Tọa đàm Luật Thủ đô (sửa đổi): tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa

Sáng 15/5, Báo Kinh tế&Đô thị tổ chức buổi tọa đàm 'Sửa Luật Thủ đô: tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa'.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đang tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua.

Dự Luật được giới chuyên gia đánh giá có tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển của đất nước nói chung và Thủ đô trong thời gian tới nói riêng. Đồng thời, đã cụ thể hóa tương đối đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều điểm mới.

Một trong những nội dung quan trọng của Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này là chính sách phát triển, phát huy giá trị văn hóa Hà Nội. Đây là những quy định góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trên cơ sở mục tiêu về phát triển văn hóa được đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô và trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 11 Luật Thủ đô năm 2012, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa với một số cơ chế đặc thù mới nhằm giúp Hà Nội có cơ chế vượt trội, để bảo tồn cũng như phát huy được bản sắc, giá trị văn hóa của Thủ đô.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng.

Với mong muốn phân tích sâu hơn về vấn đề này, tạo sự đồng thuận với những điểm mới liên quan đến quy định được nêu trong Dự Luật, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm “Sửa Luật Thủ đô: tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa”.

Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm hôm nay gồm có:

PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV

Ông Trương Minh Tiến – Nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP Hà Nội

Bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH&TT Hà Nội

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế&Đô thị cho biết: thực hiện Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 29/1/2024 của UBND Thành phố Hà Nội về đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng thời, để tiếp tục góp phần hoàn thiện các chính sách nổi bật trong Dự thảo Luật trước khi Quốc hội khóa XV thảo luận, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm với chủ đề “Sửa Luật Thủ đô: tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa”.

Ông Nguyễn Xuân Khánh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng.

Ông Nguyễn Xuân Khánh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng.

Phải khẳng định, việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện kể từ khi thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra, các chuyên gia, nhà khoa học, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục được cơ quan soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho chính quyền Thành phố Hà Nội, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật.

Tại Kỳ họp Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/5, Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được trình ra thảo luận và xem xét, thông qua. Trong đó, một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là vấn đề phát triển văn hóa Hà Nội được thể hiện tập trung tại Điều 21 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Các diễn giả tại tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng.

Các diễn giả tại tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng.

Ông Nguyễn Xuân Khánh nhấn mạnh: "Tổ chức tọa đàm này, chúng tôi kỳ vọng, gợi mở để cùng các chuyên gia, nhà quản lý phân tích, làm rõ hơn về tầm quan trọng của những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng văn hóa của Thủ đô; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bản sắc Thủ đô, giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, tạo ra nguồn lực nội sinh để thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô.

Đồng thời, từ thực tiễn, phân tích, đề xuất thêm các ý kiến liên quan đến các quy định, chính sách về phát triển văn hóa được thể chế hóa trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt là các chính sách mới, đặc thù. Qua đó, góp phần xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp, cũng như đảm bảo tính khả thi, tạo hiệu quả như mong muốn sau khi Luật được thông qua và đi vào cuộc sống. Từ đó, đáp ứng yêu cầu trong thực tiễn theo mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045."

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/toa-dam-luat-thu-do-sua-doi-tao-co-che-dac-thu-dot-pha-trong-phat-huy-gia-tri-van-hoa-380822.html