Tình yêu, sức mạnh để vượt khó

Nằm sâu trong con hẻm ở phường 3, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, hơn 27 năm qua, vợ chồng thương binh hạng 1/4 Đinh Đức Nhỏ, dân tộc Mường luôn hết lòng thương yêu, chăm sóc nhau, vượt lên thương tật, khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc, đóng góp tích cực cho xã hội...

Nên duyên khi thăm thương binh

Xa quê hơn 43 năm, nhưng giọng nói, tính cách của ông Đinh Đức Nhỏ vẫn giữ nét cởi mở, thật thà, bình dị của người dân tộc Mường ở vùng núi rừng huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ngày 20-4-1974, Đinh Đức Nhỏ tình nguyện nhập ngũ vào Trung đoàn 429, Sư đoàn 302 (Quân khu 7). Sau thời gian huấn luyện, anh trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước). Sau năm 1975, Đinh Đức Nhỏ tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Cam-pu-chia. Có sức khỏe, lập nhiều thành tích trong công tác, chiến đấu, tháng 1-1987, Đinh Đức Nhỏ được giao làm Phó tiểu đoàn trưởng về chính trị Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 429). Ngày 31-8-1988, trong một lần cùng đồng đội đi trinh sát phục vụ tác chiến tại địa bàn huyện Sam-raong, tỉnh Ốt-đô-miên-chay, Cam-pu-chia, anh bị thương nặng.

Vợ chồng thương binh Đinh Đức Nhỏ.

Nhớ lại kỷ niệm năm xưa, giọng anh trở nên hào sảng: “Hôm ấy, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trinh sát trở ra, men theo những đường mòn, bất ngờ một tiếng nổ chát chúa, khói bụi tung lên. Tôi và hai đồng đội ngã xuống. Được đồng đội băng bó tạm thời, chuyển về đơn vị, một tháng sau, tôi chuyển về Bệnh viện Quân y 175 điều trị. Chiến trường ác liệt, dụng cụ y tế thiếu thốn, chân phải bị thương của tôi phải cắt đi, cắt lại nhiều lần, với tỷ lệ thương tật 81%”.

Tiếp lời, chị Hoàng Thị Phương Chi, dân tộc Mường, quê huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, nguyên nhân viên Phòng Hậu cần, Bệnh viện Quân y 175, kể: "Lúc bấy giờ, mỗi khi có thương binh từ Cam-pu-chia chuyển về, không chỉ các y sĩ, bác sĩ chăm sóc mà cán bộ, nhân viên bệnh viện đều đến thăm hỏi, tặng quà, động viên từng người. Biết anh Nhỏ cùng quê, tôi đến thăm nhiều hơn. Anh cũng không ngần ngại nhờ tôi hỗ trợ mọi việc. Tình cảm giữa chúng tôi lớn dần từ đó”.

Công tác ở thành phố, bấy giờ, Hoàng Thị Phương Chi cũng có nhiều bạn. Không ít người đã khuyên, nếu yêu và lấy anh Nhỏ, chị sẽ vất vả cả đời. Thế nhưng, mỗi lần thăm anh, chị lại càng thương yêu anh hơn. Cuối tháng 12-1989, anh chị chính thức nên duyên vợ chồng.

Vượt lên khó khăn, thương tật

Sau ngày cưới, vợ chồng anh Nhỏ gặp muôn vàn khó khăn. Nhà không có, anh chị phải mượn căn phòng nhỏ của bệnh viện làm tổ ấm hạnh phúc. Đến tháng 6-1990, anh Nhỏ xuất ngũ. Đúng năm ấy, chị cũng sinh cháu Đinh Thanh Hoàng, cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn; mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều dựa vào đồng lương ít ỏi của chị và tiền trợ cấp thương tật của anh. Hằng ngày, thấy chị vất vả lo việc nhà, chăm sóc chồng con, anh nhiều đêm trăn trở… Nghĩ thế, mỗi sáng, anh tập tễnh đến nhiều nơi trong khu phố để tìm việc làm. Đầu năm 1991, anh xin vào làm nhân viên trông giữ xe tại chợ Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp).

Giọng xúc động, chị Phương Chi nói: “Thấy anh vất vả, vết thương lại thường xuyên tái phát, mỗi năm phải nhập viện điều trị vài lần, nhiều đêm tôi không cầm được nước mắt... Thế nhưng, mỗi lần khuyên anh thôi việc, anh lại gạt đi và nói: “Sức khỏe vẫn còn thì còn phải làm việc, nếu không lao động, có khi vết thương còn nặng và dễ tái phát hơn”.

Nói là làm, anh Nhỏ luôn cẩn thận, tận tâm, trách nhiệm trong công việc. Đến năm 2005, anh được Bệnh viện Quân y 175 tạo điều kiện vào làm nhân viên bảo vệ hợp đồng. Hơn 25 năm trông xe tại chợ, làm bảo vệ, anh đã trả lại hơn 30 giấy tờ tùy thân và nhiều tài sản cho người bỏ quên. Nhiều người gặp anh nhận lại giấy tờ và hậu tạ, mặc dù nghèo nhưng anh Nhỏ đều từ chối. Tấm gương của anh ngày càng được nhiều người dân trong khu phố biết đến và khen ngợi. Nhờ vậy, cũng từ năm 2005 đến nay, anh Nhỏ được Chi bộ Tổ dân phố 45, khu phố 7, phường 3 tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ. Với kinh nghiệm làm công tác chính trị trong quân đội, anh đề xuất chi bộ phát động Phong trào “Mỗi năm, chi bộ nhận hỗ trợ con em một gia đình khó khăn, có điều kiện đến trường”. Cùng với kinh phí từng đảng viên tự nguyện đóng góp, anh Nhỏ luôn tích cực vận động các nhà hảo tâm trao 3 suất học bổng (1,5 triệu đồng/suất) tặng học sinh nghèo. Việc làm ý nghĩa của anh góp phần xây dựng chi bộ liên tục đạt TSVM, xây dựng khu phố nghĩa tình, được nhiều chi bộ bạn học tập.

Thương chồng, chị Phương Chi luôn chăm chỉ, hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị, chu toàn việc nhà, chăm sóc anh luôn có sức khỏe tốt. Với sự chăm chỉ lao động, hết lòng thương yêu, chăm sóc nhau, anh chị dần vượt qua mọi khó khăn, thương tật, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc. Mới đây, anh chị xây dựng được ngôi nhà khang trang; vui hơn, cháu Đinh Thanh Hoàng, hiện là Thượng úy đang công tác tại Công an TP Hồ Chí Minh. Cả anh và chị nhiều lần được chính quyền các cấp biểu dương là công dân kiểu mẫu.

Bài và ảnh: DUY NAM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/tinh-yeu-suc-manh-de-vuot-kho-510686