marc Jimenez là một nhà triết học Pháp, nhà Đức học và là giáo sư giảng dạy về Mỹ học tại Khoa nghệ thuật tạo hình và khoa học nghệ thuật của Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne, nơi ông đồng thời điều hành Trung tâm nghiên cứu Mỹ học lý thuyết và ứng dụng. Ông là thành viên của Hiệp hội Mỹ học Pháp và giám đốc của “Bộ sưu tập Mỹ học” của nhà xuất bản Klincksieck.

Nội dung cuốn sách trình bày các vấn đề nghệ thuật ra đời vào thế kỷ XX cùng những câu hỏi cốt yếu, các câu trả lời tường minh, kể từ những khái niệm cơ bản, những điểm mốc thiết thực, có thể giúp người đọc hình thành quan điểm hay củng cố, phát triển lên nữa quan điểm sẵn có của mình, thậm chí là còn thay đổi chính quan điểm đó. Qua 7 phần chính: Mỹ học “cổ điển”- Điểm lại một số khái niệm nền tảng; Những thách thức mới của mỹ học đầu thế kỷ 20; Những định hướng thẩm mỹ trước và sau thế chiến II; Hiện đại- hậu hiện đại- hậu tiền phong; Mỹ học và những công nghệ mới; Sự khủng hoảng của nghệ thuật; Các xu hướng đương thời của mỹ học.

Tham gia tọa đàm có sự hiện diện của các khách mời: Dịch giả, Nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương; Phó giáo sư, Tiến sĩ toán học Nguyễn Chí Thành; Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Thành; Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông.

Tọa đàm bắt đầu lúc 18:00 ngày 24/9 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, mở cửa tự do cho các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật, các nhà báo và mọi người quan tâm.

Minh Thư

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/toa-dam-nhung-van-de-con-bo-ngo-ve-nghe-thuat-duong-dai-211749.html