Tình yêu mãnh liệt của đứa con từ cây cầu Long Biên

'Những đứa con của cây cầu Long Biên' được viết bằng con mắt của một cô bé sinh ra và lớn lên ở Bến Nứa, hít thở không khí náo nhiệt của chợ Đồng Xuân.

Cầu Long Biên như một biểu tượng cho Hà Nội và tình yêu Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang.

Hà Nội nghìn năm cũng có cả nghìn cuốn sách mang đề tài Hà Nội, được thực hiện bởi những người có kiến thức uyên thâm, dành cả đời khảo cứu, tìm tòi để viết về mảnh đất này. Nhưng trong số những tác giả ấy, cũng có người chỉ viết bởi sự thôi thúc của tình yêu dành cho Hà Nội.

Viết bởi sự thôi thúc của tình yêu dành cho Hà Nội

Tập tản văn Những đứa con của cây cầu Long Biên là một cuốn sách về Hà Nội khá lạ lùng. Tác giả của cuốn sách chỉ đơn thuần là một người đàn bà Hà Nội, gắn bó với khu vực được coi là đầu mối giao thông, vận chuyển, kinh doanh, buôn bán trung tâm của thành phố, được cố định bằng những địa danh: cầu Long Biên, Bến Nứa, chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, ô Quan Chưởng, ngõ Thanh Hà…

Nơi đây là giao lộ đường thủy quan trọng trên sông Hồng chảy qua Hà Nội; là con đường huyết mạch nối Hà Nội với vùng Kinh Bắc và các tỉnh Đông Bắc giàu có, trù phú; là “cái dạ dày” của thành phố với ê hề của ngon vật lạ, trên rừng dưới biển và là huyết mạch chủ đạo bơm sức sống cho cả vùng lõi đô thị với 36 phố phường.

Sách Những đứa con của cây cầu Long Biên. Ảnh: H.A.

Thế nên, tập tản văn Những đứa con của cây cầu Long Biên chỉ tập trung khai thác khoảng không gian đó bằng con mắt của một cô bé sinh ra và lớn lên ở Bến Nứa, ngày ngày chơi đùa trên cầu Long Biên, cọ xát, hít thở bầu không khí náo nhiệt, sôi động của chợ Đồng Xuân để rồi trưởng thành, lao mình vào một thiên di, và đến một lúc, từ nơi xa, phóng chiếu lại vùng đất mà cây cầu phủ bóng.

Dòng chảy tình yêu của Đông Di dành cho nơi chôn rau cắt rốn đan xen hai giá trị. Đầu tiên là giá trị của nền văn hóa Pháp ở Hà Nội, với biểu tượng cụ thể là cây cầu Long Biên vừa tròn 120 năm tuổi cùng nhà ga Long Biên. Thứ hai là văn hóa của người Hà Nội được cô đọng ở khu vực Bến Nứa - Đồng Xuân - Ô Quan Chưởng.

Qua từng khúc tản văn, Đông Di hé lộ vẻ đẹp của hai giá trị văn hóa song hành, tiếp biến và hòa trộn vào nhau để tạo ra chất riêng của người Hà Nội, vừa thấm đẫm nề nếp truyền thống trong lời ăn, tiếng nói, cách hành xử trong gia đình và ngoài xã hội, lại vừa phóng đạt, duy mỹ qua những nét kiến trúc, học vấn và biểu đạt nghệ thuật.

Nơi tình yêu neo đậu

Qua đó, chúng ta tiếp cận được cuộc sống của cư dân Hà Nội ở giai đoạn đang được con mắt của thị dân bản địa Đông Di quan sát và tái hiện. Trong một ngôi nhà kiểu Tây, nằm trong một con phố được quy hoạch và xây dựng theo phong cách châu Âu, những con người Hà Nội vẫn đọc Đường thi, nghe giảng kinh Phật, rèn luyện nữ công gia chánh, nấu những món ăn truyền thống của Hà Nội.

Minh họa trong sách. Ảnh: H.A.

Những lát cắt của cuộc sống đời thường từ ẩm thực đường phố, nghề mưu sinh chốn chợ búa hay tuổi thơ của những đứa trẻ gắn liền với cây cầu Long Biên, sân ga Long Biên, Bãi Giữa sông Hồng… cũng được Đông Di hé lộ qua những câu chuyện của riêng mình, mà mới đọc tưởng chẳng liên quan gì đến ký ức và tình yêu Hà Nội.

Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy đã nhận xét: “Tên sách Những đứa con của cây cầu Long Biên làm tôi thoáng nhớ Những đứa con phố Arbat, một cuốn tiểu thuyết sám hối thời Liên Xô bắt đầu tan rã. Arbat là một con phố cổ kính của Moskva như Hàng Ngang, Hàng Đào, nơi để nhớ về”.

Cũng có thể như thế, bởi cầu Long Biên là một biểu tượng đã hằn sâu vào trong đầu “những đứa con” đã chạy rạc chân suốt chiều dài của nó, đã từ đó để bước vào Bãi Giữa mở những cuộc phiêu lưu và là điểm xuất phát cho những cuộc thiên di toàn cầu.

Với Đông Di, cầu Long Biên là nơi để tình yêu của chị có bến neo đậu. Nhưng trong tình yêu đó, vẫn có nỗi đau của những mối xung đột: xung đột Đông - Tây, xung đột thế hệ, xung đột quá khứ - hiện tại, xung đột bản sắc - thay đổi, xung đột của Hà Nội - các đô thị toàn cầu…

Thế mới là tình yêu đích thực, bởi không có một thứ tình yêu nào toàn bích, hoàn hảo và một chiều. Giống nhà văn Nguyễn Việt Hà nhận xét: “Những đứa con của cây cầu Long Biên là một tập tản văn hay nhưng chủ nhân của nó là một phụ nữ Hà Nội đanh đá”.

Đanh đá cũng là một căn tính của phụ nữ phố cổ Hà Nội như Đông Di, biết chửi tục song lại cắm hoa rất giỏi. Quan trọng hơn, Nguyễn Việt Hà đã nhìn đúng phẩm tính của Đông Di và tinh thần của chị trong Những đứa con của cây cầu Long Biên.

Ông nhận xét: “Hà Nội vốn mênh mông, nên bất cứ ai cũng có một thứ Hà Nội của riêng mình. Đám buôn bán ở chợ Giời thời bao cấp thường gọi đó là chất. Cái chất này mơ hồ hằn đậm trong một không gian khá hẹp, đặc trưng tới mức chỉ có đám cao bồi già lọc lõi ở phố mới nhận ra. Đông Di là như thế”.

Tình yêu của Đông Di trong Những đứa con của cây cầu Long Biên là thế. Độc đáo và không dễ cảm. Song đây là một bài tình ca dành cho Hà Nội, dành cho ai biết lắng nghe. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã gọi đó là “tình yêu mãnh liệt với cây cầu Long Biên, với Hà Nội của một đứa con”.

An Mustang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-yeu-manh-liet-cua-dua-con-tu-cay-cau-long-bien-post1363643.html