Tổ chức Động vật châu Á cứu hộ 3 cá thể gấu ngựa tại Nam Định

Ngày 21-4, Tổ chức Động vật châu Á đã cứu hộ 3 cá thể gấu ngựa tại Hạt kiểm lâm Giao Xuân Hải, tỉnh Nam Định, đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, tại Vườn quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) trong cùng ngày.

Ba cá thể gấu ngựa được một chủ nuôi gấu tại xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu tự nguyện giao nộp cho nhà nước từ cuối tháng 3-2020 và đã bàn giao cho Hạt kiểm lâm Giao Xuân Hải chăm sóc tạm thời. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Tổ chức Động vật châu Á đã xúc tiến các thủ tục cần thiết với Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chi cục Kiểm lâm Nam Định theo đúng quy định, và nhanh chóng lên phương án sẵn sàng đi tiếp nhận gấu. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị phải tạm hoãn việc giải cứu, tuân thủ theo đúng yêu cầu giãn cách xã hội toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ vì sự an toàn của những người tham gia và cộng đồng.

Khu chăm sóc tạm chờ cứu hộ của ba cá thể gấu tại Hạt kiểm lâm Giao Xuân Hải, Nam Định. Ảnh: Thùy Trinh.

Theo Chi cục Kiểm lâm Nam Định, có 4 cá thể gấu bị nuôi nhốt, nhưng một gấu ngựa đã chết trong trang trại, chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho gấu, Chi cục đã quyết định đưa cả ba cá thể, hai gấu cái, một gấu đực còn lại về Hạt Kiểm lâm để kịp thời chăm sóc. Trong suốt quá trình thực hiện giãn cách xã hội, Tổ chức đã gửi hướng dẫn chăm sóc gấu cụ thể, phối hợp chặt chẽ và giữ liên lạc thường xuyên với các cán bộ Kiểm lâm Nam Định, nhằm đảm bảo sức khỏe của ba cá thể gấu.

Sau ngày 15-4, chính sách giãn cách xã hội theo các khu vực chống lây lan Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Tổ chức Động vật châu Á thống nhất với Chi cục Kiểm lâm Nam Định ấn định ngày cứu hộ với một số hạn chế nhằm thực hiện đúng các quy định an toàn phòng, chống dịch bệnh như: Đeo khẩu trang, giới hạn nhóm cứu hộ dưới 10 người, khai báo thân nhiệt những người có mặt. Đặc biệt, các chuyên gia quốc tế của Tổ chức đều mang theo hộ chiếu chứng minh không xuất cảnh trong suốt thời gian có dịch bệnh.

Đoàn cứu hộ thực hiện đeo khẩu trang theo đúng quy định trong khi bàn phương án vận chuyển các cá thể gấu. Ảnh: Thùy Trinh.

Theo bác sĩ thú y Shaun Thomson, quan sát lâm sàng cho thấy sức khỏe của cả ba tương đối ổn định và là gấu trẻ, tuy nhiên phải chờ khám toàn diện cho gấu khi về Trung tâm Cứu hộ mới có thể chắc chắn tình trạng hiện tại của chúng.

Ba cá thể gấu được cứu hộ bằng phương pháp chuyển từ lồng nuôi nhốt hiện tại sang lồng vận chuyển và sau gần 4 tiếng đi đường (từ Nam Định về Vĩnh Phúc), gấu được chuyển ngay về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Sau cứu hộ, gấu sẽ trải qua 45 ngày cách ly, được khám sức khỏe và chữa trị các bệnh tật, thương tổn, trước khi được ghép nhóm và hòa nhập tại các khu bán tự nhiên.

Nhân viên Tổ chức Động vật châu Á giữ gấu bình tĩnh bằng mật ong. Ảnh: Thùy Trinh

Từ năm 2007 tới nay, Tổ chức Động vật châu Á đã cứu hộ được 214 cá thể gấu ngựa và gấu chó (cả gấu con và gấu sống lâu năm trong các chuồng cũi) tại nhiều tỉnh, thành phố trên khắp Việt Nam và hiện chăm sóc 185 cá thể tại các khu bán tự nhiên của Trung tâm.

Tổ chức Động vật châu Á đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam hướng tới chấm dứt 100% số trại gấu còn lại trên địa bàn cả nước và đưa được thêm khoảng 800 cá thể gấu nữa về các cơ sở cứu hộ, lộ trình từ 2017 tới 2022. Thống kê mới nhất cho thấy cả nước còn khoảng hơn 600 cá thể gấu nuôi trong các trang trại, trong khi gấu ngoài tự nhiên chỉ còn vài trăm cá thể. Cuối năm 2005, Chính phủ Việt Nam tiến hành lập hồ sơ và quản lý gấu trên cả nước nhằm mục đích quản lý số lượng gấu đang nuôi nhốt, chấm dứt tình trạng săn bắt gấu từ tự nhiên về nuôi).

HOÀNG LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/to-chuc-dong-vat-chau-a-cuu-ho-3-ca-the-gau-ngua-tai-nam-dinh-615889