Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề 'Nhà báo Xuân Thủy'

Tại tọa đàm 'Nhà báo Xuân Thủy (1912 – 1985)', tham luận của các đại biểu đã góp phần làm rõ những đóng góp to lớn của nhà báo Xuân Thủy với những di sản báo chí quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, trong hoạt động đào tạo báo chí và hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam.

Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023), ngày 14/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề "Nhà báo Xuân Thủy (1912 – 1985)".

Tham dự sự kiện có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các nhà báo lão thành, lãnh đạo một số ban, đơn vị thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo một số cơ quan báo chí, lãnh đạo một số bảo tàng, các đồng nghiệp báo chí...

Phát biểu tại sự kiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã nêu bật những đóng góp của nhà báo Xuân Thủy với nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: H.Hoàng)

Đồng chí Lê Quốc Minh nêu rõ: Suốt cuộc đời mình, nhà báo Xuân Thủy đã giữ nhiều trọng trách trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và luôn có những cống hiến xuất sắc trên các công tác ngoại giao, báo chí, trên phong trào bảo vệ hòa bình đoàn kết hữu nghị quốc tế, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có thể nói, báo chí là lĩnh vực được nhà báo Xuân Thủy dành trọn sự say mê và gắn bó nhất cho đến giây phút cuối cùng.

Thay mặt lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Lê Quốc Minh bày tỏ tình cảm sâu sắc của những người làm báo và hội viên cả nước đối với vị Chủ tịch Hội đầu tiên, người đặt nền móng, gây dựng và phát triển ngôi nhà chung đoàn kết và chuyên nghiệp ngay từ giữa thế kỷ trước cho các thế hệ làm báo hôm nay.

90 năm trước, người thanh niên Xuân Thủy đã bắt đầu chặng đường hoạt động cách mạng của mình bằng nghề báo, cộng tác viên một số tờ báo nổi tiếng ở Hà Nội như Trung Bắc Tân Văn, Hà Thành ngọ báo… Từ Hà Nội lên Phúc Yên, ông vừa làm tuyên truyền giác ngộ cách mạng và tập hợp thanh niên, vừa thu thập tin tức viết bài. Từng bước, báo chí trong tay ông như thanh gươm được mài sắc trên hành trình làm cách mạng. Năm 1941 bị thực dân Pháp cầm tù, ông vẫn tạc được một dấu son của báo chí trong tù với tờ báo mang tên Suối reo.

Từ năm 1944, ông làm chủ nhiệm, chủ bút báo Cứu Quốc của Việt Minh, vừa lãnh đạo báo vừa là cây bút chính với nhiều bút danh như Chu Lang, Tất Thắng, Ngô Tất Thắng… Trong những thời điểm then chốt của cách mạng, báo Cứu Quốc đã tỏ rõ tính dự báo chính xác, tính chiến đấu cao với sức hô gọi lôi cuốn quần chúng mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của nhà báo Xuân Thủy, Cứu Quốc trở thành tờ báo lớn nhất có ảnh hưởng nhất trong cả nước lúc bấy giờ, uy tín, ảnh hưởng của báo Cứu Quốc gắn liền với tài năng viết báo, tổ chức làm báo, và tập hợp người tài của Xuân Thủy, nhiều tên tuổi của báo Cứu Quốc đã đi vào lịch sử báo chí cách mạng như Nguyễn Ngọc Kha, Minh Phong, Tô Hoài, Nguyễn Thành Lê, cùng một đội ngũ cộng tác viên cự phách bao gồm Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Trần Văn Cẩn, Thép Mới…

Đến năm 1948, nhà báo Xuân Thủy trở thành Chủ tịch của tổ chức tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay.

Ngày 21/4/1950, ông đứng ra triệu tập đại diện các cơ quan báo chí Trung ương đóng ở chiến khu Việt Bắc thay mặt báo giới cả nước tổ chức Đại hội thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”. Đại hội họp tại hội trường báo Cứu Quốc và bầu chủ nhiệm báo Cứu Quốc Xuân Thủy làm Hội trưởng. Nhà báo Xuân Thủy chính thức giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từ đó đến năm 1962.

Một số tư liệu, hiện vật của nhà báo Xuân Thủy được giới thiệu tại trưng bày. (Ảnh: H.Hoàng)

Tháng 7/1950, Ðại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Helsinki công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của OIJ. Nhà báo Xuân Thủy là nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia Đoàn Chủ tịch OIJ, được bầu làm Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo năm 1957 và là nhà báo đầu tiên của Việt Nam được tặng thưởng phần thưởng cao quý của tổ chức này.

Từ tháng 5/1968, Xuân Thủy giữ vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Tại 248 phiên họp công khai của Hội nghị Paris, nhà ngoại giao, nhà báo Xuân Thủy với lý lẽ đanh thép, kết hợp thái độ vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo đã luôn giành thế chủ động và thuyết phục được các nhà quan sát. Bên lề hội nghị, chúng ta có gần 500 cuộc họp báo lớn nhỏ, thường xuyên và không thường xuyên và hàng trăm cuộc trả lời phỏng vấn. Xuân Thủy không chỉ chủ trì các cuộc họp báo lớn và họp báo thứ năm hằng tuần sau phiên họp công khai tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Paris mà còn trực tiếp trả lời phỏng vấn của nhiều nhà báo, các hãng thông tấn Mỹ, phương Tây và xã hội chủ nghĩa...

Tại Tọa đàm, tham luận của các đại biểu đã góp phần làm rõ những đóng góp to lớn của nhà báo Xuân Thủy với những di sản báo chí quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, trong hoạt động đào tạo báo chí và hoạt động Hội, với nhiều tham luận được chuẩn bị công phu, nội dung phong phú, nhiều phát hiện sâu sắc và thú vị về nhà báo Xuân Thủy ở các góc nhìn, giai đoạn và qua chính các tác phẩm báo chí và văn chương của ông do các nhà báo lão thành, lãnh đạo cao cấp, chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực báo chí trực tiếp chấp bút.

Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức đã công chiếu bộ phim tài liệu “Xuân Thủy – Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam”. Phim do Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện, với nội dung tri ân những đóng góp của nhà báo Xuân Thủy với công cuộc đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.

Ban Tổ chức cũng tổ chức trưng bày chuyên đề "Nhà báo Xuân Thủy (1912 – 1985)", kể về con đường nhà báo Xuân Thủy đến với báo chí cách mạng Việt Nam; Xuân Thủy với báo Cứu Quốc, với Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; Xuân Thủy với Hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam); Xuân Thủy và Hội nghị Paris... Trong đó, đáng chú ý có hơn 20 tài liệu, hiện vật bản gốc gắn với nhà báo Xuân Thủy lúc sinh thời như trang phục, đồ dùng trong quá trình công tác; bản thảo viết tay, đánh máy và một số bài viết trên báo Cứu Quốc; Giấy chứng nhận ký ngày 08/3/1960 do Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) trao tặng nhà báo Xuân Thủy vì những đóng góp cho sự phát triển hợp tác và đoàn kết của tổ chức này./.

Huy Lê

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/toa-dam-khoa-hoc-va-trung-bay-chuyen-de-nha-bao-xuan-thuy-639929.html